40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam: Anh hùng tuổi 26

04/01/2019 08:45 GMT+7

Ông Cường nhắc lại địa danh Memot, giọng nằng nặng: 'Cậu bạn tôi tên Tân, người Sài Gòn đang ngồi nói chuyện với nhau trên nóc hầm thì lính Polpot bắn tỉa. Tân ngã gục vào lòng tôi, máu chảy ướt hết bộ quần áo tôi mặc...'.

Cuối con ngõ nhỏ cạnh nhà thờ Bách Tính (Nam Hồng, Nam Trực, Nam Định), căn nhà cấp 4 xây từ năm 1988 lở loét tường vôi. Ông nằm trên nền nhà cho bà xoa gừng. Ông là thiếu tá Vũ Trọng Cường, năm nay 65 tuổi, được tuyên dương Anh hùng LLVTND khi là chiến sĩ Sư đoàn 5 (Quân khu 7).

Thầy giáo thành lính công binh

Sinh 1953 tại Nam Hồng, Nam Trực, Nam Định, 10 tuổi ông đã theo bố mẹ lên Hợp Châu, Kim Bôi, Hòa Bình khai hoang. Học hết lớp 7, ông đi học sư phạm 7+2 và năm 1971 ra trường dạy cấp 1 xã Hợp Châu. Giữa năm 1972, mặc dù cân nặng chỉ 40 kg và nhà trường muốn giữ lại nhưng ông vẫn xung phong đi bộ đội với lý do “Mình chưa có gia đình, đi thay cho mấy thầy lớn tuổi”.
Gần 1 năm men theo đường mòn Hồ Chí Minh, ông vào tới căn cứ Tân Biên (Tây Ninh), được đưa về Tiểu đoàn 24 trực thuộc Sư đoàn 5, làm xạ thủ pháo phòng không 12 li 8, chiến đấu cho đến ngày 30.4.1975.
“Sau giải phóng, tôi đóng quân tại Long Khánh (Đồng Nai). Cả đơn vị có 7 đảng viên, phải gương mẫu. Tôi lại chưa vợ con nên phải ở lại trực cho anh em có vợ con về phép trước. Tháng 12.1976, sau khi là người cuối cùng trong đơn vị được nghỉ phép, tôi vào xin phục viên về dạy học, nhưng chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, cả đơn vị lại hành quân lên biên giới Tân Biên đánh trả quân PolPot, giữ biên giới”, ông Cường kể và trầm giọng: “Đánh quân PolPot thương vong nhiều nhất là bộ đội bị vướng mìn K63 do Trung Quốc viện trợ cho PolPot, đạp vào là nhảy cóc ngang người cắt cụt chân, một người bị thương phải mấy người khiêng cáng về phía sau”.
Chứng kiến nhiều thương vong, khi chuyển sang Tiểu đoàn 25 công binh, ông Cường tập trung học hỏi, mày mò nghiên cứu các cách phát hiện tháo gỡ mìn hiệu quả và truyền đạt cho các đơn vị.
Trong đợt chiến đấu tháng 4 - 5.1978, Vũ Trọng Cường trực tiếp chỉ huy đơn vị mở đường cho bộ binh đánh địch ở khu vực Memot (Kampong Cham, Campuchia). Nhiều đoạn đường địch gài mìn dày đặc, ông xung phong gỡ phá những quả khó nhất và cùng đồng đội gỡ hàng trăm quả khác, mở thông đường phục vụ cho bộ binh cơ động kịp thời tấn công đánh chiếm các mục tiêu.
Trận đánh ở điểm cao 142 (khu Memot), Vũ Trọng Cường là đại đội phó chỉ huy đơn vị chốt giữ ở hướng chủ yếu của tiểu đoàn. Địch sử dụng 2 tiểu đoàn phản kích nhưng ông đã cùng đơn vị ngoan cường chiến đấu đánh lui nhiều đợt tấn công. Đơn vị bị thương vong nhiều, bản thân bị sức ép, trên cho về phía sau nhưng ông vẫn xin ở lại tiếp tục chiến đấu. Khi được lệnh rút lui, ông thấy xạ thủ 12 li 8 bị thương, đã giằng súng đi phía sau bắn kiềm chế bảo vệ đồng đội...
“Trận Memot, cả đại đội hơn 70 người, khi về chỉ còn 6 người nguyên vẹn”, ông Cường bùi ngùi khi nhắc lại địa danh Memot, nói giọng nằng nặng: “Cậu bạn tôi tên Tân, người Sài Gòn đang ngồi nói chuyện với nhau trên nóc hầm thì lính Polpot bắn tỉa. Tân ngã gục vào lòng tôi, máu chảy ướt hết bộ quần áo tôi mặc...”.
40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (7.1.1979 - 7.1.2019) 1
Ảnh cưới của Anh hùng LLVT Vũ Trọng Cường và cô thôn nữ Đặng Thị Vinh, tháng 2.1980 Ảnh: M.T.H chụp lại

Cuộc đời giản dị

Đợt phép hiếm hoi trong cuộc đời quân ngũ cuối năm 1976, trung sĩ Vũ Trọng Cường quen cô gái Đặng Thị Vinh ở cùng xóm Quy Phú (Nam Hồng, Nam Trực, Nam Định) khi ấy mới 18 tuổi. Quen đến yêu chỉ mấy ngày, 2 người định tổ chức đám cưới nhưng gia đình 2 bên nghèo quá, không kiếm nổi tút thuốc, cân chè để cưới theo kiểu “nếp sống mới”, nên đành dắt nhau ra UBND xã đăng ký kết hôn và anh trung sĩ Vũ Trọng Cường khoác ba lô vào Nam với lời hẹn “sang năm anh về cưới em”.
“Vũ Trọng Cường được tuyên dương Anh hùng LLVT ngày 20.12.1979 khi mới 26 tuổi, đang mang quân hàm thượng sĩ, đại đội phó công binh, Tiểu đoàn 25, Sư đoàn 5, Quân khu 7. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông tham gia chiến đấu ở chiến trường Đông Nam bộ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Từ tháng 9.1977 - 12.1979, ông đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu hơn 100 trận ở chiến trường Tây Nam, luôn thể hiện quyết tâm cao, dũng cảm, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, 7 lần bị thương không rời vị trí chiến đấu. Vũ Trọng Cường có tác phong gương mẫu, luôn nhận phần khó về mình, nhường thuận lợi cho bạn, chấp hành chính sách, kỷ luật nghiêm, khiêm tốn, được đồng đội tin yêu”...
(Nguồn: Tổng cục Chính trị QĐNDVN)
“Hơn 4 năm sau, mãi tháng 2.1980 ông ấy mới về cưới tôi”, bà Đặng Thị Vinh kể lại: “4 năm liền chỉ thư từ qua lại. Hồi ông ấy được phong Anh hùng LLVTND, may có ông bác làm huyện đội đọc báo thấy, đạp xe cả đêm về báo, cả làng mới biết”. Ông Cường cười: “Hồi về cưới, mình quên cả mặt cô dâu, phải nhờ mẹ chỉ cho” khiến bà Vinh chùng giọng: “Cả năm 1979, không nhận được lá thư nào, cứ tưởng ông ấy đã chết”.
Đám cưới của người anh hùng mới được phong quân hàm thiếu úy chỉ giản dị ấm trà, bao thuốc. Cái khác duy nhất là ông Cường mặc bộ quân phục may từ vải “pho” sĩ quan cao cấp, được ưu tiên cấp phát khi nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND cuối tháng 12.1979. Cưới vợ xong, thiếu úy Cường lên Sơn Tây học văn hóa cho xong cấp 3. Năm 1983 mới chính thức đi học nghiệp vụ Binh chủng Công binh ở Đáp Cầu (Bắc Ninh). Ra trường, thấy gia đình khó khăn, con cái chưa có nên thượng úy Cường xin chuyển công tác ra Lữ đoàn Công binh 513 (Quân khu 3) đóng ở Ninh Giang (Hải Dương) để... được gần nhà. Mãi đến năm 1988, khi chuyển công tác về Ban Chỉ huy quân sự H.Nam Ninh (nay là Nam Trực), ông Cường mới thoát cảnh tháng 1 lần đạp xe hơn 70 km đường tắt qua ruộng, ngồi đò ngang, từ đơn vị về thăm nhà. Sau 2 năm làm trợ lý phụ trách vấn đề dân quân, năm 1990, ông Vũ Trọng Cường về nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá.
“Nghỉ hưu là ông ấy xuống ruộng cấy lúa ngay”, bà Vinh kể về chồng, giọng tự hào: “Nhà có 5 sào lúa, ông ấy làm hết. Xong lại cấy thuê cả mẫu ruộng ven sông Trà Lý của một cơ quan trong huyện, kiếm thêm gạo nuôi con”. Khi mấy đứa con đi học, mỗi ngày người anh hùng lại lóc cóc đạp xe mấy chục ki lô mét lên TP.Nam Định làm thuê cho xưởng sản xuất ống pô xe máy. Do 7 lần bị thương, trái gió trở trời là người đau nhức nên ông không phải làm việc nặng, chỉ đảm nhận việc lăn phần ống cho người thợ hàn…
40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (7.1.1979 - 7.1.2019)2
Ngôi nhà của ông nằm cuối cùng trong ngõ sâu nên việc đi lại tìm kiếm cũng rất vất vả Ảnh: M.T.H

Cốt cách người anh hùng

Ông Vũ Trọng Cường có 3 người con. Vũ Trọng Việt (sinh năm 1984), tốt nghiệp Đại học Giao thông vận tải, hiện đang làm kỹ sư giao thông ở Hà Nội. Vũ Thị Thêu (sinh năm 1986), tốt nghiệp Đại học Sư phạm nhưng không xin được việc, phải theo chồng vào H.Krong Ana (Đắk Lắk) làm cà phê. Cô út Vũ Thị Bích Ngọc (1990), học xong cao đẳng kế toán, đang làm kế toán cho một công ty tư nhân tại Hà Nội. Hồi các con đi học, chưa có chế độ đãi ngộ với anh hùng, cứ đầu năm học là ông Cường lại đối mặt với câu hỏi của các con: “Bố vừa là anh hùng vừa là thương binh, mà sao con không được miễn giảm học phí?”. Khi đó, ông nghiêm nghị: “Bố chỉ được công nhận thương tật 27%, xếp loại thương binh nhẹ nhất 4/4 nên không thể so sánh được với các chú bác nặng hơn. Anh hùng chỉ là danh hiệu được công nhận, không được đem ra để đòi hỏi bất cứ điều gì, với ai”.
Quen với việc không nhờ vả, đòi hỏi nên khi cậu con cả - học sinh giỏi Vũ Trọng Việt thi đại học, bà Vinh gợi ý “Vào trường quân đội cho đỡ vất vả”. Việt thẳng thắn từ chối: “Con thi quân đội, công an sẽ đỗ ngay lập tức. Nhưng khi đọc lý lịch thấy ghi là con anh hùng, mọi người sẽ nói là do tiêu chuẩn hoặc bố xin xỏ” và nhất quyết thi giao thông.
Mấy năm gần đây, ông Cường bị bệnh ung thư gan, một tay bà Vinh chăm sóc từ việc cho ăn gạo lứt muối mè, xoa bóp bấm huyệt, giờ thì mỗi ngày 3 cữ bóp gừng, nhiều đến cả tấn. Hôm rồi, anh Vũ Trọng Việt tiết kiệm tiền mua cho chiếc ti vi hơn 6 triệu đồng do chiếc ti vi đen trắng dùng cả chục năm đã hỏng và bà Vinh cũng cần nhìn màn hình để xem cách xoa bóp chữa bệnh cho chồng. Từ hồi có ti vi, cứ đi đâu ra ngoài chút là ông Cường lại vội về vì sợ trộm vào cạy cửa lấy mất. “Nhà tôi có mỗi cái ti vi là giá trị nhất, còn lại toàn huân huy chương, giấy khen với lại sách lịch sử của Sư đoàn 5 gửi ra biếu tặng”, bà Vinh thật thà. Nghe vợ nói, ông Cường nghiêm nghị: “Bao nhiêu người ngã xuống. Mình được sống chẳng là giá trị lắm sao?”...
Ngoài cánh đồng, gió lạnh đầu mùa vi vút, làm sạm 2 khuôn mặt già trong tít ngõ sâu…(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.