PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết cơ quan này đang xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng phòng xét nghiệm y học theo 5 mức (rất tốt - tốt - khá - trung bình khá - trung bình và chưa xếp hạng). Đây là bộ công cụ đánh giá việc tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng xét nghiệm, từng bước nâng cao chất lượng xét nghiệm để đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác, kịp thời, chuẩn hóa; làm cơ sở cho việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám chữa bệnh, từ đó giảm phiền hà, chi phí cho người bệnh.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, năm 2016 các cơ sở y tế thực hiện 516 triệu xét nghiệm các loại. Số lượng xét nghiệm tại các cơ sở y tế tăng đều hằng năm, mức tăng trung bình 10%/năm. “Nhưng hiện tại mỗi bệnh viện (BV) một kiểu máy, chất lượng nhân lực không đồng đều, đơn vị đo kết quả cũng khác nhau nên dễ gây nhầm lẫn. Việc này ảnh hưởng chất lượng điều trị và không thể công nhận được kết quả xét nghiệm giữa các BV”, ông Khuê nói.
Ông Khuê nhìn nhận, vẫn còn nhiều BV yếu kém về xét nghiệm. Do đó, để liên thông kết quả xét nghiệm, phải chuẩn hóa, nâng cao chất lượng xét nghiệm.
Giảm lãng phí sức khỏe và tiền bạc
Ông Khuê cho rằng phải nâng cao chất lượng xét nghiệm, tương đương nhau giữa các BV, tất cả đều phải tốt, đáp ứng nhu cầu chẩn đoán chính xác, điều trị đúng bệnh. Đồng thời khẩn trương thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm giữa các BV để giảm lãng phí tiền của và sức khỏe cho người bệnh.
Bộ Y tế đã yêu cầu 122 BV trực thuộc Bộ Y tế và các BV hạng 1 rà soát, lập kế hoạch thực hiện chuẩn bị cho liên thông kết quả xét nghiệm theo Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng. Trước mắt, ngay trước thời điểm 1.7.2017, việc liên thông kết quả xét nghiệm sẽ phải thực hiện đối với các phòng xét nghiệm của 38 BV trực thuộc Bộ Y tế. Các BV hạng 1 và tương đương sẽ thực hiện liên thông công nhận kết quả xét nghiệm trước ngày 1.1.2018.
GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, lưu ý: “Nhiều chỉ số xét nghiệm có thể chấp nhận được, chỉ những chỉ số cần thiết mới làm lại. Liên thông kết quả xét nghiệm là các BV phải chấp nhận kết quả xét nghiệm của nhau. Có những xét nghiệm mang tính chất theo dõi quá trình điều trị tại từng thời điểm thì vẫn xét nghiệm lại, nhưng khá nhiều xét nghiệm có giá trị sử dụng tương đối dài thì dùng lại kết quả, nếu các phòng xét nghiệm đó có độ tin cậy cao”.
“Vừa qua có tình trạng chỉ định quá mức xét nghiệm, một phần do tình trạng chất lượng xét nghiệm của một số cơ sở “có vấn đề” về độ chính xác, kém tin cậy nên không dám thừa nhận. Nhưng nguyên nhân còn do các bác sĩ không chịu nghiên cứu cẩn thận các xét nghiệm do BV khác chuyển đến, nên cứ ghi hết các xét nghiệm cho bệnh nhân. Việc này cần được khắc phục”, GS Tiến yêu cầu.
“Các thiết bị xét nghiệm đầu tư từ nguồn xã hội hóa, liên doanh, đặt máy bán hóa chất với yêu cầu lợi nhuận cũng là một yếu tố thúc đẩy chỉ định quá mức xét nghiệm. Do đó, việc công nhận kết quả xét nghiệm đòi hỏi trách nhiệm của các bác sĩ điều trị, nhưng phải có vai trò của giám đốc BV. Khi quyết định đầu tư, giám đốc BV cần cân nhắc quy mô, nhu cầu khám chữa bệnh để trang bị máy phù hợp, khai thác đúng yêu cầu điều trị, tránh việc chỉ định xét nghiệm để đạt chỉ tiêu của đối tác”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.
Bình luận (0)