Án kinh tế, tham nhũng tắc vì chuyên gia được trưng cầu giám định không muốn làm

19/11/2019 18:00 GMT+7

Do việc giám định rất khó, lại dẫn đến những hậu quả nặng nề là nhiều quan chức ngồi tù , nên những người được trưng cầu giám định tư pháp thường ngại chịu trách nhiệm và né tránh việc tham gia giám định.

Chiều 19.11, thảo luận tại tổ về luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giám định tư pháp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, khó khăn, vướng mắc lâu nay trong giải quyết các vụ án kinh tế, nhất là án tham nhũng, thường là do khâu giám định. Điều này do luật có bất cập, nhưng cái chính là do khâu tổ chức thực hiện.
“Tại sao tôi nói vậy? Vì thực ra giám định, nhất là giám định các vụ án lớn, phức tạp lắm, đòi hỏi rất nhiều thứ, trong đó có cả thời gian, phương tiện, kỹ thuật, công cụ, các điều kiện để thực hiện. Người giám định chịu áp lực rất lớn, kể cả về chuyên môn, thời gian và có tâm lý e ngại, nên người ta không muốn làm giám định”, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu nói.
Hiện nay, giám định chuyên môn kinh tế, tài chính, môi trường… phục vụ xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng không phải là những giám định viên chuyên nghiệp, mà là những người làm ở các cơ quan quản lý nhà nước, các viện, các trường có chuyên môn giỏi, có phương tiện, được trưng cầu giám định. 
“Khi họ đưa ra kết luận giám định thì trên cơ sở đó, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ khởi tố, truy tố, xét xử… những người vi phạm, có thể có những mức án rất cao, là yếu tố làm cho người ta rất ngại khi bị trưng cầu giám định”, ông Lưu nói thêm.
Xuất phát từ thực tế địa phương, ông Hồ Văn Niên, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Gia Lai, cũng nêu việc rất nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ bị chậm trễ tiến độ, thậm chí phải tạm đình chỉ vì không có kết quả giám định.
“Tố tụng có thời hạn, nhưng luật Giám định tư pháp không quy định thời hạn, nên có những vụ việc giám định kéo dài, làm cơ quan tiến hành tố tụng phải đình chỉ vụ việc đợi kết quả. Khi tôi trao đổi với anh em ở địa phương, anh em nói luật lần này có sửa thì phải đưa thời hạn giám định vào. Các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ, hay một số nội dung phục vụ chính trị địa phương vướng ở chỗ này. Anh em kêu không quy định thời hạn giám định nên các cơ quan, tổ chức được yêu cầu giám định người ta cứ để đó, không tập trung làm”, ông Niên nêu ý kiến.
Phản hồi việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thừa nhận đúng là có việc thời hạn giám định các vụ án kinh tế, tham nhũng bị kéo dài, trong đó có cả lý do khách quan về chuyên môn, kỹ thuật; và có cả lý do chủ quan vì người giám định không muốn tham gia giám định.
“Có trường hợp phải giám định cả cái nhà máy, ví dụ nhà máy ethanol Phú Thọ chẳng hạn, ai dám nói thời hạn giám định là bao nhiêu? Nó còn phụ thuộc vào quy chuẩn chuyên môn của lĩnh vực, nhất là khi giám định 1 nhà máy sẽ liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, nên ấn định thời gian thì rất khó”, theo bà Nga.

Sẽ quy trách nhiệm của cán bộ “né” tham gia giám định

Trở lại việc ách tắc trong xử lý án vì giám định viên được trưng cầu không tình nguyện tham gia, nên chăng quy định các giám định viên đều là chuyên trách, bà Nga vẫn cho rằng không thể chuyên trách toàn bộ.
“Đối với giám định pháp y, kỹ thuật hình sự thì đương nhiên phải chuyên trách rồi. Còn về kinh tế, tham nhũng, môi trường, tài chính… có chuyên trách được không? Thế giới người ta cũng bảo không. Chúng tôi đã đi hỏi một số nơi rồi. Chuyên gia ở mảng tài chính, môi trường anh phải luôn nằm trong lĩnh vực đó để biết được những biến động, thay đổi; chứ anh chuyển qua chuyên trách rồi thì cái cập nhật sẽ rất khó khăn”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.
Không thể tổ chức giám định viên chuyên trách thì lại phải đối mặt với việc các chuyên gia được trưng cầu “không muốn làm tí nào cả, phải đối diện với tòa, phải lý giải, phải chịu trách nhiệm khi sự việc có vấn đề gì đó” - như mô tả của bà Nga.
“Nhưng chúng ta có chịu bó tay không?” bà Nga đặt câu hỏi, đồng thời tự trả lời: “Xin thưa là chuyên gia ở ngoài thì không nói làm gì; nhưng cán bộ, công chức anh phải chấp hành chứ? Anh là chuyên gia về tài chính, khi cử làm giám định viên anh phải chấp hành. Việc dễ anh nhận, việc khó anh không làm là không được”.
Do đó, một lần nữa bà Nga cho rằng vấn đề hiện nay là do tổ chức thực hiện, do “không quy được trách nhiệm, không kỷ luật được ai vì không tham gia giám định cả, nên mới bế tắc trong việc giám định tư pháp vụ việc phục vụ án kinh tế”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.