Cách đây đúng một năm, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak buộc phải từ chức sau hơn 30 năm cầm quyền. Đây được coi là thành quả đáng kể đầu tiên của cuộc chính biến mang tính chất cách mạng ở nước này. Chỉ có điều là sau một năm, kỳ vọng của người dân Ai Cập về thời kỳ mới vẫn chưa thành hiện thực.
Trên danh nghĩa thì thời mới đã bắt đầu nhưng thực chất thì Ai Cập vẫn cũ nhiều hơn mới. Vì thế, cuộc đấu tranh quyền lực vẫn rất sôi động, quyết liệt và không khoan nhượng. Người dân thất vọng vì đã hạ bệ được ông Mubarak nhưng lại để giới quân sự cầm quyền và tìm mọi cách duy trì vị thế. Thất vọng vì những đảng phái mà họ gửi gắm mong đợi trong cuộc bầu cử quốc hội mới rồi đang dần chuyển sang thỏa hiệp với giới quân sự.
Câu hỏi lớn chưa được giải đáp là chính thể nhà nước Ai Cập tới đây sẽ như thế nào. Câu trả lời phụ thuộc trước hết vào ý đồ của giới quân sự. Nếu họ thật lòng chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự thì cuộc bầu cử tổng thống sắp tới sẽ quyết định tất cả. Trong trường hợp này, giới quân sự cần biểu hiện thành ý bằng cách không lấn át nghị viện mới được bầu ra, đặc biệt trong vấn đề soạn thảo và thông qua hiến pháp mới. Nếu các tướng lĩnh vẫn muốn bám giữ quyền lực và mọi bước cải cách chính trị chỉ nhằm để ru ngủ dư luận và xoa dịu tinh thần đấu tranh của người dân thì chắc chắn cái gọi là thời mới ở Ai Cập cũng sẽ chỉ là tiếp tục thời cũ. Thời mới chưa thấy tới nên xứ này chưa dễ sớm được bình yên.
La Phù
Bình luận (0)