90 năm ngày Báo chí Cách mạng VN (21.6.1925 - 21.6.2015): Thanh Niên trên biên cương Tổ quốc

21/06/2015 07:12 GMT+7

Ừ! Nơi đó là biên cương và là nơi những người làm báo như anh phải đến, phải cảm nhận và phải kể nhiều, cho em và bao bạn bè em biết về Tổ quốc mình, suốt hành trình đi dọc biên cương...

Ừ! Nơi đó là biên cương và là nơi những người làm báo như anh phải đến, phải cảm nhận và phải kể nhiều, cho em và bao bạn bè em biết về Tổ quốc mình, suốt hành trình đi dọc biên cương...
Đại diện Báo Thanh Niên tặng áo khoác chống rét cho học sinh mầm non Pa Vây Sử (Phong Thổ, Lai Châu)
Đại diện Báo Thanh Niên tặng áo khoác chống rét cho học sinh mầm non Pa Vây Sử (Phong Thổ, Lai Châu)
Chắc em đã nghe tới miền cao nguyên đá Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc núi dựng thành cao hun hút, đường đi mỏng manh gượng nhẹ luồn qua các khe đá như sợi chỉ màu bị ai đó lỡ tay làm rơi trên đống vải cuộn lên trong góc xưởng may. Hà Giang có hoa tam giác mạch 4 màu tím hồng trắng đỏ, trải dài ngút mắt trên những triền núi nghiêng vai cưng chiều hoa tinh khôi con trẻ, cứ chấp chới những cánh mỏng mảnh, muốn chòi lên tận đỉnh quấn quýt sương mây. Hà Giang vào mùa, hoa cải rực vàng lũng núi, làm mềm đi màu đá xám xịt trơ khấc, làm con đường xa hóa thành diệu huyền cổ tích, khi mất hút lúc mở òa sau những vòng cua hoa vàng lá xanh...
Những đứa trẻ ở Hà Giang
Nhưng Hà Giang cũng nghèo lắm em à. Giữa tháng 4 vừa rồi, anh cùng các anh chị trong cơ quan Báo Thanh Niên mang 360 phần quà tặng học sinh mầm non của toàn xã biên giới Nghĩa Thuận (H.Quản Bạ) học ở rải rác 10 điểm trường chon von lưng núi, xa tít đỉnh núi và xuống tận sâu ven bờ suối. Bọn trẻ lớn nhất là 5 tuổi đấy, nhưng bé như con chim chích, 2 tay khoanh trước ngực, dính chặt vào nhau cho đỡ lạnh, mắt xoe tròn nhìn những hộp sữa tươi, hộp thịt, túi ruốc thơm nức, những thìa bát ăn cơm mới kính coong và những chăn chiếu đệm, dép áo phưng phức mùi hồ vải.
Sống ở trên núi, đến cây ngô dễ trồng thế mà cũng chật vật cả năm mới bật nổi trái bắp con con, cứng đanh ra khỏi thân gầy guộc, thì lấy đâu ra gạo thịt đủ đầy hằng ngày cho bọn trẻ, nữa là những thứ bọn anh mang lên, lần đầu nhìn thấy… Loay hoay đánh vật với hộp sữa, bọn trẻ không biết cách nào uống, dù biết đó là thứ nước thơm mát ngọt lành, khiến chúng anh lại phải hò nhau mở bịch ni lông, cắm ống hút cho từng đứa và đứng nhìn chúng, căng phính má hồng, mắt sáng lấp lánh gân cổ mút đến vài hộp sữa ngay tức thì. Nhìn chúng, mà thấy những chật vật cơm áo hằng ngày, có đáng gì đâu?
Mấy ngày ở xã giáp biên Nghĩa Thuận, chúng anh lên thăm mốc biên giới 325 nằm cạnh bản Na Cho Cai. Chuyến lên thăm cột mốc tưởng chừng ý nghĩa, nhưng rốt cuộc lại nặng trĩu tâm tư bởi gặp hoàn cảnh của gia đình cô bé Tráng Thị Dung (sinh năm 2001, mới học đến lớp 6) ngay trên đường lên mốc.
Bé Dung 14 tuổi, người dân tộc Mông nhỏ như cây củi khô trong rừng, bởi giờ là “lao động chính” trong gia đình nuôi hai em trai cũng lít nhít trứng gà trứng vịt, sau khi bố mẹ và ông nội lần lượt ra đi. 14 tuổi nhưng đảm nhiệm cả hai vai chị - mẹ, mỗi ngày em đi học, lên nương, nấu ăn, chăm em và đảm đương cho 3 miệng ăn với vỏn vẹn 660.000 đồng/tháng tiền bảo trợ xã hội cho cả 3 chị em. Nhìn cảnh cô bé ngồi thừ bên thùng gạo rỗng, trong căn nhà nền đất, tường cũng đất, thông thống gió lạnh và tối om không điện không đèn, chúng anh - ai cũng như thấy có tảng đá đè lên ngực và không ai bảo ai, cùng quay người ra cửa, để rồi hôm sau quay lại căn nhà, mang đủ cho 3 đứa trẻ từ chăn màn, nồi niêu, quần áo, thực phẩm đồ ăn... Căn nhà hôm trước u uất, hôm sau bừng tỉnh trong sáng trưng ánh điện, môi cười của 3 đứa trẻ lóng ngóng cùng bao đồ đạc mới và nhất là cuốn sổ tiết kiệm 12 triệu đồng giúp các em có đồng bạc mua “dưa cà mắm muối”.
Lại thêm vài triệu đồng của anh em Đoàn Báo Thanh Niên gửi lại bộ đội Trạm kiểm soát biên phòng Na Cho Cai, nhờ: “Hằng tuần, anh em trích ra đi chợ mua gạo muối, thực phẩm cho các cháu!” và sau đó mới cùng dắt nhau lên thăm mốc biên giới 325, để thấy biên cương ta khăng khít, yêu thương đến nhường nào…
 
Cán bộ phóng viên Báo Thanh Niên và nhà thiết kế Thuận Việt ( bìa trái) trên đỉnh cột cờ quốc gia Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang
Cán bộ phóng viên Báo Thanh Niên và nhà thiết kế Thuận Việt ( bìa trái) trên đỉnh cột cờ quốc gia Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang
Mốc giới cao nhất VN
Em chưa một lần đến Lai Châu, vùng đất xa xôi biền biệt có lúc tưởng như quên lãng, nên nhà thơ Trần Mạnh Hảo mới viết: Trái tim đập không một ai nhìn thấy. Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu. Lạ thế đất nước mình, ở nơi đâu càng hoang sơ khó khăn, ít người biết đến, lại càng tuyệt đẹp.
Hơn 10 năm trước, khi bập bõm ngồi trên xe ca kiên nhẫn bò suốt 2 ngày đường anh mới tới Phong Thổ (Lai Châu) và lặng người trước xanh ngắt núi đầy tràn no mắt, trắng bóc mây giấu thấp thoáng ngựa thồ, nụ cười thiếu nữ Thái e ấp thẹn thùng sau trắng tím hoa ban. Tự dặn mình phải quay lại trong niềm thương nhớ, để rồi khi khoác trên mình đồng phục xanh màu trời của Báo Thanh Niên, anh thành người Lai Châu lúc nào không biết, bởi những chuyến công tác viết tin bài, bao đợt công tác xã hội của Báo: mang áo ấm, ủng dày cho con trẻ chống rét; chở bánh chưng chúc tết cả nghìn hộ nghèo; cẩn thận bọc những màn hình ti vi, đầu thu lắp cho cán bộ chiến sĩ biên phòng đang giữ đất ở những tổ công tác xa xôi, gian khổ đến cùng cực… trên xa tít Sì Lờ Lầu, Vàng Ma Chải, Thu Lũm, Mù Cả, Ka Lăng… Gần gũi và thân thiết, đến mức trước Tết Ất Mùi, trung úy Phạm Tuân, Trợ lý thanh niên của Bộ đội biên phòng (BĐBP) Lai Châu gấp gáp gọi điện: “Anh xin giúp em mấy chục cuốn lịch Báo Thanh Niên, tặng các đồn biên phòng” và thì thầm: “Dưới xuôi thì bình thường, nhưng trên biên giới thì quý lắm. Ra vào nhìn cuốn lịch, lại nhớ đến nhau và gọi nhau lên”.
Em biết không? Tình nghĩa biên cương, đơn sơ mộc mạc nhưng ân quý vô cùng: Tối cuối tuần ra đường Nguyễn Huệ xem nhạc nước, anh lại nhớ đêm ở tổ công tác biên phòng Huổi Thủng 3 (Na Cô Sa, Nậm Pồ, Điện Biên), mấy anh em chụm đầu quanh ngọn đèn dầu tự tạo bằng vỏ hộp thịt, bấc là miếng vải cắt ra từ quần đùi quân nhu, chia nhau từng con cá khô, miếng bắp cải luộc, phía bên ngoài ầm ầm mưa gió, lũ quét sạt đường; Đêm ngang qua vỉa hè Nguyễn Trung Trực la liệt bia lạnh, trai thanh gái sắc bập bùng guitare, thương vô cùng những cậu chiến sĩ 18-20 của Đồn biên phòng Vàng Ma Chải (Phong Thổ, Lai Châu) mới nhập ngũ, má lún phún lông tơ, giọng trẻ con chưa vỡ, nhưng kiên cường khoác ba lô, đeo chéo súng AK cùng anh đi 4 ngày đêm tuần tra bảo vệ mốc giới 79 cao nhất VN ở độ cao 3.000 m và đêm ngủ rừng, mắt sáng bừng, háo hức nghe kể chuyện: “Sài Gòn điện rất sáng, đường rất đông và chỗ nào cũng có mặt người”; mặc áo ngắn tay dung dăng bến Bạch Đằng líu ríu lục bình trôi, lại hồi tưởng vùng biên Thượng Phùng (Săm Pun, Mèo Vạc, Hà Giang) 4 mùa sương phủ trắng, đến mức cây rau không sống nổi và khi có khách Báo Thanh Niên đến công tác, anh em mới “xài sang” bổ một khúc gỗ lấy củi đốt lửa dưới bếp, vừa sưởi ấm vừa ăn cơm và vừa làm việc…
 
Cán bộ phóng viên Báo Thanh Niên thắp hương tưởng niệm liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc, Vị Xuyên, Hà GiangCán bộ phóng viên Báo Thanh Niên thắp hương tưởng niệm liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc, Vị Xuyên, Hà Giang
Lên với biên cương đi em !
Em biết không? Người ta bảo: Nghề báo là nghề vất vả, cực nhọc và nguy hiểm. Với anh, làm báo là hạnh phúc, bởi nghề nghiệp cho anh cuộc sống, tờ báo cho anh cách sống và niềm đam mê về nghề, chắp thêm anh những bước chân, lên với biên cương…
Em biết không? Có bao nhiêu điều huyền diệu, thiêng liêng, trong trẻo đang đợi bước chân em phía trước: một cung đường qua miền cao nguyên đá, núi cao ngất ú òa trước tay lái, hoa cỏ tím ngát rướn ra mặt đường ngóng tiếng xe qua, rừng khe khẽ khua cho lá rụng trên lưng em như nhún tay đẩy bước và vỡ òa trước mắt là lá cờ Tổ quốc trên đỉnh Lũng Cú, phần phật hiên ngang; một thác nước mang tên Bản Giốc chia bao điều nhung nhớ, ầm ầm đổ vàng trắng xuống dòng Quây Sơn lãng đãng chảy trôi bên bờ cỏ non xanh, đủng đỉnh trâu gõ mõ lốc cốc ban chiều; những bản làng Bát Xát - Mường Khương - Si Ma Cai chìm trong rừng mận trắng, thi thoảng gió đông lại trêu ghẹo thổi phù làm những cánh trắng li ti chấp chới sà xuống, nằm dài trên cỏ biếc và em lỡ lạc vào mận đào, anh cũng chẳng biết tìm đâu?...
Lên với biên cương đi em! Em sẽ thấy những bản làng còng lưng dưới núi đá, những con trẻ đầu trần chân đất, áo mỏng phong phanh co người chịu rét và còn gì hạnh phúc hơn, khi em được khoác cho chúng chiếc áo ấm màu xanh lá, trước ngực thêu chữ Báo Thanh Niên màu trắng nổi bật, rồi nhìn chúng vỡ òa sung sướng trong áo mới dép mới, líu ríu chạy từ lớp về nhà khoe bà khoe mẹ, như thể đàn gà con…
Lên với biên cương đi em! Có thể em sẽ phải như anh, đi bộ vài ngày đường ngược những con dốc dài đến tức ngực, cao đến cụng đầu, xuyên qua rừng già rêu xanh mốc thuở hồng hoang chỉ toàn dấu chân nai với hoẵng, để đến được cột mốc biên giới hoa cương khắc chìm ngay ngắn chữ Việt Nam, để cảm nhận niềm thiêng liêng dâng lên trong tim, trong mắt và cùng nghẹn ngào hát trên biên giới “Đoàn quân Việt Nam đi”...
Lên với biên cương đi em! Lên để thấy cuộc sống chật vật lo toan Sài thành là những thứ cực kỳ xa lạ ở núi rừng, mọi điều lo toan cũng hóa thành đơn giản trước ước nguyện ngàn đời “ấm áo no cơm” và mọi toan tính phần người, tự dưng mất tiêu trước nụ cười bà mế chia ta củ sắn ven rừng, cô gái Thái nhường ta chỗ tắm chung bên suối, bọn trẻ con lốc nhốc chạy à à, dẫn ta xem hoa lá, xem mặt trời dịu mắt ngủ hoàng hôn...
Đi đi, để thấy mình không chật hẹp. Đi đi, để tấm lòng rộng mở và đi, để thấy đất nước mình - đồng bào mình thân thuộc, yêu quý và đẹp đẽ vô cùng, ở dọc biên cương…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.