Ai bồi thường cho khách hàng khi xài phải xăng giả của 'đại gia' Trịnh Sướng?

14/06/2019 09:16 GMT+7

Liên quan đường dây sản xuất hàng trăm triệu lít xăng giả của 'đại gia' Trịnh Sướng vừa bị công an triệt phá, khách hàng trót mua phải xăng giả có được bồi thường không?

Liên quan vụ “đại gia” Trịnh Sướng (Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, có trụ sở tại ấp Giồng Giữa, thị trấn Lịch Hội Thượng, H.Trần Đề, Sóc Trăng) bị phát hiện sản xuất, tiêu thụ hàng trăm triệu lít xăng giả, nhiều bạn đọc thắc mắc khách hàng đã trót mua phải xăng giả thì có được bồi thường không? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm bồi thường khi có thiệt hại xảy ra như cháy xe vì xăng giả? Muốn được bồi thường thì khách hàng phải làm sao?
[VIDEO] “Đại gia” Trịnh Sướng đã làm giàu bằng hàng triệu lít xăng giả như thế nào?

Bán xăng giả có thể bị xử lý hình sự

Trả lời những câu hỏi trên, luật sư (LS) Nguyễn Hải Nam (thuộc Đoàn LS tỉnh Bình Phước) đã dẫn điều 34 Nghị định 67/2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, quy định phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi “pha trộn hoặc đưa các chất khác vào xăng dầu để trục lợi”.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
LS Nam phân tích, đối với những doanh nghiệp mặc dù biết xăng kém chất lượng nhưng vẫn cố tình kinh doanh có thể bị xử phạt về hành vi kinh doanh, buôn bán hàng giả theo Nghị định 185/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trường hợp nghiêm trọng hơn, nếu số lượng xăng dầu làm giả có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, hoặc dưới 20 triệu đồng nhưng gây ra hậu quả thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì tùy vào mức độ có thể bị phạt tù đến 15 năm theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự tội sản xuất, buôn bán hàng giả.
"Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đối với pháp nhân thương mại vi phạm có thể bị phạt tiền từ 1 tỉ đến 9 tỉ đồng. Ngoài ra, pháp nhân còn có thể bị đình chỉ kinh doanh từ 3 tháng đến 6 tháng hoặc bị đình chỉ vĩnh viễn", LS Nam nhấn mạnh.
Về trách nhiệm dân sự, LS Nam cho rằng, theo quy định tại Điều 608 Bộ luật Dân sự, cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.
Tuy nhiên, để được bồi thường thì người tiêu dùng phải chứng minh được thiệt hại đã xảy ra có mối liên quan trực tiếp đến việc sử dụng xăng dầu giả.
Do đó, nếu người tiêu dùng có thiệt hại thì cần phải báo với cơ quan chức năng và cần phải tiến hành giám định từng vụ việc cụ thể để xác định đúng nguyên nhân.

Biết xăng giả hay không doanh nghiệp cũng phải bồi thường cho khách

LS Lê Quang Vũ (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết, người mua hàng ở các cây xăng nhập xăng của doanh nghiệp Trịnh Sướng khó có thể biết Trịnh Sướng là ai?
Khách hàng mua cây xăng nào thì họ biết cây xăng đó, họ mua xăng bị thiệt hại như cháy xe, sử dụng xăng giả gây hư hỏng động cơ máy móc...thì họ đề nghị cây xăng đó bồi thường theo điều 589 Bộ luật dân sự 2015. Theo đó, nếu thiệt hại tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng thì phải bồi thường chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
LS Vũ phân tích, doanh nghiệp đó có biết nhập xăng giả của Trịnh Sướng hay không thì cũng phải có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng theo Luật dân sự. Nếu doanh nghiệp đó biết mình nhập xăng là xăng giả thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm. Trong trường hợp không biết nhập trúng xăng giả thì vẫn phải bồi thường nhưng trách nhiệm hình sự thì có thể không xử lý.
"Sau khi bồi thường cho khách thì doanh nghiệp sẽ yêu cầu Công ty TNHH Mỹ Hưng của Trịnh Sướng bồi thường lại. Bởi thực tế người tiêu dùng không giao dịch, mua bán với Trịnh Sướng mà giao dịch với doanh nghiệp mà họ đổ xăng. Tuy nhiên, khách hàng muốn được bồi thường thiệt hại thì phải có thiệt hại xảy ra và chứng minh được thiệt hại đó bằng kết luận giám định, ví dụ cháy xe do xăng giả, hư hỏng động cơ máy móc do xăng giả ", LS Vũ nhấn mạnh.
LS Vũ nói thêm, nếu khách hàng muốn được bồi thường thì sẽ làm đơn kiện doanh nghiệp đó ra tòa dân sự hoặc có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự lên cơ quan công an.
Theo điều 548 Luật dân sự 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
[VIDEO] "Đại gia" xăng giả Trịnh Sướng giàu cỡ nào, có bao nhiêu đất đai ở Sóc Trăng?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.