Nhiệm vụ cấp bách
Trong Chỉ thị số 42, Ban Bí thư cho rằng, những năm gần đây, tình hình thiên tai ở nước ta diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan, bất thường. Các vùng, miền trong cả nước đã phải hứng chịu hầu hết các loại hình thiên tai, gây tổn thất nặng nề về người và tài sản (khoảng 1 - 1,5% GDP/năm), ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống, sản xuất của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Dù có nhiều kết quả trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, song vẫn còn nhiều hạn chế yếu kém. Nguyên nhân chủ yếu là do một số nơi cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền chưa nhận thức được tầm quan trọng, tính phức tạp, khẩn cấp của thiên tai, có lúc còn chủ quan, lơ là. Hiệu lực quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế; nguồn lực thiếu…
Từ nhận định trên, Ban Bí thư yêu cầu, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó xác định công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
Đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy.
Bên cạnh đó, Ban Bí thư yêu cầu huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu đa dạng hoá việc huy động nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn lực theo phân cấp, đúng thẩm quyền. Bố trí nguồn chi ngân sách thích đáng, kết hợp xã hội hoá các nguồn lực hợp pháp trong và ngoài nước để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai như bão mạnh, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.
|
Bên cạnh đó, rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, từng bước đầu tư xây dựng, nâng cao khả năng chống chịu thiên tai của hệ thống kết cấu hạ tầng.
Cụ thể, đối với khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ, đảm bảo an toàn nơi ở cho đồng bào; tăng cường quản lý, kiểm soát, không để người dân làm nhà lấn chiếm lòng sông, suối, khu vực rủi ro thiên tai, giảm nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.
Đối với vùng đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ, bảo đảm an toàn đê điều, hồ chứa. Đối với vùng duyên hải miền Bắc, miền Trung, nâng cao năng lực ứng phó lũ lớn, bão mạnh và siêu bão, sạt lở bờ biển.
Đối với vùng Tây nguyên, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Đối với vùng Nam bộ, chủ động ứng phó, thích ứng với lũ lớn, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất…
Ban Bí thư cũng yêu cầu nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước; phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai…
Kiểm điểm nếu để xảy ra thiệt hại
Để tổ chức thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ nêu trên, Ban Bí thư yêu cầu các cơ quan, đơn vị quán triệt nội dung Chỉ thị số 42; kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên để xảy ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Ban Bí thư yêu cầu Đảng đoàn Quốc hội rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; bổ sung chi ngân sách cho lĩnh vực phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Ban Bí thư cũng giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện tổ chức bộ máy, thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chỉ đạo việc xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Bình luận (0)