Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Đảng về tất cả các mặt tư tưởng, chính trị và tổ chức. Hơn nữa, Người rất coi trọng giáo dục cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về đạo đức. Những tư tưởng đạo đức của Người là sự kết tinh truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc với tinh hoa đạo đức của nhân loại và thời đại.
Những giá trị đạo đức của Hồ Chí Minh còn thể hiện bằng hành vi đạo đức mà Người đã thực hiện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người để dẫn đường cho cả dân tộc đi đến độc lập, tự do. Đạo đức Hồ Chí Minh thực sự là cơ sở đạo đức để đào luyện nên lớp lớp những người cộng sản Việt Nam chân chính, những thế hệ người Việt Nam phấn đấu cho thắng lợi của độc lập dân tộc và CNXH, cho mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Nó cũng là cơ sở để xây dựng một nền đạo đức Việt Nam cao đẹp không phải chỉ của hiện tại mà còn của cả tương lai.
|
Tuy nhiên, đời sống đạo đức vẫn có mặt trái của nó. Người xưa thường nói: "Tri nan hành dị" - biết khó làm dễ. Đối với đạo đức Hồ Chí Minh thì không phải như vậy. Ai cũng có thể biết nội dung đạo đức Hồ Chí Minh là cần, kiệm, liêm, chính; chí công, vô tư; là trung với nước hiếu với dân, là yêu thương con người, là tình nghĩa thủy chung với gia đình, bạn bè, đồng chí và nói đi đôi với làm. Nhưng, như Hồ Chí Minh đã nhận xét, chỉ bốn chữ "cần, kiệm, liêm, chính" có nhiều người cả đời vẫn không thuộc và không làm được. Do không khắc phục được chủ nghĩa cá nhân, nhiều cán bộ đảng viên vẫn sa vào tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Những tệ nạn này đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi nền kinh tế nước ta đang ở thời kỳ chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khi nước ta bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng hợp tác đa phương đa dạng với tất cả các nước, các khu vực, các tổ chức quốc tế. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống, đặc biệt là tệ tham nhũng, lãng phí ngày càng phát triển phổ biến trong một bộ phận không ít cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành, đã trở thành nguy cơ đối với sự tồn vong của Đảng, đến vận mệnh của chế độ XHCN. Điều này đã được nhấn mạnh trong nhiều nghị quyết của Đảng.
Hội nghị lần thứ ba BCH T.Ư Đảng (tháng 8.2006) đã ra Nghị quyết "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí". Nghị quyết thể hiện quyết tâm của Đảng và mong muốn, đòi hỏi của nhân dân trong việc khắc phục những tệ nạn đã trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội.
|
Cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi và khắc phục tệ tham nhũng, lãng phí đối với một Đảng Cộng sản cầm quyền là rất khó khăn, phức tạp, vì đây là cuộc đấu tranh chống "giặc nội xâm", chống kẻ địch bên trong mỗi người. Để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh này Nghị quyết đòi hỏi phải kết hợp nhiều biện pháp: Tư tưởng với tổ chức, giáo dục với hành chính, kỷ luật của Đảng kết hợp với luật pháp của Nhà nước, đấu tranh trong nội bộ đảng kết hợp với sự giám sát của quần chúng nhân dân, sự nêu gương của những người lãnh đạo kết hợp với sự công khai, minh bạch và bình đẳng trong xử lý các sai phạm về tham nhũng, lãng phí.
Để thực hiện nghị quyết này, Đảng chủ trương tiến hành cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", được phát động vào dịp kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đảng. Nếu học tập để quán triệt tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đã quan trọng, thì làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn quan trọng hơn nhiều.
Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nếu chỉ nói nhiều về đạo đức, nhưng bản thân hay gia đình mình thực hiện rất ít những điều mình đã nói về đạo đức, thì càng không được quần chúng nhân dân tin yêu, quý trọng. Vì vậy, học tập đạo đức Hồ Chí Minh chắc chắn không phải để nói nhiều về đạo đức, để lặp lại những luận điểm đạo đức của Hồ Chí Minh đã trở thành chân lý được mọi người thừa nhận, mà là để tạo ra một bước chuyển biến rõ rệt trong việc tu dưỡng rèn luyện về đạo đức của cán bộ đảng viên, nâng cao đạo đức của toàn xã hội.
Đối với Đảng ta, cuộc vận động có ý nghĩa lớn trong việc xây dựng Đảng ta thành một Đảng vừa là đạo đức, vừa là văn minh, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, xứng đáng với trách nhiệm lãnh đạo đã được nhân dân tin cậy.
(*) Tít Thanh Niên đặt
Bình luận (0)