Ở các bệnh viện lớn tại TP.HCM, người dân đi khám, chữa bệnh có thể đến bệnh viện từ hôm trước, nửa đêm để bốc số và chờ đến sáng. Như vậy đồng nghĩa với việc người bệnh mất ăn, mất ngủ và đang rất nóng lòng chờ khám bệnh để đi về nhà. Thử tưởng tượng khung cảnh một phòng khám có 100 bệnh nhân đứng chờ 1 bác sĩ khám bệnh. Ai cũng mong đến lượt mình, nhưng đến lượt thì bác sĩ khám xuề xòa, rồi kê toa ra về hẹn tái khám mà chưa hỏi được câu nào thì rõ ràng sẽ mang “cục bực”.
Hoạt động khám, chữa bệnh về lý thuyết không chỉ đơn thuần là khám về thể lý mà còn là về tâm lý, dinh dưỡng. Riêng việc kê đơn thuốc, dặn cho bệnh nhân uống thuốc… có bác sĩ còn chưa làm được huống hồ là chăm sóc về tâm lý, dinh dưỡng. Ngay cả trong một toa thuốc, các loại thuốc “đá nhau” nhiều bác sĩ còn không xem kỹ nữa!
Điều này nói lên vấn đề quá tải ở các bệnh viện. Trong một buổi sáng khám bệnh 4 giờ/100 bệnh nhân. Trung bình cứ mỗi giờ bác sĩ khám 25 bệnh nhân, như vậy 1 bệnh nhân gặp bác sĩ được 2,4 phút. Trong 2,4 phút đó bác sĩ làm gì? Hỏi tên tuổi, hỏi bệnh, nghe tim, phổi hoặc bộ phận cần khám, kê toa, in ra... Chỉ tính riêng kê toa, bác sĩ gõ “lóc cóc” tìm thuốc bảo hiểm, thuốc không bảo hiểm, tính toán giá để khỏi lố quy định của bảo hiểm... cũng đủ mất hết thời gian thì lấy đâu ra thời gian tư vấn cho bệnh nhân? Lấy đâu ra thời gian cho bệnh nhân hỏi? Từ bác sĩ “kiệm lời” hay bác sĩ “lạnh lùng” cũng từ đó mà ra, bởi bác sĩ không nhìn bệnh nhân mà chỉ nhìn màn hình máy tính kê toa rồi hỏi “vu vơ” bệnh nhân mấy câu cho xong chuyện.
Nên, một chuyên gia về y tế nói rằng, hỏi bệnh là một nghệ thuật, đó là hỏi đúng, đủ và biết cách cắt lời bệnh nhân. Bởi cũng có nhiều bệnh nhân đi khám bệnh này, nhân tiện hỏi bệnh kia, có khi hỏi bệnh cho người khác.
Bình luận (0)