40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (7.1.1979 - 7.1.2019): Giúp bạn hồi sinh

06/01/2019 09:08 GMT+7

Sau khi cùng quân và dân Campuchia đánh đuổi Pol Pot, giải phóng Phnom Penh, nhiều đơn vị quân tình nguyện VN còn tiếp tục thành lập lực lượng hỗ trợ người dân, giúp bạn xây dựng chính quyền địa phương.

Một trong những người thuộc lực lượng năm đó là thiếu tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Dương Đức Thùng, năm nay 64 tuổi. Ông là người dân tộc Nùng, quê ở xã Quốc Toản, Trà Lĩnh, Cao Bằng và hiện đang sống tại Đồng Xoài, Bình Phước. Cuối tháng 12.2018, chúng tôi tìm đến căn nhà cấp 4 của người anh hùng nằm giữa rừng cao su. Giữa nhà treo bàn thờ đúng theo phong tục người Nùng ngoài biên giới phía bắc. Trong nhà, ngoài chiếc ti vi đen trắng, bộ bàn ghế gỗ khắc chữ “Lữ đoàn Công binh 550 tặng” là tấm hình ông mặc quân phục thiếu tá nhòa nước ảnh và khung chứng nhận Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông bảo: “Bao năm nay mới có anh biết tôi là Anh hùng”.

Đơn vị 76 đặc biệt

Ông Thùng kể, tháng 8.1971 ông nhập ngũ vào Cục Vận tải thuộc Tổng cục Hậu cần, chuyên làm nhiệm vụ bốc xếp hàng hóa viện trợ ở cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Đầu năm 1973, ông vào Nam chiến đấu, được biên chế vào Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 25 (nay là Lữ đoàn Công binh 550) thuộc Quân đoàn 4. “Vào đến chiến trường là chúng tôi tham gia chiến đấu ở Xuân Lộc, hy sinh gần hết đơn vị. Năm 1975 đánh căn cứ Sóng Thần, xong thì ra sân bay Biên Hòa gỡ bom mìn”, ông Thùng nhớ lại.
Năm 1976, ông xin phục viên để về quê nhưng cấp trên thấy ông mạnh khỏe, đi rừng núi tốt nên không đồng ý, đưa lên đội tăng gia sản xuất của đơn vị ở Sông Bé (giờ là Bình Phước), phát rẫy trồng lúa mì. Được 3 tháng thì chiến tranh biên giới nổ ra, ông được điều về Tây Ninh chiến đấu ở Gò Dầu.
Đầu tháng 1.1979, thượng sĩ Dương Đức Thùng cùng đội hình Quân đoàn 4 theo quốc lộ 1 của Campuchia đánh đuổi Pol Pot ở các trung tâm lớn như Svay Riêng, Neak Leung, Kien Svay… và vào giải phóng Phnom Penh. “Thành phố không một bóng người vì đã bị Pol Pot giết hại hoặc đưa đi cải tạo”, ông Thùng hồi ức: “Tôi ở Phnom Penh được mấy ngày thì được lệnh xuống làm công tác vận động quần chúng. Hồi ấy, quân đoàn giao mỗi trung - lữ đoàn thành lập 1 tiểu đoàn có phiên hiệu cuối là 76, giúp bạn xây dựng chính quyền địa phương. Tiêu chuẩn tuyển chọn là những chiến sĩ đồng bào dân tộc thiểu số, gần gũi”.

Xẻ đôi bát cơm cho dân

“Nhiều lần địch dụ dỗ, mua chuộc nhưng không được. Chúng treo giải: Ai giết được Dương Đức Thùng thì thưởng 10 lạng vàng, nếu bắt được thì được thưởng nhiều hơn. Có lần Dương Đức Thùng cải trang nghe cuộc họp của gián điệp và tổ chức lực lượng bắt 2 tên từ Thái Lan về, bắt 3 tên khác ra trình diện, thu 21 súng, 300 viên đạn”.
(Nguồn: Quân đoàn 4)
Về đơn vị mới, thượng sĩ Thùng được phân công vào tổ công tác địa bàn tại xã Dei Edth, huyện Kien Svay, tỉnh Kandal. Đây là địa bàn trọng điểm án ngữ đường từ thị trấn Neak Leung (huyện Peam Ro, tỉnh Prey Veng, Campuchia) về thủ đô Phnom Penh và chỉ cách Phnom Penh hơn 17 km, vốn là căn cứ lớn của quân Pol Pot.
“Học tiếng thì dễ bởi mình người Nùng, đã biết cả tiếng Mông, tiếng Tày. Chữ thì khó hơn do ngoằn ngoèo nhiều nét. Mình cứ thấy dân là tiếp cận nói chuyện, giúp người ta từ bổ củi đến cấy lúa. Mấy việc này ngoài quê quen làm, nên thạo băng băng. Lúc nào rảnh thì ra sông Mê Kông cách đó mấy ki lô mét đánh cá, về chia cho mỗi nhà dân xung quanh vài con”, ông Thùng nhớ lại và lắc đầu: “Sau khi ta sang giải phóng, dân địa phương bị đi cải tạo hoặc trốn các nơi mới ùn ùn về quê cũ, đói khổ vô cùng tận. Mỗi lần tôi đi đánh cá, phải có chục thanh niên đi theo khênh cá về chia mới tạm đủ. Đến bữa ăn, tổ công tác cũng thiếu thốn, chỉ đủ mỗi người 1 bát cơm, nhưng dân thấy mùi gạo vác bát sang xin, anh em lại chia cho họ và có khi mỗi người chỉ được nửa bát cơm mỗi bữa”.
Thượng tá Nguyễn Văn Thịnh, nguyên chiến sĩ cùng tổ công tác 76 với ông Thùng, kể có lần một người dân bị rắn độc cắn, mê man bất tỉnh trong khi người thân cứ đòi tiêm thuốc, ông Thùng kiên quyết không cho tiêm và kiếm lá cây trong rừng điều trị thành công. Cuối năm 1981, có phụ nữ trong xã gặp ca đẻ khó, ông Thùng lại vào rừng tìm thuốc gia truyền người Nùng cho uống. Sau này, gia đình đứa trẻ nằng nặc bắt ông Thùng làm bố nuôi. Ông Thùng cười: “Hồi ấy dân mới về, ngủ chung với gia súc gia cầm nên ghẻ ngứa diện rộng. Tôi nhớ cách chữa bằng me đất ngoài quê nên vào rừng hái quả chùm ruột về ngâm với nước gạo, mang đến tắm cho trẻ con. Tắm xong đều khỏi nên cả xã kéo đến chữa khiến mình đi tìm chùm ruột đến hụt hơi. Sau vụ chữa ghẻ toàn xã, dân cứ gọi tôi là thầy thuốc, có gì ăn cũng mang sang cho, việc gì bất thường cũng báo tin”.
Giúp bạn hồi sinh1
Tấm ảnh duy nhất ghi dấu cuộc đời quân ngũ mà thiếu tá Dương Đức Thùng còn giữ được

Giữ rừng, sống chết với rừng

Bám dân xây dựng chính quyền giúp bạn suốt 4 năm trời (1979 - 1983), sau khi được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (tháng 1.1983), chuẩn úy Dương Đức Thùng chuyển về Cục Chính trị Quân khu 9 làm nhiệm vụ… phiên dịch hỏi cung tù binh, do ông giỏi tiếng Campuchia. “Giấy chứng nhận Anh hùng, huy hiệu và cái đồng hồ be bé không dây quà tặng, mãi sau cấp trên mới đưa cho tôi”, thiếu tá Thùng nhớ lại và cười: “Lễ trao danh hiệu ngoài Hà Nội, tôi lúc ấy đang nằm dưới địa bàn tìm bắt gián điệp, mấy tháng không có liên lạc nên đơn vị tưởng đã chết”.
Bà Hoàng Thị Diệp (69 tuổi), vợ ông Thùng, kể năm 1969 ông bà cưới nhau, năm 1973 ông đi B (vào Nam) và biền biệt đến năm 1978 mới về phép, khi bố mẹ mất cũng không biết chồng ở đâu để báo tin. Tháng 2.1979, Trung Quốc tấn công sang Trà Lĩnh, Cao Bằng. Nhà cửa bị pháo địch bắn tan tành, bà Diệp dắt con trai đầu Dương Đức Hoàng lúc đó mới 5 tuổi và Dương Thị Hường mới sinh 20 ngày chui vào hang đá trốn khỏi làn đạn của lính Trung Quốc. Mãi mấy ngày sau, người làng mới tìm thấy 3 mẹ con trong hang, ở tình trạng thoi thóp vì mấy ngày liền không được ăn uống gì.
Năm 1986, đại úy Dương Đức Thùng ra Thái Nguyên nhận tân binh, tranh thủ về thăm nhà. Vợ con ông nằng nặc đòi theo cùng vào Nam. Không đành lòng, ông đưa cả nhà theo tàu quân sự chở tân binh vào đến ga Sóng Thần, sau đó đưa lên gửi mấy người cùng xã Quốc Toản (Trà Lĩnh, Cao Bằng) đã vào khai khẩn rừng hoang gần Đồng Phú, Sông Bé (nay là Đồng Xoài, Bình Phước) từ khi nổ ra cuộc chiến tranh biên giới phía bắc 1979. “Tài sản lúc ấy của cả nhà là 80 đồng bạc. Mấy mẹ con mỗi người một tay nải đựng quần áo. Tôi dựng túp lều ngoài bìa rừng, mua mấy con dao, phát quang cây bụi lúp xúp, cỏ tranh để… làm mẫu cho mấy mẹ con biết cách phát nương làm rẫy, xong lại khoác ba lô về đơn vị mà không dám nhìn lại”, ông Thùng kể.
Năm 1990, ông xin nghỉ “một cục” với cấp hàm thiếu tá. Mọi quân tư trang đời lính vừa đủ trong một thùng nhỏ, vác lên xã Tân Thành, H.Đồng Phú (nay là xã Tân Thành, TP.Đồng Xoài) đưa cho vợ cất trong lều và bắt đầu cuộc đời khai hoang. Hồi ấy khu vực Đồng Xoài bát ngát đất trọc, hố bom hố pháo từ hồi chiến tranh xếp lớp với vỏ đạn, bom mìn. Cả gia đình ông Thùng biết phận “di cư tự do” nên chỉ khai phá ở những nơi “không ai thèm nhìn đến”… Ban đầu khai hoang ở khu bưng bàu ấp Bưng Sê bị bỏ hoang bao năm, cả chục năm mới thành hình mảnh vườn 6 ha trồng từ cây công nghiệp cho đến lúa nước, đậu bắp… Đến giờ, 6 ha vườn ở Bưng Sê dù ngợp bóng cao su, hồ tiêu cho ra sản phẩm, trên mặt vườn vẫn cao thấp hố bom. Đặc biệt, khi khai hoang phát hiện 2 sào cây rừng tái sinh, ông quyết định giữ lại để nuôi dưỡng, chăm sóc. Đến nay, sau gần 30 năm những cây lim xẹt, bằng lăng... đã cao lớn, tỏa bóng mát vườn nhà. Một số đại gia dưới thành phố lên hỏi mua cây quý, ông Thùng lắc đầu: “Tôi giữ khu rừng này để làm kỷ niệm, giúp nhớ những tháng ngày trong đời bộ đội từng sống chết với rừng, nhờ cây rừng chở che mới được sống đến hôm nay”…
Gần chục năm lầm lụi trong góc rừng, ông không hề nói mình là Anh hùng. Mãi tới năm 1997, một số cựu binh Lữ đoàn Công binh 550 gặp nhau, mới té ngửa là không biết ông Thùng còn sống hay đã chết và phân công nhau đi tìm. Thượng tá Nguyễn Văn Thịnh khi đó đang công tác tại Ban Chỉ huy quân sự H.Lộc Ninh lần mò mọi đầu mối, rốt cuộc cũng tìm thấy và rưng rưng khi nghe ông Thùng bảo: “Ngày xưa bên Campuchia, tao nấu cơm cho mày ăn suốt mà”. Năm 1999, dịp thành lập thị xã Đồng Xoài làm tỉnh lỵ Bình Phước, lãnh đạo tỉnh ưu ái tặng ông miếng đất ngoài đường chính Hùng Vương nhưng ông lắc đầu: “Tôi ở rừng quen rồi, nhường các anh em khác khó khăn hơn”.
Buổi chiều ở căn nhà cấp 4 cũ kỹ, ông dẫn tôi ra vườn nhổ sắn và mắt sáng rực khi nghe chuyện vùng đất Cao Bằng đang đổi thay. “Hơn 30 năm tôi chưa có dịp ra thăm quê”, giọng ông trầm xuống khiến mắt tôi cay cay khi nghe bà Diệu kể: “Mấy năm trước tỉnh Cao Bằng cũng gửi giấy mời ra dự kỷ niệm gì to lắm. Ông ấy gom hạt điều bán, chẳng đủ tiền tàu xe - ăn đường nên đành chịu, buồn mất mấy ngày”…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.