Thói quen đầu tiên mà mỗi năm nhà tôi đều thực hiện để tiết kiệm điện đó là tắt điện trong một giờ đồng hồ vào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3. Để hưởng ứng Giờ Trái đất, gia đình tôi muốn cùng lan tỏa thông điệp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu.
Một thói quen nữa, trở thành thông lệ của gia đình tôi vào 2 ngày cuối tuần là cùng nhau ra ngoài vui chơi và ăn uống. Điểm đến thường xuyên nhất là Thảo Cầm Viên - nơi có không khí trong lành và mát mẻ. Bên cạnh đó còn có trung tâm thương mại, khu vui chơi trẻ em và các quán cà phê. Mục đích là để gia đình dành thời gian bên nhau. Để con được chơi trò chơi vận động mà con yêu thích. Nhờ vậy mà kéo theo nhiều thiết bị điện ở nhà cũng được "nghỉ ngơi".
Những ngày trong tuần, sau giờ làm việc chúng tôi dành thời gian mỗi tối để đi dạo cùng nhau quanh công viên gần nhà. Những ngày không đi dạo, chúng tôi sẽ cùng nhau tụ họp tại một phòng chung để trò chuyện, vui chơi cùng con hoặc cùng làm việc. Vừa tạo cảm giác ấm áp trong gia đình, vừa hạn chế mỗi người mỗi phòng riêng làm tiêu tốn cùng lúc nhiều thiết bị điện.
Là người nội trợ, tôi cũng như nhiều phụ nữ khác, thói quen mỗi sáng sẽ là kéo rèm và mở tất cả cửa nhà để đón ánh nắng tự nhiên, không khí trong lành từ bên ngoài. Dọn dẹp, bài trí, sắp xếp để nhà cửa thông thoáng gió; sử dụng đồ vật có màu sắc dễ bắt sáng để tận dụng ánh sáng tự nhiên. Tôi có trồng thêm cây ở ban công vì sở thích. Nhờ vậy, nhà tôi lúc nào cũng sáng sủa và thông thoáng, chỉ bật thêm quạt là đã đủ mát.
Nhà tôi không có ti vi vì không ai có thói quen xem. Chúng tôi thường đọc tin tức, xem thời sự trên laptop hoặc điện thoại. Con gái nhỏ của tôi được quy định xem hoạt hình 40 phút một ngày, thời gian còn lại sẽ để con chơi các trò chơi vận động hoặc xem sách dành cho trẻ nhỏ. Mục đích để tránh con bị nghiện công nghệ. Cũng nhờ vậy, chúng tôi tiết kiệm được một khoản từ các thiết bị này. Ngoài ra, việc lựa chọn thời trang theo mùa cũng quan trọng không kém nếu không muốn phụ thuộc vào các thiết bị điện.
Thời tiết TP.HCM quanh năm chủ yếu là nắng nóng, nên thói quen mua sắm của tôi là luôn ưu tiên lựa chọn chất liệu vải phải mát mịn, thoải mái, màu sắc tạo cảm giác mát mẻ. Những tháng gần tết hơi lạnh sẽ thay bằng chất liệu ấm và dày.
Chồng tôi là người khá kỹ tính, kể cả trong việc bảo quản các thiết bị điện. Các thiết bị cần định kỳ kiểm tra đều do anh đảm nhận. Máy lạnh và máy giặt sẽ thuê thợ đến nhà, còn các thiết bị khác đều là anh tự tay tháo ra và lau rửa.
Anh cũng luôn nhắc nhở mọi người nếu không dùng hãy rút phích cắm, hoặc tắt máy chứ đừng để chế độ chờ. Vừa tránh được nguy cơ chập điện, hỏa hoạn vừa tránh chúng âm thầm tiêu hao điện năng.
Việc hình thành thói quen tiết kiệm điện không chỉ vì lợi ích cho riêng chúng ta mà còn cho con cái thế hệ tương lai, giúp chúng nhận thức được lợi ích và tầm quan trọng của việc tiết kiệm từ sớm, sử dụng điện đúng mục đích, không quá phụ thuộc... dẫn đến lãng phí nguồn tài nguyên của đất nước.
99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen":
Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: [email protected] hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi "Tiết kiệm điện thành thói quen"). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023. (Bài viết dự thi đăng báo sẽ được vào vòng trong và không chấm nhuận bút).
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.
Bình luận (0)