Ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ), 1 trong 7 nạn nhân cho biết chiều 24.4 người của VKS tối cao điện cho ông đề nghị có cuộc gặp với 6 nạn nhân (một nạn nhân là ông Nguyễn Thành Nghị đã mất - PV) tại trụ sở Viện KSND (VKS) tỉnh Tây Ninh.
Vụ oan sai rất lớn, rất rõ ràng
Do các nạn nhân ở nhiều nơi: Trảng Bảng, Gò Dầu (Tây Ninh), Dầu Tiếng (Bình Dương), nên ngay trong đêm 24.4, các nạn nhân đã thuê xe đi lên TP.Tây Ninh trong đêm, trong đó có cụ Võ Thị Thương năm nay đã 94 tuổi.
Khoảng 8 giờ 30 phút sáng 25.4, các nạn nhân có mặt ở VKS Tây Ninh. Tại đây họ được ông Thái Văn Nhẫn, đại diện Cục Điều tra thông báo là đoàn công tác của VKS tối cao vào làm việc liên quan đến vụ oan sai cách đây 40 năm.
|
Mục đích của đoàn công tác là tìm hiểu, điều tra, làm rõ hơn về vụ việc xảy ra và những người liên quan. Do đó từng thành viên trong đoàn của VKS tối cao sẽ làm việc riêng với từng nạn nhân cùng với người đại diện ủy quyền.
Ba người đầu tiên làm việc với đại diện VKS tối cao là cụ Võ Thị Thương (94 tuổi) và bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (75 tuổi), ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ, 58 tuổi).
Đại diện Cục Điều tra đề nghị nạn nhân cung cấp nhân thân cũng như kể lại vụ việc và đưa ra các đề nghị, yêu cầu về bồi thường.
|
Đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Dũng cho hay tại buổi làm việc, đại diện VKS tối cao cho biết vừa qua những chứng cứ, tài liệu mà VKS tỉnh Tây Ninh cung cấp chưa đủ thuyết phục VKS tối cao về vụ việc do đó người của VKS tối cao vào đây để làm rõ nội dung liên quan.
Các nạn nhân kể lại quá trình bị ép cung, đánh đập
Trước đó, Báo Thanh Niên có loạt bài chỉ ra những sai sót liên quan đến “vụ cướp năm chỉ vàng” tại nhà máy xay xát ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng (Tây Ninh) liên quan đến những nạn nhân kể trên.
Đêm 26.7.1979, chỉ vì có tin báo có vụ cướp vàng xảy ra tại nhà máy xay lúa do ông Nguyễn Văn Đơ làm chủ, 8 người trong một đại gia đình đang sống cuộc đời yên ấm bỗng nhiên bị bắt.
Tám người bị bắt là: ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn), Hồ Long Chánh, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ), Nguyễn Thành Nghị, Nguyễn Thị Thương, Nguyễn Thị Lan.
|
Sau đó là những ngày tra khảo, ép cung buộc họ phải nhận tội mà không có bất cứ bằng chứng gì. Họ đã bị tù oan (3 năm 9 tháng 14 ngày) đến năm 1983 mới được thả. Đau lòng là trong số người bị bắt có ông Dũng (lớn) là quân nhân tình nguyện Campuchia đang về phép thăm nhà. Hai bà Lan, người có con mới được 2 tháng rưỡi, người mang bầu 5 tháng.
Năm 1983, sau 3 năm 9 tháng bị tù oan, 8 người này được ra tù. Tuy nhiên khi về quê bị làng xóm, người thân dị nghị, nhà tan cửa nát. Nhiều người phải rơi vào cảnh cùng quẫn, không chịu được cảnh coi khinh phải bỏ làng đến xứ khác mưu sinh. Nhà cửa, đất đai, ruộng vườn ở quê đành chịu mất.
|
Điều đáng nói trong số 8 người bị bắt và được thả nhưng chỉ duy một người có quyết định đình chỉ điều tra là ông Dũng (lớn). Cũng nhờ quyết định đình chỉ điều tra này, năm 2018 ông Dũng kiện VKS Tây Ninh đòi bồi thường hơn 40 tỉ đồng nhưng cuối cùng tòa Tây Ninh phán quyết bồi thường 615 triệu đồng.
|
Loạt bài của Báo Thanh Niên tạo được chú ý của dư luận cũng như cơ quan chức năng. Sau khi báo phản ánh, các cơ quan như Quốc hội, Ban Nội chính T.Ư, VKS tối cao, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đã vào cuộc và đề nghị làm rõ minh oan, trả lại quyền lợi cho những nạn nhân oan sai.
Ngày 4.4, VKS tỉnh Tây Ninh trao quyết định đình chỉ điều tra vụ án cho 7 nạn nhân trong vụ án oan sai ở Tây Ninh. Từ đó, các nạn nhân có cơ sở để đòi quyền lợi, bồi thường cho mình sau 40 năm mang “thân phận bị can”.
Sau khi nhận được quyết định đình chỉ vụ án, 6 nạn nhân là làm đơn yêu cầu VKS tỉnh Tây Ninh bồi thường với tổng số tiền 60 tỉ đồng.
Bình luận (0)