Theo Bộ Y tế, cả 3 bệnh nhân này, cùng 5 người Việt Nam khác, được Công ty TNHH Nihon Plast của Nhật Bản cử sang Trung Quốc tập huấn tại TP.Vũ Hán cách đây 2 tháng, và cùng trở về Việt Nam ngày 17.1 trên chuyến bay 8315 của Hãng Southern China, qua sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Tiếp xúc với nhiều người
Trong đó, bệnh nhân nữ Nguyễn Thị T. (25 tuổi, công nhân, ở H.Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), sau khi tới sân bay Nội Bài được xe công ty đón về trụ sở tại xã Thiện Kế, H.Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 23.1, bệnh nhân bắt xe ra Bến xe Giáp Bát và di chuyển bằng xe khách về H.Yên Định lúc 18 giờ cùng ngày. Sau đó, khoảng 22 giờ bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho. Đến 13 giờ ngày 24.1, bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa (BVĐK) H.Yên Định khám và được chuyển xuống điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, BVĐK tỉnh Thanh Hóa. Hiện bệnh nhân đang được cách ly tại BVĐK tỉnh Thanh Hóa, trong tình trạng ổn định.
Bệnh nhân Phạm Văn Ch. (nam, 29 tuổi, ở H.Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) khởi phát bệnh ngày 21.1, đã đi khám tại phòng khám tư ở H.Tam Dương, đến BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc ngày 23.1. Do điều trị không khỏi, ngày 26.1, bệnh nhân tiếp tục chuyển đến điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, cơ sở Giải Phóng (Hà Nội). Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, cơ sở Giải Phóng.
Bệnh nhân Nguyễn Thị D. (nữ, 23 tuổi, ở H.Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), khởi phát bệnh ngày 25.1 tại nhà và đã đi taxi cùng bố đẻ đến nhập viện tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, cơ sở Đông Anh (Hà Nội). Kể từ khi nhập cảnh vào Việt Nam ngày 17.1 đến khi nhập viện, bệnh nhân đã tiếp xúc với nhiều người thân, họ hàng. Hiện tại, các cơ sở y tế đang tiếp tục cách ly, quản lý chặt chẽ các trường hợp bệnh và những người tiếp xúc gần, phòng lây nhiễm. Tất cả những người tiếp xúc gần bệnh nhân cần giám sát, theo dõi, sức khỏe trong vòng 14 ngày.
Theo Bộ Y tế, người tiếp xúc gần với ca bệnh có nguy cơ nhiễm bệnh cần được giám sát sức khỏe là: nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị trường hợp bệnh xác định; nhân viên y tế, nhân viên phục vụ khác có tiền sử tiếp xúc với bệnh nhân xác định trong quá trình làm việc; người cùng làm việc trong khoảng cách gần hoặc ở cùng phòng làm việc với trường hợp bệnh xác định; người ngồi cùng hàng hoặc trước/sau 2 hàng ghế (2 m) trên cùng một chuyến xe/toa tàu/máy bay với trường hợp bệnh xác định; người sống trong cùng gia đình với trường hợp bệnh xác định.
Nhiều địa phương họp khẩn
Chiều 30.1, UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Y tế Thanh Hóa cùng các đơn vị liên quan đã họp khẩn nhằm tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống nCoV. Mức độ cấp thiết càng được đẩy lên cao, sau khi Bộ Y tế công bố thông tin bệnh nhân N.T.T (25 tuổi, ngụ xã Định Hòa, H.Yên Định, Thanh Hóa) là 1 trong 3 bệnh nhân người Việt Nam dương tính với nCoV. Ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa, Phó trưởng ban thường trực Ban Phòng chống dịch bệnh tỉnh Thanh Hóa, cho biết ngoài cách ly, theo dõi đặc biệt bệnh nhân T., ngành y tế Thanh Hóa còn khuyến cáo, cách ly và hạn chế tiếp xúc với 28 người từng tiếp xúc với bệnh nhân T.
Ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc BV đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho hay bệnh nhân T. từ Vũ Hán (Trung Quốc) trở về quê hôm 17.1. Đến 24.1 thì có triệu chứng ho, sốt, tức ngực, nên nhập viện. Cũng theo ông Sỹ, đến 30.1, bệnh nhân T. đã bước sang ngày thứ 3 không có biểu hiện ho, sốt và các dấu hiệu về suy hô hấp. Theo kế hoạch, bệnh nhân sẽ được xuất viện vào ngày 31.1, nhưng sau khi có kết quả dương tính với nCoV, bệnh nhân T. sẽ không được xuất viện, mà tiếp tục được cách ly, theo dõi; đồng thời tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm để gửi đi xét nghiệm, phân tích tiếp.
Sáng 30.1, trước diễn biến phức tạp của nCoV, UBND TP.Hà Nội đã tổ chức họp về phòng chống dịch. Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm nhận định: “Nguy cơ xâm nhập, bùng phát dịch tại Hà Nội là rất cao, vì đây là điểm tụ của các tỉnh phía bắc. Trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại Hà Nội, có thể phải cách ly trường học, bệnh viện hoặc khu dân cư… nên cần có công an, quân đội, chính quyền, giao thông, xây dựng… vào cuộc theo kế hoạch đã được tham mưu cho UBND TP”.
Trước tình hình cấp bách này, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Sở Y tế túc trực 24/7, kiểm soát chặt chẽ sân bay Nội Bài; chính quyền các phường, xã đi kiểm tra từng nhà hàng trên địa bàn, cấm việc mua bán tất cả động vật hoang dã, nhất là vùng ngoại thành, những vùng đang có lễ hội như chùa Hương; khuyến cáo người dân đi lễ hội, đình chùa nên đeo khẩu trang...
Trong khi đó, BV đa khoa tỉnh Lào Cai tối 30.1 cho biết trong số 12 người Việt Nam có biểu hiện sốt cao hiện đã có 1 trường hợp có kết quả âm tính với vi rút corona; 11 bệnh nhân còn lại vẫn đang được điều trị, cách ly tại BV.
Đáng lưu ý vẫn còn 2/11 người sốt cao, kèm theo các dấu hiệu viêm phổi. 11 người này vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm vi rút Corona của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư; nếu kết quả âm tính thì BV tiếp tục điều trị như các bệnh cúm mùa thông thường, còn kết quả dương tính sẽ chuyển người bệnh về BV Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 tại H.Đông Anh, Hà Nội theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tối 30.1, bác sĩ Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, cho biết BV Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa hiện đang cách ly 15 người (8 người Trung Quốc, 7 người Việt Nam) có dấu hiệu sốt để theo dõi, lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm. Đáng chú ý, trong số người bị cách ly trên, có nữ nhân viên lễ tân của khách sạn trên đường Tôn Đản (TP.Nha Trang), người được cho là tiếp xúc gần với hai cha con người Trung Quốc bị nhiễm nCoV đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam. Hai người Trung Quốc nhiễm vi rút Corona được phát hiện tại TP.HCM từng có thời gian lưu trú tại Nha Trang.
Nữ lễ tân khách sạn có dấu hiệu sốt và được đưa vào khu cách ly của BV Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa cách đây 4 ngày.
Bình luận (0)