Bán thịt lợn ngay trong ổ dịch
08/03/2019 07:41 GMT+7
Thịt lợn được bày bán công khai ngay cạnh ổ dịch tả lợn châu Phi tại thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm (H.Đông Anh, Hà Nội), bất chấp đây là hành vi bị nghiêm cấm.
Tự động phát
[VIDEO] Bất tuân lệnh cấm, vô tư bán thịt trong lòng ổ dịch tả lợn châu Phi |
3 ngày sau khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại nhà bà Trương Thị V. ở thôn Thụy Lôi (xã Thụy Lâm, H.Đông Anh), toàn bộ con ngõ, đường làng dẫn vào hộ chăn nuôi này đều được rắc vôi bột khử trùng.
|
Mỗi ngày một lần, gia đình bà V. đều phun thuốc khử trùng toàn bộ khu chuồng nuôi đang quây bạt bỏ trống sau khi 10 con lợn thịt bị bắt đem đi tiêu hủy trong đêm 5.3. Hôm sau (6.3), UBND H.Đông Anh đã có văn bản nghiêm cấm toàn bộ các hoạt động buôn bán thịt lợn ở các chợ tạm, chợ gần ổ dịch.
Tuy nhiên, sáng 7.3, PV Thanh Niên ghi nhận cách khu chuồng nuôi của gia đình bà V. hơn 100 m là phản thịt lợn sống của một hộ kinh doanh cùng trú thôn này.
Thịt cắt miếng bày trên phản xen lẫn là chân giò còn nguyên móng màu đen chưa được làm sạch; lòng lợn được đặt trong chậu dưới gầm bàn; nền đất quanh phản thịt ruồi nhặng bu bám đầy...
“Xã không xử lý được”
Ông Dương Văn Thính, Phó chủ tịch UBND xã Thụy Lâm, cho biết xã có tuyên truyền nhưng các hộ chưa chấp hành. “Xã không xử lý được, phải chờ lực lượng liên ngành của huyện”, ông Thính nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thiềng, Trưởng phòng Kinh tế UBND H.Đông Anh, “rất bất ngờ” khi được chúng tôi cho xem những hình ảnh người dân bán thịt lợn gần ổ dịch dù đã có lệnh cấm từ ngày 6.3.
Ông Thiềng khẳng định, để xảy ra tình trạng này là trách nhiệm của địa phương, trực tiếp là Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm.
Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Hữu Tửu, Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm, xác nhận có tình trạng người dân giết mổ, bán thịt lợn ngay gần ổ dịch khi đã có thông báo tạm ngừng các hoạt động giết mổ kinh doanh.
Cũng theo ông Tửu, trong ngày các cơ quan chức năng xã Thụy Lâm đã lập biên bản vi phạm, đình chỉ 2 hộ kinh doanh thịt lợn trên địa bàn thôn có ổ dịch.
Hà Nội, Hưng Yên có thêm ổ dịch mới
Ngày 7.3, Chi cục Thú y Hà Nội ghi nhận 2 ổ dịch tả lợn châu Phi mới tại hộ chăn nuôi của bà Nguyễn Thị L. (P.Lĩnh Nam, Q.Hoàng Mai); 46 con lợn đã được tiêu hủy.
Một ổ dịch khác xảy ra tại hộ chăn nuôi của ông Đỗ Văn B. (thôn Bình Trù, xã Dương Quang, H.Gia Lâm) với tổng số 29 con lợn. Chi cục Thú y Hà Nội và Chi cục Thú y Vùng 1 phối hợp với chính quyền địa phương đã tiêu hủy toàn bộ đàn lợn; khoanh vùng ổ dịch để phun thuốc khử trùng, tiêu độc vệ sinh môi trường và lập các chốt kiểm soát vận chuyển gia súc ra vào khu vực có dịch. Như vậy, Hà Nội hiện có 4 ổ dịch tả lợn châu Phi tại: H.Đông Anh, H.Gia Lâm, Q.Long Biên và Q.Hoàng Mai.
Trong khi đó, ở Hưng Yên, nơi được ghi nhận có ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại VN, tiếp tục phát hiện thêm ổ dịch mới. Đây cũng là ổ dịch thứ hai liên tiếp ở địa phương này trong 2 ngày qua. Ông Ngô Văn Tuynh, Phó chủ tịch UBND xã Hoàn Long (H.Yên Mỹ, Hưng Yên), cho biết ổ dịch xảy ra trên đàn lợn nái, lợn con của gia đình ông Trần Văn T., ở thôn Ngân Hạnh.
[VIDEO] Bóng ma dịch tả lợn châu Phi và những hố sâu khoét vào nỗi đau nông dân
|
Thái Nguyên có ổ dịch đầu tiên
Chiều 7.3, ông Lê Đức Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Thái Nguyên, xác nhận đã ghi nhận ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại gia đình ông Nguyễn Văn T. ở xóm Giữa, xã Úc Kỳ, H.Phú Bình trên đàn lợn 52 con. Lực lượng chức năng đã tiêu hủy toàn bộ số lợn này trong ngày 6.3.
Bên cạnh đó, một hộ gia đình tại xã Kha Sơn có lợn ốm đã được lấy mẫu kiểm tra. Chi cục Thú y tỉnh Thái Nguyên, UBND H.Phú Bình đã yêu cầu hộ dân này cam kết không bán chạy lợn và giao cho chính quyền địa phương theo dõi, quản lý.
Theo thống kê của Cục Thú y Bộ NN-PTNT, đến ngày 7.3 cả nước đã có 10 tỉnh, thành có dịch tả lợn châu Phi gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Điện Biên, Hòa Bình và Thái Nguyên.
[VIDEO] Căng thẳng trong vùng dịch tả lợn châu Phi thứ hai ở Thanh Hóa
|
Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y Bộ NN-PTNT, nhận định dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ tỉnh này sang tỉnh khác rất có thể do nguyên nhân vận chuyển, buôn bán lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh. “Các địa phương phải kiểm soát, khuyến cáo người chăn nuôi, buôn bán giết mổ không bán chạy, không thu mua, vận chuyển và giết mổ lợn bệnh, nghi mắc bệnh, nếu không dịch sẽ lây lan với cấp số nhân vô cùng khó kiểm soát”, ông Long nói.
Kiến nghị tạm dừng vận chuyển lợn từ bắc vào nam
Ngày 7.3, liên quan đến việc kiểm soát thịt lợn mang mầm bệnh tả lợn châu Phi vào các chợ tại TP.HCM, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP, cho biết TP đã kiến nghị tạm dừng vận chuyển lợn từ bắc vào nam vì nguy cơ lây lan phát tán mầm bệnh là rất lớn.
Lực lượng thú y, đoàn liên ngành về an toàn thực phẩm đang tăng cường chốt chặn kiểm soát lợn vào TP; tập trung kiểm tra dấu hiệu nghi ngờ.
Theo bà Lan, T.Ư cần ra lệnh cấm vận chuyển để bớt lây lan và khẩn trương áp dụng cơ chế đền bù cho lợn chết vì dịch bị tiêu hủy.
Duy Tính
|
Bình luận (0)