54 dự án BOT, BT không đảm bảo phương án tài chính

22/07/2021 11:54 GMT+7

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế thuộc Quốc hội cho biết, 54 dự án BOT và BT trên cả nước đang có doanh thu từ phí không đạt phương án tài chính đề ra như ban đầu.

Sáng 22.7, thay mặt Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban này, ông Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề.
Theo Uỷ ban Kinh tế, việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ dịch Covid-19 đã góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của nhân dân, người lao động và hoạt động của doanh nghiệp (hơn 168.000 tỉ đồng), tuy nhiên, triển khai còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỷ lệ giải ngân thấp, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Trong đó, việc triển khai, tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam theo Nghị quyết của Quốc hội còn chậm. Chiến lược vắc xin của nước ta gặp nhiều thách thức, tỷ lệ dân số được tiêm chủng còn thấp; nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không có đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vắc xin .
Uỷ ban Kinh tế cũng nhận định, các khoản nợ xấu tiềm ẩn còn ở mức cao, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 483.200 tỉ đồng, tương ứng tỷ lệ 4,71%, nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng (cuối tháng 4.2021 là 1,78%).

Trạm thu phí trên đường tỉnh 830 tại H.Bến Lức

Ảnh Khôi Nguyên

Đáng chú ý, nợ xấu tín dụng các dự án BOT, BT giao thông giảm so với cuối năm 2020, tuy nhiên chưa phản ánh chất lượng nợ do nợ nhóm 2 là 5.912 tỉ đồng, chiếm 5,48% và hiện có 54 dự án có doanh thu từ phí không đạt như phương án tài chính. Liên quan đến thông tin này, hiện thống kê cho thấy, có một số ngân hàng đang có số dư nợ lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng cho các dự án BOT, BT. Trong đó, có khống ít các khoản vay đã chuyển nhóm nợ xấu, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Về mặt bằng lãi suất, theo Uỷ ban Kinh tế, tuy có giảm nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả kích thích vay vốn. Hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ (70.209 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,9%; 35.607 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 22,1% so với cùng kỳ).
Uỷ ban Kinh tế cũng lưu ý hạ tầng công nghệ của Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM vừa qua rơi vào tình trạng nghẽn lệnh, nhiều phiên phải tạm dừng giao dịch, ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà đầu tư, làm giảm niềm tin của thị trường. Tại nhiều địa phương xảy ra tình trạng sốt đất, đầu cơ đất, nhiễu loạn thông tin quy hoạch đất, nhất là các khu vực vùng ven các đô thị lớn.
“Cần đánh giá khả năng bong bóng tài sản và những rủi ro đến kinh tế vĩ mô; phân tích kỹ hơn tình trạng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ gia tăng trong thời gian qua với lãi suất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro”, Uỷ ban này đề nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.