Bố làm nghề sửa chữa đồ điện nên rất tiết kiệm điện. Tôi không biết ông làm công việc này từ bao giờ, chỉ nhớ rằng, từ lúc tôi sinh ra đến bây giờ, đã hơn 30 năm vẫn thấy bố ngồi cặm cụi sửa các loại đồ điện mỗi ngày.
Nhà tôi ở là một miền quê yên bình, cũng vì điều kiện kinh tế chưa phát triển nên ở chỗ tôi, mỗi khi nhà ai có đồ dùng gia đình hỏng hóc, mọi người sẽ không nghĩ tới việc mua cái mới, mà sẽ tìm bố tôi nhờ sửa. Sau này, bố tôi mở thêm một quán tạp hóa nhỏ để bán những thiết bị điện cần thiết nữa...
Có lẽ, vì là người am hiểu về điện nên bố tôi rất tiết kiệm điện. Điều tôi luôn khó chịu về bố suốt những năm tháng đi học là bố luôn áp dụng những quy tắc tiết kiệm điện cho mẹ và cả chúng tôi thực thi. Chỉ cần sơ hở lãng phí điện một chút là bố đã "la rầy".
Bố bảo gia đình tôi phải luôn nhớ tắt các thiết bị điện khi không còn sử dụng. Có lần, tôi có hẹn với bạn, mà vừa bước chân ra cổng tôi chợt nhớ ra mình chưa tắt điện trong phòng. Tôi liền ba chân bốn cẳng chạy về phòng mà chỉ mong bố chưa phát hiện ra.
Rút phích cắm ra khỏi ổ ngay cả khi không sử dụng điện. Có lẽ tôi cũng giống như nhiều gia đình khác khi không xem tivi thì sẽ tắt nguồn trên điều khiển mà không tắt dây cắm trực tiếp từ tivi vào ổ cắm. Bố tôi bảo rằng làm vậy sẽ giảm tuổi thọ của tivi. Mặc dù, điện năng tiêu tốn tại thời điểm đó không cao nhưng về lâu dài, tiền điện cũng sẽ tăng đáng kể. Cũng từ nguyên tắc này của bố, mà khi tôi sạc điện thoại hay khi sử dụng máy tính, laptop xong là tôi nhanh chóng rút cắm sạc ngay tức khắc.
Và việc sử dụng tủ lạnh tưởng chừng như đơn giản vậy thôi mà bố cũng dặn dò chúng tôi một loạt nguyên tắc. Không được đóng mở tủ lạnh nhiều lần. Chỉ cần vài phút trước tôi vừa mở tủ, vài phút sau mở tiếp mà để bố nhìn thấy là bố sẽ nghiêm nghị nhắc rằng: "Hạn chế mở tủ thôi con nhé". Và thao tác khi đóng, mở tủ phải nhanh. Không được cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh...
Mấy năm nay, nhiều gia đình đã lắp đặt và sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời. Bố bảo rằng bố rất vui vì năng lượng gió và năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng vô tận, vừa tiết kiệm điện cho gia đình mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Để phù hợp với kinh tế gia đình, bố cũng mua vài chiếc đèn năng lượng mặt trời để sử dụng. Ngày ngày, cứ tầm trưa là bố lại mang đèn ra đón nắng, tầm chiều tối là bố lại mang vào nhà và sử dụng thay những chiếc bóng tròn, bóng tuýp thời xưa.
Nhờ có những nguyên tắc của bố mà rất nhiều thói quen cá nhân của mọi người trong gia đình tôi đã thay đổi. Tôi từng có thói quen bật quạt đắp chăn khi ngủ mà sau này vì bị bố "lên án" nhiều quá mà tôi cũng đã bỏ được thói quen này. Hay mẹ tôi đã từng có thói quen đun nước nóng bằng ấm siêu tốc vào 2 - 3 phích nước mỗi ngày thì bố tôi bảo chỉ cần đựng nước vào một phích là đủ. Chứ cứ đun thừa ra không dùng tới lại phí, hết thì lại đun sau... Rồi giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm để tránh việc quá tải, gây cháy nổ...
Có lẽ, cái tính tiết kiệm điện của bố đã "ngấm vào máu". Tôi để ý, khi có người đến tìm mua những đồ dùng điện bố sẽ hỏi han cụ thể, dùng vào mục đích gì, có nhu cầu gì. Sau đó bố sẽ khuyên khách hàng lấy những sản phẩm tiêu hao điện năng thấp, dặn dò mọi người cách tiết kiệm điện khi sử dụng những sản phẩm đó.
Sau tất cả những "nguyên tắc" của người bố hiền hậu nhưng lại rất nghiêm túc trong việc tiết kiệm điện, tôi nhận ra rằng cứ cuối tháng khi nhà nhà than phiền về hóa đơn tiền điện tăng cao, thì gia đình tôi vẫn giữ ở mức bình ổn nhất.
Lúc này, tôi thấy vui và tự hào vì bố, vì những nguyên tắc bố đã đặt ra cho cả gia đình khi sử dụng điện... Tiết kiệm điện cũng là một cách bảo vệ môi trường, tiết kiệm điện không chỉ đem lại lợi ích cho gia đình mà còn góp phần tạo nên lợi ích chung cho toàn xã hội. Hãy tự hình thành cho bản thân những thói quen để tiết kiệm điện cho cộng đồng mọi người nhé.
99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen":
Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: [email protected] hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi "Tiết kiệm điện thành thói quen"). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023. (Bài viết dự thi đăng báo sẽ được vào vòng trong và không chấm nhuận bút).
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.
Bình luận (0)