Chiều nay 27.2, tại Hà Nội, Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia đã tổ chức toạ đàm về chủ đề: Vai trò của ngành khí tượng thủy văn trong sự phát triển bền vững, với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu, dự báo khí tượng, thời tiết.
Ông Trần Hồng Thái, Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết một trong những điểm gây khó khăn nhất trong công tác dự báo khí tượng thủy văn tại Việt Nam hiện nay là thiếu các hệ thống quan trắc tự động, các hệ thống còn thưa, mật độ chỉ bằng 20 - 30% so với các nước phát triển. Trong đó, hệ thống tự động đo gió, dòng chảy cao nhất cũng chỉ bằng khoảng 40% so với các nước trong khu vực.
tin liên quan
Dự báo thời tiết sai, ai chịu trách nhiệm ?Theo luật Phòng chống thiên tai, Việt Nam hiện có 21 loại hình thiên tai khác nhau. Nhưng đến nay, các loại hình thiên tai như giông lốc, vòi rồng và mưa đá vẫn chưa thể dự báo sớm được. Hiện tại, các dự báo sớm chỉ giúp cảnh báo được trước khi các hiện tượng trên xảy ra từ 15 - 30 phút.
Cũng theo ông Trần Hồng Thái, hiện tại Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đang xúc tiến đầu tư các mô hình tổ hợp công nghệ cao, gồm các ra đa, trạm quan trắc tự động. Theo dự kiến, khi tổ hợp công nghệ này đi vào vận hành, đến năm 2020, Việt Nam có thể dự báo được giông lốc, vòi rồng, mưa đá để cảnh báo sớm cho người dân phòng tránh, giảm thiểu được thiệt hại do các loại hình thiên tai cực đoan gây ra.
Bình luận (0)