Tôi tìm gặp ông đang nghỉ hưu tại xã Đông Huy (Đông Hưng, Thái Bình). Ông là đại tá - phi công cấp 1 Nguyễn Văn Kháng, được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do có những thành tích xuất sắc trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế. Lúc đó, ông mới 30 tuổi, cấp bậc thượng úy.
Cấp tốc làm chủ F-5
Sinh năm 1949 tại xã Đông Huy, tháng 5.1968 ông Kháng nhập ngũ và lập tức được đưa sang Trung Quốc học phi công.
1 năm sau ông về nước, được cử sang Liên Xô chuyển loại Mig-21 loại mang 4 tên lửa đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam (KQNDVN) và tham gia chiến đấu bảo vệ bầu trời miền Bắc.
Đầu tháng 5.1975, trung úy phi công Nguyễn Văn Kháng trong đội hình đầu tiên tiếp quản sân bay Biên Hòa. “Lúc ấy ngổn ngang lắm, máy bay nằm la liệt ngoài đường băng, xe máy, súng đạn vứt lung tung. Tàn quân vẫn còn ẩn náu trong các khu rừng xung quanh sân bay nên phi công chúng tôi đi đâu cũng kè kè khẩu AR15 để tự vệ... Nhưng vất vả nhất là tiếp thu F-5”, ông Khánh nhớ lại.
|
Sau ngày 30.4.1975, số máy bay tiêm kích F-5 do Mỹ sản xuất bỏ lại sân bay Biên Hòa lên đến trên 40 chiếc. Nhiệm vụ của Trung đoàn 935 là vừa sử dụng Mig-21 làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, vừa chuẩn bị khai thác sử dụng máy bay chiến lợi phẩm F-5. Ông Kháng được phân công vào đại đội 2 sử dụng máy bay F-5.
Được giao nhiệm vụ làm chủ máy bay F-5 trong thời gian ngắn nhất, các phi công quen với Mig đều ngỡ ngàng từ những chỉ dẫn cho đến tính năng tác dụng, phương pháp điều khiển... “Không ai biết tiếng Anh ngoài anh Nguyễn Thành Trung, nên chúng tôi phải nhờ các giáo viên là nhân viên kỹ thuật chế độ cũ. Ban ngày thì các anh ấy dẫn ra tìm hiểu, làm quen máy bay, tối lại tập trung dạy tiếng Anh để phi công giải phóng biết các đồng hồ trong buồng lái và bập bẹ đọc tài liệu”, ông Kháng cười.
Không có giáo viên bay, quân chủng phải chỉ định phi công Nguyễn Thành Trung làm “thầy dạy”. Khổ nỗi, phi công Nguyễn Thành Trung trước giờ chỉ lái máy bay F-5A chiến đấu 1 chỗ ngồi, nên phải lấy chiếc F-5B 2 chỗ ngồi chuyên huấn luyện cho ông ngồi buồng trước điều khiển, phi công Nguyễn Văn Nghĩa ngồi buồng sau quan sát xem chuyển động ra sao để... về dạy. Ngày 27.5.1975, chuyến bay đầu tiên của “phi công giải phóng” đã thành công, mở đầu cho việc tự chuyển loại của 36 phi công làm chủ máy bay F-5 chỉ trong vòng 1 tháng, khiến nhân viên kỹ thuật cũ kinh ngạc “giỏi dữ vậy”.
Đến giai đoạn chuyển loại máy bay chiến đấu, phi công Nguyễn Văn Nghĩa và Nguyễn Văn Kháng ngồi trên F-5B bay cùng Mig-17 để kiểm tra, so sánh tính năng, chuyển ứng dụng bài bay từ Mig-21 sang và học tập, rút kinh nghiệm. Thời điểm đưa F-5 vào trực chiến đấu, đúng lúc cả đơn vị bị dịch sốt xuất huyết, chỉ còn 4 phi công làm nhiệm vụ (trong đó có ông Kháng) nên ngày nào cũng trực ngoài sân bay.
3 lần xuất kích trong một ngày
Tháng 5.1978, Pol Pot sử dụng lực lượng lớn tấn công xâm lấn biên giới ta từ Hà Tiên đến Tây Ninh. Trung đoàn KQ 935 (khi đó thuộc Sư đoàn KQ 372) được giao nhiệm vụ tham gia chiến đấu trên các hướng, trực tiếp chi viện hỏa lực cho quân đoàn 3, 4, 7, 9. Ngày 6.5.1978, Trung đoàn 935 xuất kích 8 lần chiếc F-5E phối hợp với lực lượng của Trung đoàn KQ 937, 917 đánh địch. Trong trận đầu này, thượng úy Nguyễn Văn Kháng bay trong đội hình biên đội 1 cùng phi công Dương Đình Nghi. Biên đội 2 gồm 2 chiếc F-5 do các phi công Nguyễn Thanh Xuân và Hoàng Hữu Hiền điều khiển.
Ông Kháng nhớ lại trận đầu: “Rất lo lắng và hồi hộp vì lần đầu tiên mang những 2 tấn bom đi ném. Cái nút ấn bom ngay cần lái, sơ ý chạm vào là đồng đội mình ăn đủ. Sợ nữa là không tìm thấy mục tiêu vì đây là lần đầu tiên KQ làm nhiệm vụ đánh bom theo lệnh gọi (trinh sát mặt trận chỉ mục tiêu, mình kẻ trên bản đồ, bay tìm mục tiêu) trên địa bàn rộng. Mình bay cao vậy mà vẫn thấy súng phòng không nó bắn dày đặc dưới bụng. Thả xong bom, nghe trinh sát báo đã trúng mục tiêu, mới thở phào nhẹ nhõm. Lúc ấy đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, có ngày xuất kích đến 3 lần đánh địch”.
Theo thống kê của KQNDVN, từ tháng 5.1978 - 1.1979, phi công Nguyễn Văn Kháng đã đánh 45 trận, cùng biên đội diệt gần 400 tên địch; phá hủy 6 xe M113, 12 súng 12,7 ly và 2 pháo 40 ly; phá hủy nặng căn cứ hậu cần ở tây bắc Xvây-riêng, nhiều trận địa pháo trên cảng Công Pông Xom, diệt nhiều cụm hỏa lực địch trên đảo Cô Công tạo điều kiện cho bộ binh, hải quân ta diệt địch, làm chủ chiến trường, thu nhiều vũ khí đạn dược. Ông còn đánh chìm, hỏng nặng 3 tàu trên sông Công Pông Chàm; phá hủy 5 xe vận tải, 2 trận địa pháo và diệt nhiều địch.
“Gian nan nhất là mấy ngày đánh đảo Cô Công”, đại tá Kháng kể lại: “Hải quân đánh bộ chiến đấu mấy ngày liền nhưng không chiếm nổi nên yêu cầu KQ chi viện. Từ Biên Hòa đến mục tiêu phải bay 2 tiếng đồng hồ, bắn ném bom xong vội bay về vì sợ hết xăng. Khu vực này giáp Thái Lan, thấy rõ máy bay tiêm kích Thái Lan bay dọc biên giới, chỉ cần mình sơ ý lạng sang không phận là họ nổ súng. 3 ngày đêm liên tục đánh các mục tiêu trên đảo Cô Công, trận cuối khi hải quân đổ bộ, cấp trên còn lệnh cho F-5 bay trên đầu đội hình tàu chiến để khích lệ tinh thần bộ đội...”.
Tài liệu KQNDVN ghi lại: Trận Cô Công ngày 15.1.1979, tuy tầm hoạt động xa, thời tiết xấu, trên đảo có nhiều trận địa phòng không, đồng chí Kháng vẫn cùng biên đội phá hủy 3 trận địa pháo, đánh chìm 1 tàu chiến, chi viện đắc lực cho hải quân ta chiếm đảo.
“Số 2 ơi! Số 2 đâu rồi?”
Ngày 20.12.1979, thượng úy Nguyễn Văn Kháng được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; sau đó được cấp trên cử đi đào tạo chỉ huy tham mưu tại Liên Xô, về nước công tác tại Quân chủng Phòng không - Không quân (QCPKKQ). Năm 1993, theo yêu cầu nhiệm vụ, ông Kháng được biệt phái sang công tác ở hàng không dân dụng và được đề nghị nhận chức Giám đốc sân bay Nội Bài. Rất bất ngờ, ông từ chối. “Hồi còn làm phi công, tôi được rất nhiều người cứu. Giờ thôi bay, cho tôi đi cứu người để trả ơn”, ông nêu lý do và xin sang Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng không.
16 năm đau đáu với việc cứu hộ cứu nạn - đào tạo cán bộ nhân viên hàng không, năm 2009 ông về nghỉ hưu với chức danh phó giám đốc trung tâm và 2 ông bà về ngay quê lúa Thái Bình.
Bây giờ đã gần 70 tuổi nhưng mỗi ngày ông vẫn chạy xe máy cả chục ki lô mét đến với các hội viên cựu chiến binh, cây hoa cảnh... và đôn đáo với việc xây dựng kênh mương nội đồng, đường đi lại trong xóm để chuẩn bị cho thành quả nông thôn mới của xã. Ngồi nói chuyện với tôi về những ngày chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, ông đau đáu: “Số 2 đầu tiên của tôi là phi công Lâm Văn Chí, sinh năm 1947 ở Phước Hải, Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong trận đánh vào đội hình quân Pol Pot xâm lược ngày 11.8.1978 ở Xa Mát (Tây Ninh), chúng tôi lao xuống cắt bom, khi vòng lên tôi gọi mãi không thấy nó trả lời. Về đến sân bay vẫn gọi và thấy im như tờ. Mấy hôm sau, anh em bộ binh mới tìm thấy máy bay bị súng phòng không bắn, anh ấy vẫn ngồi trên ghế lái. Hôm truy điệu Chí, đơn vị không cho tôi lên dự vì 2 chúng tôi đi đâu cũng có nhau”.
Chiều Thái Bình, khói sương bảng lảng ngoài cánh đồng, ông Kháng cất tiếng gọi: “Số 2 ơi! Số 2 đâu rồi? Chí ơi Chí? Chí đâu rồi?”. Tiếng gọi lăn dài như buổi chiều 40 năm trước, Tây Nam...
(còn tiếp)
Bình luận (0)