Băn khoăn đề nghị lập Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương

10/09/2019 06:03 GMT+7

Sáng 9.9, phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc tại Hà Nội. Ngay sau phiên khai mạc, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Phòng, chống thiên tai (PCTT) và luật Đê điều.

Chính phủ đề nghị thành lập thêm Quỹ phòng chống thiên tai ở T.Ư để tiếp nhận hỗ trợ quốc tế, điều phối các quỹ phòng chống thiên tai ở các địa phương. Nhưng nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ nguồn thu, cơ chế sử dụng của quỹ này.
Sáng 9.9, phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc tại Hà Nội. Ngay sau phiên khai mạc, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Phòng, chống thiên tai (PCTT) và luật Đê điều.

Phải tính kỹ, nếu không sẽ thiếu đồng thuận của nhân dân

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay hiện 61/63 tỉnh, thành đã lập Quỹ PCTT; trong 3 năm qua thu được 2.500 tỉ đồng nhưng mới chi được 1.000 tỉ đồng, còn lại 1.500 tỉ đồng chưa chi được. Bên cạnh đó, hiện các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho công tác PCTT ở VN nhiều nhưng vì không có quỹ chung, không có cơ chế để tiếp nhận. “Năm 2016, Chương trình phát triển của LHQ (UNDP) ủng hộ VN tới 16,2 triệu USD nhưng vì không có cơ chế nhận, cuối cùng phải tiếp nhận theo dạng vốn ODA; mất 2 năm mới giải ngân được”, ông Cường nêu và cho rằng cần phải thiết kế Quỹ PCTT ở T.Ư để điều phối và là đầu mối tiếp nhận hỗ trợ.
Mặc dù tán thành cần có Quỹ PCTT ở T.Ư, song ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường, cơ quan thẩm tra dự án luật, cho hay thường trực ủy ban này đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ nguồn thu của quỹ; cơ chế sử dụng Quỹ PCTT ở T.Ư để không trùng lặp, chồng chéo với nguồn tài trợ, hỗ trợ theo luật Ngân sách nhà nước; việc điều chuyển giữa quỹ T.Ư và quỹ địa phương để bảo đảm quyền lợi của các quỹ PCTT ở địa phương. Nhiều thành viên UBTVQH cũng băn khoăn với đề xuất này khi báo cáo giám sát mới đây của UBTVQH đề nghị bỏ các quỹ PCTT tại địa phương cũng như cơ chế thu này. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị cân nhắc đề xuất này vì thành lập quỹ mới sẽ phát sinh tổ chức bộ máy mới để quản lý quỹ. Bên cạnh đó, hiện nay đã có quỹ ở địa phương mà quỹ này một số nơi người dân và doanh nghiệp (DN) không đồng thuận; nay lại lập thêm quỹ ở T.Ư để điều chuyển giữa các địa phương. “Việc này phải tính rất kỹ, nếu không sẽ thiếu sự đồng thuận của nhân dân và địa phương”, ông Định nói.

Không đồng ý DN không phải công ty đại chúng bán trái phiếu riêng lẻ

Tại phiên họp chiều qua, cho ý kiến về dự thảo luật Chứng khoán sửa đổi, UBTVQH cũng chưa đồng tình với đề xuất chuyển chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Sở Giao dịch chứng khoán VN và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán VN từ Bộ Tài chính cho Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, đề nghị này của Ủy ban Kinh tế QH là không phù hợp với luật DN và luật Tổ chức chính phủ. “Giao cho Bộ Tài chính như hiện hành là hợp lý và việc thực hiện vẫn đang bình thường”, ông Dũng thông tin. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, UBTVQH đồng ý phải tăng thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán nhà nước, song nếu tăng thẩm quyền mà không phù hợp với quy định của luật khác và làm rối thêm thì cần cân nhắc.
Một đề xuất khác cũng không nhận được sự đồng tình của các thành viên UBTVQH là việc cho phép các DN không phải công ty đại chúng chào bán trái phiếu riêng lẻ (cổ phiếu và trái phiếu). Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ lo lắng khi một lượng lớn trái phiếu mà DN phát hành, nhất là DN bất động sản chào bán trái phiếu ra quốc tế thì ai sẽ kiểm soát, kiểm soát thế nào. Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2018, khối lượng phát hành trái phiếu DN riêng lẻ hơn 224.430 tỉ đồng; riêng nửa đầu năm 2019, tổng giá trị phát hành của 120 DN khoảng 116.000 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.