3 người chịu án oan gần 40 năm: ‘Kẻ chủ mưu’ nghẹn ngào ngày được minh oan

09/10/2019 12:52 GMT+7

Trong buổi được minh oan, người bị cáo là kẻ chủ mưu trong vụ án giết người lần đầu tiên được trải lòng với bà con, nói lên nỗi cơ cực trong lòng suốt gần 40 năm chịu án oan .

Từ sáng sớm 9.10, theo tiếng loa phát thanh xã, hàng trăm người dân thôn Vạn Thắng (xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) tập trung về hội trường trụ sở UBND xã Đồng Thịnh tham dự buổi minh oan cho 3 cụ ông bị cáo buộc sát hại Bí thư chi bộ thôn Vạn Thắng xảy ra vào năm 1980.

Tâm sự cay đắng của “chủ mưu” vụ giết người được giải án oan sau 40 năm

Buổi xin lỗi, cải chính công khai cho ông Trần Ngọc Chinh (78 tuổi, từng bị cáo buộc là chủ mưu của vụ án), ông Trần Trung Thám (sinh năm 1942; là em trai ruột ông Chinh, đã mất) và ông Khổng Văn Đệ (86 tuổi), cả 3 cùng trú tại thôn Vạn Thắng (xã Đồng Thịnh), được Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức.

Buổi xin lỗi, cải chính thông tin, minh oan cho 3 người chịu oan sai gần 40 năm được tổ chức tại trụ sở UBND xã Đại Thịnh, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc sáng nay 9.10

Ảnh Trần Cường

Sau khi đại diện VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đọc lại diễn biến vụ án, ông Trần Ngọc Chinh (bị cáo buộc là chủ mưu của vụ án - theo ông Chinh) bước lên phát biểu, nói ra những cơ cực, uất hận, đau đớn... trong khoảng thời gian gần 3 năm tù giam và hơn 36 năm mang mang tội giết người, chịu sự dè bỉu của làng xóm, xã hội, đồng thời nêu những đề nghị, nguyện vọng của mình.
Quá trình ông Chinh kể lại khoảng thời gian chịu oan khiến bản thân và không ít người ngồi tại hội trường phải nén nước mắt.

Ông Chinh ngẹn ngào ngồi cùng em dâu, ôm di ảnh em trai ruột khi nghe cháu kể về quá trình đi tìm công lý cho bố

Ảnh Trần Cường

Sau lời đề nghị được bồi thường về danh dự, nhân phẩm và vật chất trong gần 40 năm chịu oan sai, ông Chinh không quên cám ơn Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền đã minh oan cho ông, để ông không còn bị người đời dè bỉu, không còn mang danh kẻ giết người...
“Trong buổi trọng đại này, tôi mạnh dạn đề nghị đến các cơ quan thực thi pháp luật, nhiệm vụ trên tinh thần phối hợp, cần đề cao nghiệp vụ tốt hơn, quyết liệt hơn và nêu cao tinh thần trách nhiệm trên cơ sở pháp luật và tình người. Qua đây, tôi cũng trân trọng gửi lời cảm ơn tới Đảng, Nhà nước và các ban, ngành”, ông Chinh nói.

Nhiều người dân không nén được cảm xúc khi nghe ông Chinh kể lại quãng thời gian chịu oan sai

Ảnh Trần Cường

Đại diện cơ quan chức năng, ông Ngô Khương Tuyến, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc, đứng ra xin lỗi những người chịu oan cùng các thành viên trong gia đình.
Ông Tuyến nêu rõ, sự việc xảy ra cách đây gần 40 năm, là của thế hệ trước và chưa rõ thuộc thẩm quyền của tỉnh Vĩnh Phúc hay Phú Thọ, nhưng cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc xác định phải có trách nhiệm bảo vệ công dân của mình.
Sau khi tiếp nhận đơn kêu oan của các gia đình, Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc đã hết sức khẩn trương tiến hành các bước điều tra.
“Chúng tôi dành trọn gần 1 năm để đi thu thập hồ sơ từ rất nhiều cơ quan và xác minh được hồ sơ nằm ở Công an tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1980, 1 trong 2 kho lưu trữ bị cháy, nên phải rất kỳ công lục lại hồ sơ và may mắn tìm lại được hồ sơ vụ án này. Vì không có hồ sơ thì không thể tiến hành giải quyết vụ việc bước đầu như ngày hôm nay”, ông Tuyến thông tin.

Thay mặt cơ quan chức năng, ông Ngô Khương Tuyến, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc, gửi lời xin lỗi đến 3 người dân chịu oan sai cùng gia đình

Ảnh Trần Cường

Ông Tuyến cũng nhấn mạnh, thiệt hại mà các cơ quan tố tụng trước đây gây ra cho 3 gia đình là rất khó có thể bù đắp. Việc tổ chức buổi xin lỗi, đính chính công khai này chỉ phần nào giảm bớt nỗi đau, thiệt hại, ảnh hưởng bởi việc gây ra oan sai cách đây gần 40 năm.
“Trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan gây ra thiệt hại thì phải xin lỗi và bồi thường, người bị thiệt hại thì phải được xin lỗi và được bồi thường về mặt nhà nước”, ông Tuyến nói.
Trước đó, ngày 28.1.1980, tại thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc (tỉnh Vĩnh Phú cũ, khi chưa tách thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) xảy ra vụ án giết người, nạn nhân là ông Chu Văn Quản, Bí thư chi bộ thôn Vạn Thắng, thời điểm đó.
Quá trình điều tra, Công an tỉnh Vĩnh Phú đã khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can, gồm: Ông Trần Ngọc Chinh, sinh năm 1941; ông Trần Trung Thám, sinh năm 1942, là em ruột ông Chinh; ông Khổng Văn Đệ và ông Nguyễn Đình Ký.
Kết quả điều tra xác định ông Ký là thủ phạm của vụ án, và bị Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phú tuyên mức án chung thân vào ngày 15.6.1983.

Sau quyết định đình cứu, ông Chinh được thả tự do vào ngày 10.10.1982

Ảnh Trần Cường

Đối với ông Chinh và ông Đệ, VKSND tỉnh Vĩnh Phú đã ra quyết định đình cứu (quyết định đình chỉ điều tra bị can) và trả tự do vào ngày 10.10.1982.
Ngày 18.10.1980, ông Thám cũng được cơ quan chức năng ra quyết định đình cứu vì không phạm tội. Tuy nhiên, trong thời gian giam giữ, ông Thám đã tử vong tại Bệnh viện thị xã Phú Thọ vì bệnh kiết lỵ, theo kết luận khám nghiệm tử thi.
Theo gia đình 3 người được đình cứu, sau khi được trả tự do, các cơ quan chức năng chưa hề xin lỗi hoặc cải chính công khai về việc oan sai, khiến cả 3 người cùng gia đình cùng chịu sự ghẻ lạnh, kỳ thị đến tận bây giờ, gây ảnh hưởng lớn đến tinh thần, cuộc sống, kinh tế,... trong suốt gần 40 năm qua (tính từ ngày bị bắt giam).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.