Để đảm bảo giấc ngủ ngon, mọi người được khuyến cáo là nên thiết lập giờ đi ngủ cố định, hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh, gần giờ đi ngủ thì không uống cà phê, trà hay rượu bia. Đây đều là những thói quen có hại cho giấc ngủ, về lâu dài có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Thế nhưng, ngủ quá ít hay quá nhiều đều có thể làm tăng nồng độ cholesterol trong máu. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo người từ 18 đến 60 nên ngủ ít nhất 7 tiếng/đêm. Việc ngủ quá thời lượng này hoặc ít hơn trong thời gian dài sẽ làm biến động nồng độ cholesterol trong máu.
Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Sleep đã phân tích dữ liệu khảo sát từ người dân Nhật Bản. Trong bảng khảo sát, những người tham gia sẽ trả lời các câu hỏi để đánh giá tình trạng thể chất, chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt, trong đó cả số giờ ngủ mỗi đêm. Ngoài ra, họ còn xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ cholesterol.
Nhóm nghiên cứu phát hiện những người ngủ ít hơn 5 giờ/đêm thì nồng độ cholesterol "tốt" HDL có xu hướng giảm, trong khi ngủ nhiều hơn 8 tiếng/đêm lại có nồng độ cholesterol "xấu" LDL lại tăng.
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa biết được nguyên nhân thực sự làm biến động cholesterol trong máu khi ngủ quá nhiều hay quá ít. Tuy nhiên, giả thuyết đưa ra rất có thể là do sự tác động của hormone giới tính giữa nam và nữ cũng như chức năng trao đổi chất của cơ thể.
Điều này đặc biệt có cơ sở khi quá trình chuyển hóa cholesterol của chúng ta thường xảy ra vào ban đêm. Đây là lý do vì sao nhiều loại thuốc điều trị cholesterol được kê để uống trước khi ngủ. Tuy nhiên, thiếu ngủ hay ngủ quá nhiều đều cản trở quá trình chuyển hóa cholesterol, đặc biệt là ở những người bị thừa cân, béo phì hoặc huyết áp cao.
Để kiểm soát nồng độ cholesterol trong máu, ngoài ngủ đủ giấc, các chuyên gia khuyến cáo mọi người cần ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, tránh rượu bia và uống thuốc khi cần. Kiểm soát tốt cholesterol có thể giúp ngăn ngừa nhiều vấn đề tim mạch, trong đó có đau tim và đột quỵ, theo Healthline.
Bình luận (0)