Thời nay, sống giữa làng nhà hết gạo chạy đi mượn có ngay

26/04/2019 12:01 GMT+7

Ngày nay, ở phố thị khi nhắc đến chuyện nhà hết gạo, chạy đi mượn, vay lúa về nấu cơm hẳn nhiều người nghĩ chỉ có trong 'cổ tích'. Thế nhưng, có ai biết người miền quê vẫn giữ tình quê giản dị ấy cho đến tận bây giờ.

Xã hội ngày càng đổi mới, vì mưu sinh khiến nhiều người lao vào vòng xoáy của đồng tiền, chấp nhận rời xa đồng lúa mênh mông, sống cảnh nhà trọ chật chội, sẵn sàng đánh mất tình nghĩa để tranh giành quyền lợi, địa vị.

Ở chốn phố thị xô bồ nhiều người tự hỏi rằng, ngày nay có còn ai xách nồi qua nhà hàng xóm để mượn gạo về nấu cơm nữa không? Tình làng nghĩa xóm cái thời mượn lúa, xin lửa có còn hay không? Cách sống giàu tình nghĩa, chân thực mà đầy giản dị ấy còn hiện hữu trong cuộc sống này không...?

Hết gạo thì đi mượn, mình đang ở quê mà

Hòa Vang là vùng quê hiếm hoi ở TP.Đà Nẵng được nhiều người mê chụp ảnh tìm đến để ngắm mặt trời lặn. Ngày trước, quê tôi ai cũng nghèo khó, nhà nào khá lắm thì trữ được vài ghè lúa đặng ăn no đến mùa sau.

Chiều ráng trên miền quê Hoà Vang, nơi phía tây TP.Đà Nẵng HUY ĐẠT
Hẳn những ai xa quê sẽ luôn lưu giữ những ký ức đẹp về tình làng nghĩa xóm HUY ĐẠT

Tôi là đứa mồ côi cha từ nhỏ, gánh đời với 3 miệng ăn nặng trĩu trên vai má tôi. Ngày đó, hủ gạo nhà tôi luôn trong tình trạng cạn sạch, mỗi lần mở nắp nhìn đáy hủ sạch trơn gạo, má lại sai hai anh em tôi ôm cái nồi đen xì xì sang nhà hàng xóm để mượn gạo về nấu cơm. Hí hửng hai anh em đứa xách nồi, đứa rọi đèn pin chạy đi mượn gạo.

Đã lâu quá rồi má không sai đi mượn gạo nữa, cứ ngỡ chuyện ôm nồi đi mượn gạo chỉ còn trong ký ức tuổi thơ của hai anh em tôi. Thế nhưng, ngày nay ở quê tôi cứ hễ nhà ai hết gạo thì vẫn xách nồi đi mượn. Ngày mai có gạo rồi lại mang trả. Cái gọi là tình làng nghĩa xóm nơi thôn quê vẫn còn đang hiện hữu tại nơi này, ở thành phố đô thị loại 1.

 
Chuyện thiếu - đủ ở miền quê như sợi dây vô hình gắn kết tình làng nghĩa xóm bền chặt bao đời nay HUY ĐẠT
Tuổi thơ của những đứa trẻ ở miền quê Hoà Vang, TP.Đà Nẵng HUY ĐẠT

Cách đây vài hôm, máy xay xát lúa đầu xóm bị hỏng, thế là hôm đó nhà tôi rơi vào hoàn cảnh như ngày xưa, hết gạo. Nhanh chân chạy ra cửa hàng bán gạo thì người ta đã đóng cửa, vậy là được quay về tuổi thơ, xách nồi đi mượn gạo.

Cứ như thế, ở miền quê nghèo chúng tôi hàng xóm ai thiếu cái gì thì đi mượn, mượn dùng rồi lại mang trả. Chuyện thiếu đủ trong cuộc sống đã dần gắn kết tình làng nghĩa xóm bền chặt, thân tình.

Mùa này, dải đất miền Trung bước vào những ngày nắng nóng kéo dài, cũng là lúc những cái giếng đào, nước mát lạnh lúc nào cũng đông nghẹt người đi tắm “ké”. Ký ức tuổi thơ lại ùa về mỗi lần đi ngang nhìn lũ nhỏ trong xóm tập trung tắm nước giếng sau trận bóng ở sân làng.

Ngày nay, dù quá trình đô thị hóa tại TP.Đà Nẵng diễn ra rất nhanh, khiến những người đi xa vài năm quay về nhìn không ra lối dẫn vào nhà mình. Thế nhưng, dù đường xá có rộng hơn, đèn điện sáng trưng mọi ngõ hẻm, thay đổi khá nhiều nhưng người dân quê tôi vẫn giữ được cái hồn quê chất phát, tình làng nghĩa xóm.

Nợ ân tình xóm làng phải mang theo suốt đời

Khi đã lớn, tôi vẫn còn nhớ những buổi trưa ra đồng gặt lúa cùng ngoại, được ôm trọn tổ chim chiền chiện về chăm nuôi. Người quê tôi ngày trước, cứ mỗi lần đến mùa gặt thì người người, nhà nhà lại tập trung đi gặt trả công. Những thanh niên khoẻ mạnh thường đứng đạp lúa hoặc dùng tay đập lúa chứ khi đó chưa hề có máy tuốt lúa. Ban ngày đi gặt, gánh về tập kết ở sân vận động, tối lại tập trung tuốt lúa.

Những ngày này đối với bọn trẻ con chúng tôi cực kỳ thích, vì được đá bóng ban đêm ở sân vận động mà chẳng hề sợ "ma".

Ở quê, cứ hễ hết gạo thì đi mượn, lúa mất mùa thì đi vay về để ăn. Mùa vụ tới đội gạo đi trả cho hàng xóm HUY ĐẠT
Hễ có gì món ngon, người quê tôi lại mang sang biếu hàng xóm ăn cùng, miếng ăn tuy đơn giản nhưng đó là cả tấm lòng HUY ĐẠT

Việc đạp máy tuốt lúa thường cần những người khoẻ mạnh, bởi sau một khoảng thời gian đập độ nửa tiếng, khi người mệt thì người khác phải thay ca.

Ngày nay, khi máy gặt đập liên hợp ra đời, người quê tôi không còn vất vả như ngày xưa nữa. Thế nhưng, những gì còn sót lại cái thời đi gặt trả công ấy là những buổi chiều cả làng gom lúa chạy đua với mưa giông. Cứ thấy lúa còn phơi ngoài sân thì người làng tôi lại tập trung giúp đỡ thu gom mà không cần biết đó là lúa của ai. Bởi lẽ, phơi ở sân làng thì chắc chắn lúa của hàng xóm mình rồi.

Nhiều người nghĩ chuyện mượn gạo, vay lúa hẳn ngày nay không còn. Thế nhưng ở miền quê Hoà Vang, chuyện vay mượn ân tình hàng xóm vẫn hiện hữu HUY ĐẠT

Còn nhớ, ở quê ngày xưa, những năm mất mùa, lúa không đủ ăn,nhà nào đông con thì đói khát triền miên. Nhiều bữa ăn chỉ toàn khoai và sắn. Những lúc này, tình làng xóm lại trổi dậy, nhà không còn lúa thì đi vay, nhà nào thiếu ăn thì má hay chị xách nồi chạy sang hàng xóm mượn tạm vài ba bữa gạo về cho mấy đứa nhỏ chống đói. Hứa hẹn, mùa vụ sắp tới sẽ mang trả đúng hẹn.

Ở quê, người ta coi trọng chữ tín lắm, sau vụ gặt, gạo chưa vào ghè thì má đã vội đội thúng mang gạo sang trả hàng xóm. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no, ngày mình đói người ta thương tình giúp đỡ. Nay có gạo, phải đội đi trả ngay. Còn cái nợ ân tình xóm làng thì phải mang theo suốt đời”, má tôi dạy.

Tình làng nghĩa xóm chốn phố thị xô bồ

Ở vùng quê nghèo, những chuyện tình nghĩa hàng xóm láng giềng, tối lửa tắt đèn có nhau, chia nhau miếng ăn chống đói. Tuy nhiên, ở chốn phố thị không phải khi nào cũng được như vậy.

Tình quê, nghĩa tình hàng xóm hiện hữu nồng ấm biết bao HUY ĐẠT

Tình làng nghĩa xóm thời nay vẫn còn hiện hữu tốt đẹp, thế nhưng vì nhiều lý do, quá bận rộn công việc khiến họ dường như có khoảng cách với nhau, họ không còn thời gian quan tâm đến nhau khiến nghĩa tình dần bị mai một ít nhiều.

Đã từng nghe nhiều câu chuyện đau lòng, chỉ vì tiếng ồn loa karaoke hay dừng đỗ xe chiếm đường đi, hay chỉ đơn giản là những xích mích nhỏ nhặt mà hàng xóm lại “ăn thua đủ” để rồi dắt nhau ra tòa. Để rồi, còn có những chuyện đau lòng hơn là kẻ mất mạng, người đi tù...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.