Thói quen tiêu dùng thịt thay đổi

06/05/2016 09:37 GMT+7

Thói quen tiêu dùng thịt tươi sống của người Việt là hàng rào kỹ thuật tự nhiên mà nhiều người vẫn tin tưởng ngành chăn nuôi sẽ trụ được trong sân chơi hội nhập; chỉ có điều thói quen này đang thay đổi .

“Đội khách” chiếm sân nhà
Khảo sát một vòng các trung tâm thương mại lớn, đại siêu thị ở TP.HCM trong những ngày gần đây, có thể thấy khu vực bán thịt ngoại nhập như: Mỹ, Úc, Canada thu hút khá đông khách hàng.
Tại một đại siêu thị ở Q.7, chị Dạ Thảo cho biết gia đình chị trước đây thường mua thịt tươi sống tại các cửa hàng quen nhưng gần đây thấy ngay cả thịt VietGAP cũng có chất cấm nên chẳng còn biết tin ai nên chị quay sang ăn thịt nhập. "Thịt đông lạnh nhập khẩu khi nấu chín so với thịt tươi sống trong nước có kém hơn một chút, nhưng do được nhập khẩu từ các nước phát triển họ quản lý tốt về chất lượng nên ăn thấy cũng yên tâm hơn. Ăn uống để có sức khỏe tốt mà!”, chị Dạ Thảo kết luận. Tại đại siêu thị này, thịt bò Úc nhập khẩu có giá không quá đắt như: thăn vai giá 359.000 đồng/kg, thịt ba chỉ bò giá 350.500 đồng/kg.
Gần đây, thịt heo Canada được các doanh nghiệp nhập về đang rất phổ biến tại các đô thị lớn, giá cũng khá mềm. Cụ thể như: ba rọi không da 65.000 đồng/kg; ba rọi còn da 55.000 đồng/kg; nạc vai 60.000 đồng/kg; xương ống 17.000 đồng/kg... Mức giá này rẻ hơn thịt heo nội địa khá nhiều. Năm 2015, sản lượng thịt heo nhập khẩu từ Canada tăng đến 230% so với năm 2014. Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu thịt của VN từ châu Âu cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Trong 6 tháng đầu năm 2015, VN nhập thịt heo từ EU tăng 63,5% và thịt bò tăng 41% so với cùng kỳ năm 2014. Thịt từ thị trường châu Âu ít ra thị trường bán lẻ mà chủ yếu vào các nhà hàng, khách sạn, và nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Cuối năm ngoái, Liên minh Các nhà sản xuất và sử dụng lao động trong ngành thịt châu Âu (UPEMI) cho biết, 3 năm qua sản lượng thịt của châu Âu xuất vào VN tăng 7,5 lần. Với Hiệp định Thương mại tự do VN - EU, kim ngạch xuất khẩu thịt châu Âu vào VN sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Đại diện UPEMI cho biết: hiện đã có khoảng 100 doanh nghiệp EU được cấp phép xuất khẩu thịt vào VN, riêng Ba Lan có tới 45 doanh nghiệp.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ, Tom Vilsack tuyên bố: "Nông sản của chúng tôi sẽ tạo thêm sự cạnh tranh với hàng của Úc tại thị trường VN”.
Thực tế số doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu thịt vào VN và sản lượng thịt từ các nước phát triển không ngừng tăng là bằng chứng rõ ràng về thói quen tiêu dùng thịt của người Việt đang thay đổi. Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cảnh báo: Cần phải thấy, thói quen và thị hiếu tiêu dùng không phải là bất biến mà nó đang có xu hướng chuyển dịch dần. Theo tôi xu hướng tiêu dùng thịt ngoại hiện nay không chỉ ở các suất ăn công nghiệp mà ngay cả người dân ở các đô thị lớn họ đi siêu thị mua hàng một lần dùng cả tuần. Vì vậy, cần nhìn nhận lợi thế của hàng nội từ thịt nguyên liệu tươi sống chỉ có tính “tương đối” và đang đứng trước thách thức cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Quên đi thách thức
Ngành chăn nuôi của VN được xác định từ đầu là không có khả năng cạnh tranh trong sân chơi hội nhập. Để ngành này “trụ” lại được, các chuyên gia cho rằng cần phải tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị và các tiêu chuẩn an toàn. Tuy nhiên thực tế hiện nay là người chăn nuôi heo vẫn bán được cho thương lái Trung Quốc với giá cao, lãi lớn. Chính điều này làm chúng ta quên đi thách thức phải đối mặt về lâu dài. “Thách thức lớn nhất của chúng ta trong sân chơi hội nhập chính là chúng ta không nhận ra được thách thức đó để mà thay đổi. Bây giờ giá thịt heo nội địa cao hơn thịt nhập 20.000 đồng/kg. Khi thuế suất giảm xuống 0% thịt ngoại càng rẻ hơn nữa. Thời điểm đó nếu Trung Quốc không mua heo của bà con thì với chênh lệch giá như vậy bà con nông dân không bán được heo cho ai; ngành chăn nuôi sẽ chết”, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan dự báo.
Gà nội chỉ còn 55% thị phần
Ông Âu Thanh Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ cho biết: Thịt gà nội chỉ còn chiếm 55% thị phần, số còn lại là gà nhập. Hiện nay số lượng gà nhập ngày càng nhiều, giá càng rẻ. Trong những tháng đầu năm nay, giá gà nhập (phụ phẩm) còn chưa tới 1 USD/kg. Từ lâu thịt gà nhập khẩu đã xâm nhập vào bữa ăn của người Việt tại các bếp ăn tập thể, bếp ăn công nghiệp, quán ăn bình dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.