Nhà tôi có 3 thế hệ cùng chung sống. Bố mẹ tôi cũng đã ngoài 60 tuổi. Nhu cầu sử dụng điện của người già không nhiều. Ban ngày, người lớn đi làm và các con đến lớp, việc thường làm trước khi ra khỏi nhà là mở tất cả cửa sổ thông phòng, đón nắng, tắt điện chiếu sáng không sử dụng. Việc này ban đầu xuất phát từ sự an toàn và đảm bảo sức khỏe cho gia đình. Bố mẹ tôi hay căn dặn: "Các con ra khỏi nhà nhớ tắt điện, rút hết phích cắm trong phòng mình để tránh chập điện cháy nổ, cũng không bị lãng phí điện".
Vào mùa hè thời tiết nắng nóng, nếu đêm đã bật máy điều hòa thì ban ngày càng phải nhớ tắt và mở cửa thông thoáng phòng. Việc làm này tưởng chừng đơn giản nhưng vô cùng hữu ích. Ánh sáng tự nhiên tràn vào nhà giúp giảm sử dụng đèn điện không cần thiết, góp phần tiêu diệt vi khuẩn, lưu thông không khí. Những ngày nhiều nắng, nhà tôi thường không sử dụng điện cho phòng khách mà chỉ bật một chiếc quạt cây. Nhà cuối ngõ, nắng chiếu vào đủ để sáng khắp phòng lại không mang theo hơi nóng. Hướng nhà nơi tôi đang sống có không gian thoáng mát về mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Mấy đứa trẻ con thường nằm dài trước hiên nhà ngắm nắng loang dần trên bờ tường, thơ thẩn đọc sách hoặc vẽ tranh những lúc rảnh rỗi.
Khi cao điểm nắng nóng, nhà tôi vẫn duy trì thói quen trước khi đi ngủ trưa và tối sẽ bật máy điều hòa để có một giấc ngủ dễ chịu. Những ngày trời mát, nhiệt độ không quá 26 độ C thì sử dụng quạt điện là đủ. Hằng năm không chỉ máy điều hòa mà các thiết bị điện trong nhà cũng được chú ý bảo dưỡng định kỳ để tránh tiêu hao điện nhiều mà không hiệu quả.
Với trẻ con trong nhà, các bé còn đang tuổi nhi đồng nên gia đình hướng nhiều hơn tới các hoạt động ngoài trời, hoạt động sáng tạo và đọc sách. Ba mươi phút một ngày là thời gian xem phim tối đa của bọn trẻ. Còn nhỏ, các cháu thích được chơi, được tự do để trí tưởng tượng được bay xa hơn là ngồi yên lặng một chỗ xem ti vi. Tuy nhiên người lớn thường sử dụng các bộ phim hoạt hình, các chương trình thiếu nhi trên ti vi để giúp quản lũ trẻ, tránh bị làm phiền. Tuy nhiên, nếu các em được rèn thói quen từ bé có thể chơi cùng nhau, có thể xem sách, tự hoàn thiện bức tranh của mình, có lịch trình hoạt động thì các em vẫn rất có nề nếp lại học được tính tự lập, sự chú tâm cần thiết. Vì thế nhà tôi có rất nhiều sách, màu vẽ, giấy, các đồ thủ công cần thiết để bất cứ lúc nào bọn trẻ cũng có thể tìm đến khi rảnh rỗi.
Gia đình chúng tôi cũng dành thời gian để cùng nhau ăn tại bàn ăn, cùng nói chuyện, làm mọi việc cùng nhau, giảm sử dụng các thiết bị điện tử. Mọi thói quen được thiết lập không phải chỉ nhằm tiết kiệm điện mà còn để mỗi thành viên trong gia đình có sự gắn kết với nhau, có trách nhiệm trong từng việc chung.
"Tiết kiệm điện cho cuộc sống đẹp xinh/Thế giới này sẽ thêm lung và linh/Cho em thơ chơi xả láng hết mình/Cuộc sống này thật đẹp đẽ biết bao". Những vần thơ còn non nớt của con tôi tuy ngây ngô nhưng đủ để cho thấy hành động, thói quen của người lớn đã gieo vào những tâm hồn xanh mướt ấy những hạt giống tốt. Hạt giống của sự trách nhiệm, một trái tim biết cảm nhận thế giới bằng xúc cảm yêu thương. Và tiết kiệm điện dù hình thành một thói quen tuy nhỏ nhưng lợi ích thật lớn lao hơn rất nhiều.
Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, nhận bài dự thi đến hết ngày 10.7.2024. Quý độc giả có thể gửi bài dự thi qua mail về địa chỉ [email protected] hoặc qua đường bưu điện tới Tòa soạn Báo Thanh Niên, 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thể lệ cuộc thi được đăng tải chi tiết trên thanhnien.vn.
Bình luận (0)