42 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc: Lòng dân che chở

17/02/2021 09:16 GMT+7

Ngay sau khi bộ binh Trung Quốc tràn qua khu vực bản Sín Chải, xã Sì Lở Lầu, H.Phong Thổ, tỉnh Lai Châu trong những ngày đầu Chiến tranh biên giới phía Bắc thì ông Nguyễn Quang Phổ vẫn bám dân và sống trong lòng địch.

Thượng úy “ở cữ”

“Giảo se khởi!” - có tiếng quát khẽ trong một ngôi nhà tối đen. Tiếng nói ra lệnh giơ tay lên bằng tiếng quan hỏa được ông Phổ hô vừa đủ nghe, nhưng đầy sắc lạnh. Căn nhà sột soạt tiếng bước chân, tiếng thở dài run rẩy xin xỏ. Tên nằm vùng không thể chống trả được vì ông Phổ đã luồn vào nhà từ lúc nào và trong bóng đêm, mũi súng thép đã dí sát người hắn.

Bài báo ông Phổ viết từ mặt trận có bút danh là Lao Đoan

Ảnh: Văn Chương

Cuộc bắt giữ bất ngờ những tên lợi dụng tình hình thời chiến để kích động dân chúng nổi loạn tại vùng lính Trung Quốc tràn qua, không còn chính quyền, đều được bóc gỡ. Người dân địa phương thỉnh thoảng lại nói nhỏ với ông Phổ về chuyện “bọn giặc hứa thưởng 500 cái chăn con công cho ai giết được Nguyễn Quang Phổ, lính Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng)”.
Tại hậu phương, tin tức về ông Phổ mờ mịt giữa thông tin chiến trận. Gia đình của ông luôn thấp thỏm nỗi lo khi nào thì lập bàn thờ. Tại thôn Hữu Cước, xã Liên Hồng, H.Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), vào ngày 20.2.1979 (tức 3 ngày nổ ra Chiến tranh biên giới phía bắc), người vợ của ông Phổ là bà Trần Thị Hùy trở dạ sinh đứa con trai. Người dân ở xóm đến chúc mừng, nhưng lúc quay ra thì ai cũng nói rằng “ông Phổ chồng bà Hùy đã chết trên biên giới”. Bà Hùy khóc mờ cả mắt. Bà nhớ lại, “chồng bộ đội thời đó nghèo lắm, sinh con nhưng vét hết gạo lúa cũng chỉ còn được vài lon, cô phải ra bờ rào hái lá rau cúc tần để ăn sống mà nước mắt cứ chảy, khi nghĩ chồng mình hy sinh rồi”.
Trong lúc bà Hùy ở hậu phương mong ngóng chồng thì tại Xì Lở Lầu, ông Phổ thoắt ẩn thoắt hiện và nhiều lần thoát khỏi sự vây bắt của địch. Vào một buổi sáng, ông Phổ luồn theo khe suối vào làng thì một toán lính Trung Quốc đuổi theo, bao vây nhiều hướng. Ông Phổ không bao giờ đi - về cùng một đường, mà luôn thay đổi lộ trình và thời gian. Nhưng lần này thì ông đã bị phát hiện. Ông Phổ hạ thấp người và nhìn qua bụi cây, quan sát toán lính đang lăm le súng, tay chỉ về hướng ông vừa đi qua.
Ông Phổ chạy tới trước nhà của Tẩn Tả Mai, dân tộc Dao và nói thật nhanh “bọn nó tới!”. Nhà Tẩn Tả Mai đang treo chùm lá trước cửa. Theo phong tục của dân tộc Dao thì đó là gia đình có người sinh nở, người lạ cấm được vào. Nhưng trong tình huống sinh tử đó, Tẩn Tả Mai ra hiệu cho ông Phổ rằng “cứ vào”.
Tiếng súng lách cách vang lên gần lối đi là lúc ông Phổ cũng đi phi nhanh vào nhà, chui dưới chiếc chăn ấm áp và nằm ngay dưới chân của chị Chảo Tả Mẩy đang ôm đứa con đỏ hỏn. Ở trước cửa nhà, Tần Tả Mai nói lớn tiếng rằng có nhìn thấy ông Phổ, nhưng người đó đã chui qua bụi rậm và chạy ra bờ suối.
Cách xử trí của Tẩn Tả Mai cũng là thước đo lòng dân ở Xì Lở Lầu đối với ông Phổ. Ông Phổ thoát nạn, rời gia đình tốt bụng này và nghiêng người nói “tố teng” (tiếng quan hỏa là “cảm ơn”). Còn Tần Tả Mai thì kính cẩn gọi ông Phổ là Pà Cô (tức “ông lớn”, “người thủ lĩnh”).
Bọn lính Trung Quốc liên tục vào bản và vẫn tiếp tục rình rập bờ suối, khe núi để bắt cho được ông Phổ, vì ông đã tóm sạch đám người nằm vùng; thỉnh thoảng lại gây cho bọn lính một phen khiếp vía. Tuy nhiên, sự bắt bớ càng gắt gao thì người dân làng càng che chở cho ông Phổ cũng những người lính trở về bám làng. Tại những ngôi làng mà người dân rời đi thì ông Phổ đến để giữ giúp tài sản, mở chuồng cho dê, bò đi ăn, dọn dẹp lại nhà cửa…
Ông Giang, quê ở TP.Hà Nội, một cựu chiến binh từng có mặt ở mặt trận Lai Châu năm 1979 kể lại: “Ông Phổ có tiếng đấy! Là một con người dũng cảm, hơi ngang tàng, nói là làm, làm rất quyết liệt, nhưng cái tính quá thẳng thắn của ông Phổ thì đôi khi cũng là trở ngại cho chính ông”. Ông Giang cho biết, lúc mặt trận nổ ra thì Ban chỉ huy tiền phương nằm ở TT.Phong Thổ, tỉnh Lai Châu và ông Phổ được nhiều người nhắc tên khen ngợi. Vì từ mùng 6 tết năm 1979 thì lựu đạn đã ném vào đồn Xì Lờ Lầu và hai bên đã quần nhau trên chiến hào. Sau đó, các lực lượng chủ lực lùi dần, nhưng ông Phổ thì lại sống giữa vùng địch, không rời dân.

Cuộc chiến hôm qua

42 năm sau cuộc chiến tranh biên giới, ông Phổ đã trở thành một cụ già ở tuổi gần 70, sống ở thôn Hữu Cước, xã Liên Hồng (H.Đan Phượng, TP.Hà Nội). Nhưng nếu đứng quay mặt lại và chỉ nghe giọng ông Phổ nói, thì có thể ngỡ rằng, ông vẫn là một người lính dày dạn, gan lỳ ở trận mạc. Đó là giọng nói to, nhát gừng, có lúc nói chuyện hơi gay cấn thì giọng băm bổ như người sắp ra lệnh thi hành một việc quan trọng. “Lúc đó súng nổ, thằng nào nằm vùng làm phản thì cho quân đi “vồ” luôn, “vồ” hết thì dân mới tin vào Công an nhân dân vũ trang không sợ địch”, ông Phổ kể với tôi bằng chất giọng nhà binh về câu chuyện làm trong sạch địa bàn trong thời chiến.
Ông Phổ nhập ngũ tháng 1.1972, đến năm 1992 thì về hưu sớm khi đang ở tuổi 39. Người anh hùng trận mạc bắt đầu gánh vác đủ công việc để nuôi bầy con, từ chặt tre, đến chở than, cấy lúa, bán rau, bán kem, dệt vải, đóng bè... Ông cùng người em vợ là Trần Văn Thụ đi bán kem tại phố Hàng Gai, sân ga Hàng Cỏ. Đám lính cũ của ông thỉnh thoảng gặp lại thì đều vồn vã, có lúc rơi nước mắt và nói: “Chào thủ trưởng, em nhớ thủ trưởng quá, vì gia đình nghèo nên thủ trưởng phải về sớm, không nhận quyết định phong anh hùng”.

Một bài báo viết về tấm gương Nguyễn Quang Phổ trên báo Công an vũ trang

Ảnh: Văn Chương

Cứ đến ngày 17.2 thì người anh hùng ngang dọc một thời trên biên giới mới chợt nhớ lại vết thương trên đỉnh đầu. Ông Phổ kể “mình vừa nhô lên nã đạn, bắn hết nửa băng thì pháo nổ ngay trên ngọn cây, dội xuống đầu, may mà tôi không tan xác từng mảnh”. Vết thương này thường tái phát khi ông về già, nhất là vào thời điểm ngày 17.2. Người vợ già của ông vào những ngày này không dám rời ông nửa bước. Mỗi khi ông Phổ lên cơn co giật thì chỉ có “bác sĩ nhà” mới cứu kịp, đó là bấm huyệt nhân trung, xoa ngực, cho uống thuốc.
Ông Phổ kể “lúc đó say sưa chiến đấu bảo vệ đất nước, có ai nghĩ gì tới việc làm thương binh, vì vậy bây giờ cũng không nhận được chế độ và chấp nhận như sống chung với lũ”. Ông vừa kể chuyện, vừa nắn bóp, sửa gân cho một người ở làng bên. Những năm tháng sống ở biên giới, ông đã học được nghề nắn bóp tay chân, sửa khớp từ những người đồng bào.
Ngày 17.2, có thể nghe các cựu chiến binh từng chiến đấu ở biên giới phía Bắc kể chuyện, nhưng nếu muốn cảm nhận đủ không khí và chất giọng của một người hùng từng được treo giá “500 chiếc chăn con công” thì gặp ông Phổ. Ông từng cầm bút viết báo, từng được biểu dương là gương Đảng viên tiêu biểu trên mặt trận, vì vậy câu chuyện của ông kể luôn đầy hấp dẫn, kịch tính, văn chương, có nhưng hình ảnh bỗ bã của lính chiến thời trận địa đầy mộc mạc chứ không cắt xén, làm tròn mọi thứ.
Niềm an ủi đối với ông Phổ, đó là năm 2002, người con trai là Nguyễn Quang Nam thi đậu 2 trường: ĐH Sư phạm và ĐH Biên phòng, hiện là giáo viên Học viện Biên phòng.
Ông cười và nói kiểu lính tráng: “Thời chiến mà, cả đoàn lên thăm đồn biên phòng, tao bảo cho anh em đánh chén bữa thịt trâu, vậy là lấy súng ra đoàng một con trâu của đồn ngã lăn quay, chiêu đãi và làm lương thực cho lính”.
Sau này, khi cầm bút viết báo, ông Phổ đã kể lại câu chuyện được người dân che chở và lấy tựa đề là Sống trong lòng dân. Nhiều bài báo của ông thời đó có bút danh là Lao Đoan. Bài của ông đăng trên báo Công an vũ trang. Ông Phổ cũng là cá nhân điển hình báo cáo thành tích chiến đấu trước Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.