40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (7.1.1979 - 7.1.2019): Vừa hòa bình đã phải cầm lại súng

02/01/2019 07:30 GMT+7

Sau 30.4.1975, nhân dân VN và Campuchia những tưởng được sống trong hòa bình, nhưng tập đoàn Pôn Pốt, Iêng Xa ry đã gây họa diệt chủng ở Campuchia và xâm lược biên giới Tây Nam VN.

Quân và dân ta đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng, đập tan các hành động xâm lược; đồng thời đáp lời kêu gọi khẩn thiết của nhân dân Campuchia, quân tình nguyện VN đã cùng quân và dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng vào ngày 7.1.1979.
“10 ngày sau khi tiếp quản vào 30.4.1975, chúng tôi đã lại phải cầm súng đánh đuổi quân Pôn Pốt tràn lên định chiếm đảo Phú Quốc và Thổ Chu. Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng - BĐBP) không được rời tay súng, kể cả khi đất nước đã thống nhất” - thiếu tướng Trương Văn Thanh, nguyên Phó tư lệnh BĐBP, nhớ lại.

Trận đầu Tuy Đức

Tuyến biên giới đất liền VN - Campuchia có chiều dài 1.137 km đi qua 10 tỉnh biên giới Tây Nam của VN. Thời kỳ sau giải phóng, một số đơn vị quân chủ lực và địa phương chuyển nhanh sang làm kinh tế. BĐBP vừa mới triển khai đã phải gánh vác nhiệm vụ quản lý biên giới - địa bàn, giữ trật tự an ninh và chiến đấu vũ trang bảo vệ từng tấc đất Tổ quốc.
Từ đầu tháng 5.1975, trên biên giới đoạn Hà Tiên - Tây Ninh, lính Pôn Pốt liên tiếp xâm phạm lãnh thổ ta gây ra những cuộc xung đột và tội ác. Cuối 1975 đầu 1976, lính Pôn Pốt tăng cường xâm lấn vùng tây sông Sa Thầy, nam đường 19 thuộc tỉnh Kon Tum. Đêm 3.1.1976, chúng tràn sang làng Xộp (xã Mo Ray, H.Sa Thầy, Kon Tum) đốt hết nhà cửa, cướp phá tài sản và bắt đi 130 dân làng. Đến tháng 6.1976, Pôn Pốt tăng cường lực lượng ra sát biên giới, xâm canh lấn đất ở các tỉnh Long An, Bình Phước, Tây Ninh... và thực hiện các hành động khiêu khích như bắn vào đội tuần tra, uy hiếp nhân dân đang đi lại làm ăn gần đường biên, tập kích, đốt phá, bắt cóc, gài mìn gây sát thương... Đặc biệt, đêm 25.2.1976, lính Pôn Pốt bất ngờ tập kích vào Đồn BP số 8 - Đắk Lắk (nay là Đồn BP cửa khẩu Bu Prăng nằm ở H.Tuy Đức, Đắk Nông), buộc bộ đội ta phải nổ súng đánh trả, đuổi sang bên kia biên giới. Trong tháng 3 và 4.1976, Pôn Pốt thường xuyên cho lực lượng bí mật sang trinh sát khu vực đóng quân của đồn 8, bắn súng khiêu khích. Ngày 25.6.1976, chúng tấn công chốt C3 làm 3 chiến sĩ bị thương...
Vừa hòa bình đã phải cầm lại súng
Tưởng niệm liệt sĩ đồn 8 (nay là Đồn biên phòng Bu Prăng, Đắk Nông)
“Khu vực quản lý của Đồn BP số 7 (nay là đồn Tuy Đức, Đắk Nông) và đồn 8 (nay là đồn Bu Prăng, Đắk Nông) được bọn Pôn Pốt chọn làm đột phá khẩu cho cuộc chiến tranh xâm lấn lãnh thổ VN. Đây là nơi có diễn biến tranh chấp và xung đột vũ trang sớm nhất toàn tuyến”, thiếu tướng Trương Văn Thanh nói và kể: Ngày 5.1.1977, lính Pôn Pốt phục kích bắn M79 vào đội tuần tra của đồn làm 1 chiến sĩ hy sinh, 1 người khác bị thương nặng. Rạng sáng 14.1.1977, đồng loạt 2 tiểu đoàn bộ binh địch bao vây, tấn công 2 đồn nhưng vấp phải sự chống trả quyết liệt, phải rút về bên kia biên giới. Phía ta có 9 chiến sĩ hy sinh và 15 bị thương nặng, nhà cửa hư hại... Riêng đồn 7 (Tuy Đức) mất chốt phòng ngự và phải trưa hôm sau bộ đội mới phản kích lấy lại chốt...

Máu đổ dọc đường biên

Từ khi lên cầm quyền tại Campuchia (4.1975), Pôn Pốt đã thực hiện thanh trừng nội bộ, chính quyền, quân đội và cả nhân dân; nhằm từng bước gạt dần đến thanh toán triệt để những người, bộ phận không tán thành đường lối phản động phiêu lưu của chúng. Hàng chục ngàn người Campuchia đã chạy trốn sang Lào, Thái Lan, VN. Tháng 4.1976 ở tỉnh Gia Lai, Kon Tum có trên 2.000 người Campuchia chạy sang lánh nạn. Ở khắp các tỉnh dọc biên giới, số dân Campuchia lánh nạn không ngừng tăng lên. Trong 2 năm (1975 - 1976), đã có trên 15.000 người Campuchia chạy sang VN được cưu mang.
Từ tháng 5 - 12.1976, quân Pôn Pốt đã xâm lấn biên giới Tây Nam VN 356 vụ, làm hàng trăm người chết, trên 700 người bị bắt cóc, hàng trăm nóc nhà bị đốt phá. (Nguồn: Bộ Tư lệnh BĐBP)
Đêm 30.4.1977, các sư đoàn chủ lực Pôn Pốt đồng loạt tấn công các đồn, trạm BP và 13/13 xã biên giới của tỉnh An Giang. Tại chốt Mương Hội Đồng của Đồn BP Bắc Đai (Nhơn Hội, An Phú), 8 chiến sĩ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Ở trạm Tịnh Biên thuộc Đồn BP Tịnh Biên (Vĩnh Trung, Tịnh Biên) trên chốt lộ 2 đi Tà Keo, 10 cán bộ chiến sĩ quả cảm đánh lui nhiều đợt tấn công của địch và đều ngã xuống... Mãi tới ngày hôm sau, lực lượng địa phương và bộ đội chủ lực mới chi viện, đẩy địch ra khỏi biên giới.
Trong trận đầu tại An Giang, 26 BĐBP hy sinh, 75 người bị thương. Bọn Pôn Pốt cũng đã giết hại 228 người dân, làm bị thương 359 người, đốt cháy 444 nóc nhà. Ở xã Phú Hội (H.An Phú, An Giang) có 15 gia đình bị chúng giết cả nhà bằng những cách dã man, tàn ác nhất...
Ngày 18.9.1977, địch mở các đợt tấn công cấp sư đoàn vào hầu hết tuyến biên giới Đồng Tháp. Đêm 25.9.1977, chúng huy động 2 sư đoàn chủ lực, 2 sư đoàn dự bị, 8 tiểu đoàn địa phương với sự yểm trợ của pháo hạng nặng đồng loạt tấn công toàn diện tuyến biên giới Tây Ninh. Trong trận này, Đồn BP Xa Mát bị bao vây suốt 11 ngày. Bộ đội đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ được hàng trăm hộ dân, diệt 114 địch. 10 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, bị thương...
Ngày 5.12.1977, lực lượng vũ trang ta đồng loạt phản công, đẩy địch về bên kia biên giới, nhưng Pôn Pốt lại tăng cường 12 sư đoàn mở các đợt tấn công lấn chiếm. Rạng sáng 17.3.1978, một trung đoàn lính Pôn Pốt luồn sâu, bất ngờ tấn công vào khu vực Bù Đốp (Bình Phước). Lính Pôn Pốt đánh vào thôn 6, xã Thiện Hưng, mũi khác vào ấp Xa Trạch, xã Hưng Phước (thời điểm trước khi Hưng Phước tách ra thành 2 xã Hưng Phước và Phước Thiện) và thảm sát dân thường hết sức dã man. Đi tới đâu, chúng đều chém giết, đốt phá, tàn sát không sót một ai, từ người già đến trẻ em. 247 người bị giết hại, 291 nóc nhà và khoảng 14 tấn lương thực bị thiêu rụi...
Vừa hòa bình đã phải cầm lại súng2
Người dân Ba Chúc (An Giang) bị quân Pôn Pốt tràn sang giết hại Ảnh: Tư liệu BĐBP

Người anh hùng Đồn Vĩnh Xương

Đại tá Phạm Văn Phong, Chính ủy BĐBP tỉnh An Giang, cứ mỗi khi nhớ lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam là nhắc đến đồng đội mình: Anh hùng liệt sĩ Hoàng Kim Long (SN 1959) ở xã Tây An, Tiền Hải, Thái Bình. Thông minh học giỏi nhưng 17 tuổi anh Long tình nguyện nhập ngũ và được bổ sung vào Đồn BP Vĩnh Xương (An Giang) đúng thời điểm cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đang diễn ra ác liệt. Ngày 27.2.1978, lính Pôn Pốt ồ ạt đánh chiếm trạm kiểm soát của đồn nằm ở kinh Năm Xã, Hoàng Kim Long vác ĐKZ bắn liên tục 21 quả đạn, dập tắt 4 hỏa lực đại liên và 12 li 7, bắn chặn các cánh quân của địch, giữ vững vị trí tiền tiêu.
Ngày 14.4.1978, cả lữ đoàn Pôn Pốt đánh vào các vị trí của trạm và Đồn BP Vĩnh Xương ở khu vực chùa Thầy Bảy. Trong trận này, địch dùng cối 120, ĐKZ, pháo 105, 130 li đánh suốt 3 ngày đêm và vây 3 mặt khiến bộ đội bắn gần hết đạn. Đến ngày 18.4.1978, lính Pôn Pốt bố trí hỏa lực ở cánh đồng bắn vào chốt. Phát hiện chỗ yếu của địch là để lộ mục tiêu trên đồng trống, Hoàng Kim Long đã dùng ĐKZ liên tục cơ động diệt 4 hỏa điểm của địch, trong đó có 2 đại liên, 2 khẩu 12 li 7. Khi bắn tới quả đạn thứ 17 tiêu diệt thêm 2 khẩu ĐKZ và đang lắp quả đạn thứ 18 thì anh Long trúng đạn, hy sinh ở tuổi 19. “Khi trận chiến đấu kết thúc, toàn đơn vị đã lao tới ôm lấy anh và khóc. Nếu không có Long, chúng tôi thương vong rất nhiều”, đại tá Phong nhớ lại và kể: “Tự nguyện làm xạ thủ ĐKZ 82, anh Long mày mò nghiên cứu, tìm cách bắn ĐKZ không chân (ứng dụng) ở mọi địa hình, mọi điều kiện. Khẩu ĐKZ 82 do anh cải tiến bắn rất chính xác, đỡ tốn đạn mà hiệu suất diệt địch cao. Vừa có kỹ thuật giỏi, vừa có lòng dũng cảm cộng với lối đánh táo bạo, linh hoạt, anh đã làm kẻ thù nhiều phen khiếp sợ. Từ tháng 7.1977 - 4.1978, anh Long chiến đấu 35 trận, diệt 9 cụm hỏa lực và 50 tên địch”. (còn tiếp) 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.