12 năm, Cà Mau mất gần 9.000 ha rừng ven biển

24/08/2019 21:51 GMT+7

Ngày 24.8, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng có chuyến kiểm tra thực tế tình hình sạt lở bờ đê, bờ biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cùng đoàn công tác đi khảo sát tình hình sạt lở tuyến đê từ Vàm Đá Bạc đến Vàm Kinh Mới (xã Khánh Bình Tây, H.Trần Văn Thời). Đây là tuyến đê bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt triều cường vào ngày 3.8, khiến hơn 300 m đê bị uy hiếp nghiêm trọng, nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Theo thống kê, từ năm 2007 đến nay, rừng ven biển của tỉnh Cà Mau bị mất gần 9.000 ha. Trong đó, bờ biển Tây bị xói lở có chiều dài khoảng 57 km, nhiều đoạn xói lở sâu vào thân đê, nguy cơ vỡ đê cao. Riêng về phía biển Đông, tình trạng xói lở đã xảy ra với chiều dài 48 km, nhiều đoạn xói lở sâu làm mất đất rừng phòng hộ có chiều dài từ 80  - 100 m/năm.
Ngoài ra, tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang diễn biến hết sức phức tạp. Chỉ tính riêng từ năm 2018 đến nay, đã có trên 3, 4 km bờ sông bị sạt lở. Hiện có 27 vị trí sạt lở bờ sông với chiều dài gần 38 km. Đáng chú ý là xuất hiện 8 vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở cao với chiều dài trên 4,8 km, ảnh hưởng đến hơn 1.000 hộ dân đang sinh sống, cần phải sớm được di dời.

Đoạn đê biển bị sạt sở vào ngày 3.8 được gia cố

ẢNH: GIA BÁCH

"Để khắc phục tình trạng trên, Cà Mau đã, đang áp dụng nhiều giải pháp phòng chống sạt lở bờ biển, huy động nhiều nguồn vốn để xử lý. Đồng thời, áp dụng nhiều giải pháp, qua đó, đã khắc phục xói lở nhiều vị trí xung yếu ven bờ biển với tổng chiều dài trên 28.700 m, với tổng mức đầu tư hơn 956 tỉ đồng", ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết.
Qua kiểm tra thực tế, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự khẩn trương, nỗ lực của tỉnh Cà Mau trong công tác khắc phục hậu quả của vụ sạt lở vừa diễn ra tại tuyến đê biển Tây. Bộ KH-ĐT dự kiến sẽ trình Chính phủ kinh phí gần 74 tỉ đồng để hỗ trợ tỉnh Cà Mau kịp thời xử lý đoạn đê biển Tây đang bị sạt lở nghiêm trọng.

Với tình trạng sạt lở hiện nay, tỉnh Cà Mau cần ưu tiên khắc phục những điểm sạt lở nghiêm trọng, cấp bách, trong đó chú trọng sắp xếp, ổn định cuộc sống cho người dân vùng nguy cơ cao. "Còn về lâu dài, Cà Mau cần tham khảo, tìm các công nghệ kè bảo vệ phù hợp để tập trung nguồn vốn đầu tư có hiệu quả hơn nữa. Bảo vệ đê biển gắn với tạo bãi trồng rừng phòng hộ, đây là biện pháp quan trọng trước mắt và cũng là lâu dài”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cũng trong chuyến đi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đến khảo sát vị trí xây dựng cầu sông Ông Đốc nối bờ Nam và bờ Bắc TT.Sông Đốc, H.Trần Văn Thời. Dự kiến cây cầu này cần nguồn kinh phí trên 600 tỉ đồng, khi hoàn thành sẽ tạo thuận lợi lớn cho thị trấn miền biển lớn nhất miền Tây, tiến tới là thị xã trong tương lai gần.

Cầu sông ông Đốc trong tương lai sẽ tạo trục liên thông tuyến đê biển Tây với trục lộ Đông - Tây Cà Mau, tạo điều kiện vực dậy kinh tế vùng ven biển phía Tây Cà Mau.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã đến khảo sát vị trí xây dựng cầu Cái Nai ở H.Năm Căn thuộc Dự án trục lộ Đông - Tây Cà Mau và kiểm tra khu vực Mũi Cà Mau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.