Bác Hồ học viết báo và học tiếng nước ngoài

18/05/2005 22:03 GMT+7

Tổ chức Giáo dục , Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ra nghị quyết chọn năm 1990 làm năm kỷ niệm trọng thể sinh nhật thứ 100 của Hồ Chí Minh - 'Người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất'.

Ngày 31.10.1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ra nghị quyết chọn năm 1990 làm năm kỷ niệm trọng thể sinh nhật thứ 100 của Hồ Chí Minh - "Người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất". Danh hiệu này trên thế giới rất ít người được phong tặng, và Bác Hồ là người cộng sản đầu tiên.
Bác Hồ ra đời vào ngày 19.5.1890 ở trong ngôi nhà tranh nhỏ bé hai gian ở làng Chùa - xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Quê Bác là trung tâm của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng. Truyền thống ấy đã tác động sâu sắc đến người học trò nhỏ Nguyễn Tất Thành.
Học chữ Nho ở làng, Nguyễn Tất Thành được người cha cho xuống thị xã Vinh học trường tiểu học, sau đó vào Huế học ở Trường Pháp - Việt, Đông Ba, rồi Trường Quốc học. Có một nước Pháp với đội quân xâm lược tàn bạo và chính sách cai trị ở xứ thuộc địa thật hà khắc. Nhưng đằng sau những trang sách mà Nguyễn Tất Thành được học cũng hiện lên một nước Pháp với nền văn hóa rực rỡ. Nước Pháp của Voltaire, Montesquieu, Rousseau, Hugo, Zola... Nước Pháp của những từ có sức lôi cuốn lòng người: tự do, bình đẳng, bác ái.
Sự háo hức "muốn làm quen với văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy" đã đưa người thanh niên Nguyễn Tất Thành bước chân đến bến Nhà Rồng, ngày 5.6.1911, lên tàu Đô đốc Latouche Treville sang Pháp.
Làm phụ bếp trên con tàu vừa nói, công việc quá ư nặng nhọc đối với sức vóc của một thanh niên như Văn Ba (tên mới của Nguyễn Tất Thành). Anh phải thức dậy từ 4 giờ sáng, làm quần quật đến tận 9 giờ đêm, sau đó anh Ba còn dành 2 giờ học tiếng Pháp, trong khi những người khác lăn ra ngủ. Mục tiêu của anh đặt ra là, dù bận rộn hay mệt mỏi, mỗi ngày phải học thuộc 10 từ tiếng Pháp. Đến nước Pháp, vừa làm đủ nghề để kiếm sống, người thanh niên giàu nghị lực ấy suy nghĩ "muốn tuyên truyền cho nước ta, không thể không viết được chữ Pháp. Làm thế nào bây giờ? Nhất định phải học viết cho kỳ được" (Báo Văn Nghệ, số 310 ngày 19.9.1969). Vốn tiếng Pháp là chiếc cầu kỳ diệu để đưa anh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, là công cụ cần thiết để hoạt động cách mạng.
Tác giả Trần Dân Tiên kể lại: "Ông Nguyễn bắt đầu học viết rất khó khăn. Tin tức về Việt Nam ông Nguyễn không thiếu, ông thiếu nhất là văn Pháp. Ông Nguyễn viết làm hai bản, gửi cho tòa báo một bản, giữ lại một bản. Ông hết sức vui sướng khi thấy bài đầu tiên của mình được đăng trên báo. Ông đọc lại bài báo đã in, so sánh và sửa lại những chỗ viết sai. Ông kiên nhẫn làm theo cách ấy. Khi thấy viết đã bớt sai, ông chủ bút bảo ông Nguyễn, bây giờ ông viết dài hơn một tí, viết độ bảy tám dòng. Ông Nguyễn viết, bảy tám dòng. Dần dần ông Nguyễn có thể viết cả một cột báo và có khi dài hơn" (Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch - NXB Văn học, Hà Nội, 1970) bài báo đầu tiên của Người có tựa đề Yêu sách của nhân dân An Nam đăng trên Báo Nhân Đạo (Humanite’) ra ngày 18.6.1919.
Từ những dòng tin nhỏ, Người viết cả bài báo dài, Người xuất bản ở Paris tờ báo Người cùng khổ (Le Paria) mà ở đó, Người vừa là chủ nhiệm kiêm chủ bút, Người lo cả khâu in ấn và phát hành. Bản án chế độ thực dân Pháp - một bản cáo trạng đanh thép của Người, lên án chính sách xâm lược và bóc lột dã man của thực dân Pháp đối với các nước thuộc địa, vở kịch Con rồng tre và nhiều bài báo giàu tính chiến đấu khác đã được viết bằng thứ ngôn ngữ Pháp giàu sức biểu cảm và tinh tế.
Trần Dân Tiên kể lại cuộc đối thoại giữa Nguyễn Ái Quốc và một người bạn cùng quê trên đất Anh: "Ai đưa anh đến đây, đến nước Anh?" - người bạn hỏi - "Tôi đến đây một mình để học tiếng Anh" - Người đáp. Những ngày ở nước Anh lạnh giá phải kiếm sống bằng nghề quét tuyết, đốt lò, Người vẫn miệt mài học tập.
Trong bức thư gửi về Pháp cho cụ Phan Chu Trinh, Người viết: "Nay cháu đã tìm được nơi để học tiếng. Bốn tháng rưỡi nay thì chỉ làm với Tây, nói tiếng Tây luôn... cháu ước ao bốn, năm năm nữa lúc gặp bác thì sẽ nói và hiểu được tiếng Anh nhiều hơn". Quả nhiên sau này Người đã đọc được các tác phẩm của Shakespeare, của Dickens bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của các vị này.
Trong một cuộc trò chuyện với một nhà báo nước ngoài khi đã là Chủ tịch nước Việt Nam tự do, độc lập, Người kể: "Khi còn trẻ, quả thật tôi có đến Mỹ, Anh, Đức. Tôi cũng đã từng sống ở Paris và bắt đầu hoạt động cách mạng cùng các đồng chí Pháp. Nhiều lần tôi qua Liên Xô, Trung Quốc, ở đâu tôi cũng được công nhân dạy tiếng nước họ" (Theo M.Giu-láp-xky, ba lần gặp Bác, Báo Văn nghệ 396, 14.5.1971).
Vậy đó, người chiến sĩ yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã học tiếng nước ngoài trong những điều kiện kiếm sống hết sức khó khăn, chủ yếu là qua những người lao động cùng cảnh với mình. Ở Liên Xô, Người học tiếng Nga bởi theo người "Người cách mạng phải nắm được tiếng nói của Lênin". Chỉ với hai năm ngắn ngủi ấy (1923, 1924), cuối năm 1924, Người bí mật sang Quảng Châu. Vốn Hán học được học hành từ thuở nhỏ, nhiều năm sống và hoạt động cách mạng ở Trung Quốc giúp Người rèn giũa, bồi đắp và hoàn chỉnh đến độ uyên bác. Người có thể nói được tiếng Trung Quốc phổ thông, lại có thể nói được các phương ngữ, thổ âm của họ như tiếng Quảng Đông, Quảng Châu, Thượng Hải, Vân Nam... Người viết báo, viết văn, làm thơ bằng vốn Hán học chuẩn mực mà tập Nhật ký trong tù là một ví dụ điển hình.
Rất nhiều nhà báo nước ngoài với những quốc tịch khác nhau đã thích thú đến ngỡ ngàng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể nói với họ bằng chính ngôn ngữ nước họ. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và khi đã cùng Bộ tham mưu của mình về lại thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức một buổi chiêu đãi các vị khách quốc tế. Khách tham dự là người Nga, người Trung Quốc, người Pháp, người Anh và người Mỹ... Lúc đó ta chỉ có phiên dịch tiếng Pháp là chủ yếu. Biết làm sao trước tình huống đó. Và thật bất ngờ, Người ra hiệu không cần phiên dịch. Người nói với khách bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Người trả lời phóng viên Báo Sự thật (Pravda) bằng tiếng Nga, với phóng viên Tạp chí Unità thì bằng tiếng Ý, và bằng tiếng Anh với Tạp chí Công Nhân...
Theo nhiều bài báo, cuốn sách, chuyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả ở trong và ngoài nước thì người còn biết cả tiếng Tây Ban Nha, Ý, Đức, Thái Lan và một vài thứ tiếng châu Phi... Với cương vị Chủ tịch nước bận trăm công nghìn việc, nhất là những năm chống Pháp, chống Mỹ gian khổ, Người vẫn nghe đài, đọc báo của nước ngoài để nắm vững tình hình, cùng Bộ tham mưu của mình vạch chính sách đối nội, đối ngoại đúng đắn và sáng suốt.
Người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh đã đi tới tầm cao lịch sử, tầm cao trí tuệ nhân loại bằng những bước đi bình dị, kiên nhẫn và gian khổ như vậy. Bác luôn là tấm gương sáng ngời để chúng ta noi theo. Chỉ riêng vấn đề học tập và dùng tiếng nước ngoài như một công cụ sắc bén để hoạt động cách mạng của Bác đủ để thế hệ chúng ta hôm nay và cả mai sau học tập, vận dụng, chuẩn bị hành trang cho con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.