Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 26.8: TP.HCM thay đổi chính sách an sinh để giúp người khó khăn

26/08/2021 19:35 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 26.8.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay ngày 26.8.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Ngày 26.8: Cả nước 11.575 ca Covid-19, riêng TP.HCM 3.934 ca

Bản tin của Bộ Y tế tối 26.8 cho biết tính từ 18h ngày 25.8 đến 18h ngày 26.8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 11.575 ca nhiễm mới. 18.567 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 26.8.

Ngày 26.8: Cả nước 11.575 ca Covid-19, 18.567 ca khỏi; riêng TP.HCM 3.934 người nhiễm

Ngày 26.8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 318 ca tử vong tại 14 tỉnh, thành phố; nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong tại Việt Nam lên 9.349 ca.
Thông tin về 11.575 ca nhiễm Covid-19 mới được công bố trong ngày 26.8 như sau:
- 6 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 11.569 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 5.603 ca trong cộng đồng. Gồm: Bình Dương (4.868), TP.HCM (3.934), Đồng Nai (743), Long An (449), Tiền Giang (354), Đà Nẵng (144), An Giang (131), Khánh Hòa (131), Đồng Tháp (116), Kiên Giang (112), Cần Thơ (72), Bến Tre (55), Hà Nội (50), Bình Thuận (48), Bà Rịa - Vũng Tàu (44), Nghệ An (43), Tây Ninh (42), Thừa Thiên Huế (24), Phú Yên (24), Quảng Bình (23), Trà Vinh (20), Bình Định (15), Bình Phước (13), Vĩnh Long (12), Sơn La (10), Đắk Lắk (10), Hà Tĩnh (9), Thanh Hóa (9), Sóc Trăng (9), Gia Lai (8 ), Đắk Nông (8 ), Quảng Nam (8 ), Quảng Ngãi (7), Lạng Sơn (6), Ninh Thuận (5), Bạc Liêu (4), Quảng Trị (2), Bắc Giang (2), Lâm Đồng (1), Hà Nam (1), Hưng Yên (1), Bắc Ninh (1), Cà Mau (1) .
- Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 524 ca. Tại Bình Dương tăng 739 ca, TP.HCM giảm 1.360 ca, Đồng Nai tăng 125 ca, Long An giảm 11 ca, Tiền Giang tăng 35 ca.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 392.938 ca nhiễm, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 168/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.997 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 388.814 ca, trong đó có 185.714 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 7/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang.
+ Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (194.100), Bình Dương (86.050), Đồng Nai (20.471), Long An (19.495), Tiền Giang (8.509).
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 188.488 ca.
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.223
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.082
- Thở máy không xâm lấn: 85
- Thở máy xâm lấn: 765
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 29 ca.

TP.HCM đã nhận 320.000 viên thuốc kháng vi rút Molnupiravir điều trị Covid-19

Ngày 26.8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 318 ca tử vong tại 14 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (242), Bình Dương (46), Tiền Giang (9), Đồng Tháp (3), Khánh Hòa (3), Long An (3), Vĩnh Long (3), Bình Thuận (2), Sóc Trăng (2), Hà Nội (1), Bến Tre (1), Kiên Giang (1), Thừa Thiên Huế (1), Trà Vinh (1).
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 9.667 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
- Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 10.836.663 mẫu cho 29.983.657 lượt người.
- Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 18.522.203 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 16.382.658 liều, tiêm mũi 2 là 2.139.545 liều.

Vắc xin Pfizer do Chính phủ Mỹ viện trợ đã đến Việt Nam

Theo Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư (NIHE), Bộ Y tế, 269.100 liều vắc xin Covid-19 của Pfizer vừa về đến Hà Nội vào hôm nay, 26.8. Hiện, lô vắc xin được bảo quản tại kho lạnh của NIHE. Cũng trong sáng nay, 533.520 liều vắc xin đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM.
Các lô vắc xin này sẽ được khẩn trương phân bổ, triển khai tiêm chủng, chống dịch tại Việt Nam.
Số vắc xin trên thuộc 1 triệu liều do Chính phủ Mỹ tặng Việt Nam, được Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris công bố ngày 25.8.
Số vắc xin còn lại trong lô viện trợ này sẽ tiếp tục về Nội Bài vào lúc 23 giờ tối mai, 27.8, từ Sân bay quốc tế Doha (Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất).

Lô vắc xin Pfizer ngừa Covid-19 do Mỹ viện trợ đã đến TP.HCM và Hà Nội

TP.HCM thay đổi chính sách an sinh để hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì Covid-19

Tại buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch Covid-19 vào chiều 26.8, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM cho biết UBND TP.HCM đã có công văn khẩn để điều chỉnh kịp thời trong việc hỗ trợ, chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong giai đoạn này.
Cụ thể, ông Hải nêu, trước đây, ngày 25.6, HĐND TP.HCM có Nghị quyết (NQ) 09, đề cập gói hỗ trợ 886 tỉ đồng cho hộ lao động nghèo. Sau đó Chính phủ có NQ 68, đề cập gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng.
Nhưng ngoài việc thực hiện 2 NQ này, vừa qua UBND TP.HCM ban hành công văn khẩn 2876 điều chỉnh cụm từ “hộ lao động nghèo” thành “hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, như vậy đối tượng người lao động được hỗ trợ sẽ mở rộng hơn.
Giải thích thêm, ông Hải cho biết trước khi có đại dịch Covid-19, TP.HCM có 53.000 hộ nghèo và cận nghèo, tương đương khoảng 170.000 người. Sau khi dịch xảy ra, sẽ phát sinh một số trường hợp như công nhân đang làm việc, giờ sẽ không làm việc được, dẫn đến thu nhập giảm thậm chí không còn thu nhập, vì vậy việc điều chỉnh này là phù hợp với thực tế.
Theo đó, UBND TP giao Chủ tịch UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức nhanh chóng thực hiện chi hỗ trợ cho các hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo ông Hải, TP.HCM ước tính khoảng 3 - 4 triệu người thuộc đối tượng này. Thành phố sẽ chi từ nguồn ngân sách để giúp cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn bởi dịch bệnh và việc chi này cố gắng hoàn thành trước ngày 30.8. Mức chi 1,5 triệu đồng/hộ; đồng thời TP cũng yêu cầu địa phương rà soát, khẩn trương thẩm định, phê duyệt danh sách đối với các trường hợp phát sinh (nếu có).
Ông Hải cho biết thêm, văn bản 2889 ngày 26.8 của UBND TP.HCM quy định nếu hộ nào đã nhận gói quà an sinh 300.000 đồng sẽ được nhận tiếp 1,2 triệu đồng tiền mặt, đối với hộ chưa nhận gói hỗ trợ nào sẽ nhận được 1,5 triệu đồng tiền mặt.

Quỹ vắc xin Covid-19 huy động hơn 8.635 tỉ đồng

Theo số liệu cập nhật của Ban quản lý Quỹ vắc xin phòng Covid-19, tổng số huy động vào Quỹ vắc xin phòng Covid-19 tính đến 17 giờ ngày 25.8 đạt hơn 8.635 tỉ đồng; xuất mua vắc xin 282 tỉ đồng. Hiện số dư quỹ còn hơn 8.353 tỉ đồng; có tất cả 527.111 tổ chức, cá nhân đóng góp cho quỹ.
Kho bạc nhà nước cũng thông báo, đến nay vẫn còn 13 đơn vị, tổ chức cam kết chi ủng hộ Quỹ vắc xin phòng Covid-19 nhưng chưa chuyển tiền, chuyển một phần hoặc chưa chuyển hết đúng theo cam kết với số tiền gần 36 tỉ đồng. Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh cam kết 100 tỉ đồng (mới chuyển 70 tỉ đồng); Công ty TNHH MTV Năng lượng An Việt Phát cam kết 1 tỉ đồng (chưa chuyển);…
Đáng chú ý, trong danh sách công bố của Kho bạc nhà nước còn một loạt các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cam kết tài trợ quỹ nhưng chưa chuyển khoản nào, gồm: Công ty TNHH Qisda Việt Nam, Công ty TNHH Wistron Việt Nam, Tập đoàn Texhong, Tập đoàn USI, Công ty TNHH Yamamoto Việt Nam. Riêng Tập đoàn Foxconn Việt Nam cam kết 10 tỉ đồng, còn 700 triệu đồng chưa chuyển.

Quỹ vắc xin Covid-19 huy động hơn 8.635 tỷ đồng, 13 đơn vị chưa chuyển hết tiền

Bộ GTVT nêu đích danh 8 tỉnh phát sinh giấy phép con

Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu bỏ việc kiểm tra với xe QR Code, thông suốt vận chuyển hàng hóa, song nhiều địa phương vẫn tiếp tục quy định các giấy phép con, “làm khó” doanh nghiệp.
Báo cáo của Bộ GTVT cho biết, nhiều địa phương vẫn đưa ra các quy định khác nhau, gây ách tắc trong kiểm soát, lưu thông hàng hóa.
Cụ thể, có 8 tỉnh thành gồm: TP.Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Hải Dương, Bạc Liêu.

Bộ GTVT nêu đích danh 8 tỉnh phát sinh giấy phép con, làm khó lưu thông hàng hoá

Nhận hàng hóa, sát khuẩn như thế nào để phòng Covid-19

Thời gian qua, khi dịch bệnh diễn biến vô cùng căng thẳng, nhiều người băn khoăn về việc khi nhận hàng hóa từ người khác, cần phải sát khuẩn như thế nào cho đúng để phòng Covid-19. Nếu không may xịt cồn vào thức ăn thì có ảnh hưởng gì không? Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Ngoan, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ đã có những giải thích, hướng dẫn về vấn đề này.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Ngoan cho rằng, để hạn chế nguy cơ nhiễm Covid-19 khi nhận hàng hóa từ người khác cần đặc biệt lưu ý việc giữ khoảng cách tiếp xúc, đeo khẩu trang và vệ sinh, sát khuẩn.

Nhận hàng hóa từ người khác, phải sát khuẩn thế nào cho đúng để phòng Covid-19

Xuất trình cùng lúc 2 giấy đi đường, bị CSGT phát hiện dùng giấy giả

Sáng 26.8, tại chốt kiểm soát trên đường Lê Văn Sỹ (đoạn gần Công an P.1, Q.Tân Bình, TP.HCM), cán bộ CSGT - TT của Công an Q.Tân Bình khi trực chốt đã phát hiện một trường hợp dùng giấy đi đường giả.
Cụ thể, khoảng 11 giờ 11 phút, anh Lê Đình V. chạy xe máy qua chốt kiểm soát được CSGT yêu cầu xuất trình giấy đi đường. Anh V. đã trình ra cùng lúc 2 tờ giấy có chữ ký của thượng tá Nguyễn Đình Dương, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM).
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, CSGT trực chốt phát hiện cả 2 tờ giấy mà anh V. xuất trình đều là giấy giả, vì không có các đặc điểm nhận dạng đặc biệt như giấy do Công an TP in để chuyển về các đầu mối rồi trả về cho các nhóm đối tượng được phép lưu thông.

Phát hiện người dùng giấy đi đường giả nhằm qua mặt CSGT

Đưa người sống lang thang ở TP.HCM rời khỏi đường phố

Dịch bệnh hoành hành, những người sống lang thang, không có nơi cư trú ổn định thường chọn vỉa hè nhà dân, trạm xe buýt hoặc gầm cầu làm nơi ở và ăn uống tạm bợ qua ngày.
Ngày 25.8, PV Thanh Niên đi cùng tổ công tác của Công an P.Võ Thị Sáu (Q.3, TP.HCM) phối hợp lực lượng quân đội, thực hiện tuần tra liên tục ở các tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần, Bà Huyện Thanh Quan, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cách Mạng Tháng 8…, phát hiện 9 trường hợp người sống lang thang, cơ nhỡ, sau đó đưa về trụ sở UBND P.Võ Thị Sáu (Q.3).
Tại trụ sở UBND P.Võ Thị Sáu, những người sống lang thang, cơ nhỡ sẽ được test nhanh Covid-19 và ma túy. Sau đó, cán bộ phường sẽ lập hồ sơ, đưa họ đến các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn TP.HCM.

Hơn 500 trẻ có mẹ mắc Covid-19 được sinh ra tại Bệnh viện Hùng Vương

Ngày 25.8, Trung tâm H.O.P.E (Have Only Positive Expectation) với mục đích hỗ trợ chăm sóc các bé có mẹ mắc Covid-19 về cả vật chất lẫn tinh thần trong giai đoạn chưa có gia đình đón về đã chính thức đi vào hoạt động.
Trung tâm H.O.P.E đặt tại trường mầm non Họa Mi 2, số 11 Lý Thường Kiệt, phường 12, quận 5, TP.HCM do Bệnh viện Hùng Vương thành lập.
Theo TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, từ tháng 4.2021 đến nay, Bệnh viện Hùng Vương đã tiếp nhận gần 1.000 thai phụ, trong đó khoảng 500 trẻ có mẹ mắc Covid-19 được sinh tại Bệnh viện. May mắn tỉ lệ trẻ nhiễm Covid-19 trong nhóm này rất thấp, chỉ dưới 1%. 

Bộ đội đi chợ hộ “chọn từng con cá, mớ rau” cho người dân

Ngay từ sáng sớm 26.8.2021, những chiến sĩ quân đội của sư đoàn 9 (quân đoàn 4) và lực lượng tình nguyện viên của phường 8 (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã có mặt tại một cửa hàng bách hóa để mua thực phẩm cho người dân trên địa bàn phường.
Sau khi chọn mua và hỗ trợ đóng gói theo từng hộ, lực lượng đi chợ hộ của phường sẽ đi phát từng nhà người dân rồi thu tiền theo hóa đơn của cửa hàng.
Việc mua các mặt hàng dựa trên các phiếu đăng ký mà phường đã phát cho người dân trước đó. Người dân muốn mua mặt hàng gì chỉ cần ghi vào phiếu, lực lượng phường sẽ tổng hợp rồi liên hệ với siêu thị để cung cấp đủ lượng hàng cần thiết.

Bác tài Grabcar khóc cười cùng F0 ngày xuất viện

Những ngày TP.HCM sáng nắng như đổ lửa, chiều mưa như trút nước, hàng trăm bác tài ô tô công nghệ đã tình nguyện đăng ký tham gia vào những chuyến xe GrabCar Y tế nhằm chuyên chở miễn phí nhân viên y tế từ bệnh viện về nhà, chở bệnh nhân Covid-19 đã điều trị khỏi bệnh, được phép xuất viện về nơi cư trú và thực hiện một số yêu cầu cấp bách trong công tác phòng chống dịch Covid-19 của cơ quan chức năng.
Đội xe GrabCar Y tế gồm có 100 xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi hoạt động từ 6 giờ - 18 giờ hằng ngày, phục vụ miễn phí các điểm đón nằm trong khu vực TP.Thủ Đức và Q.7. Cụ thể, nhân viên y tế (bác sĩ, y tá, điều dưỡng, đội ngũ phục vụ…) làm việc tại các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 tại TP.Thủ Đức và Q.7 có thể đặt GrabCar Y tế để về nhà hoặc đi đến các bệnh viện, cơ sở y tế, trung tâm xét nghiệm khác trong nội thành TP.HCM.
Người đã điều trị khỏi Covid-19 và được phép xuất viện từ các bệnh viện thuộc TP.Thủ Đức và quận 7 cũng có thể đặt GrabCar Y tế để trở về nơi cư trú trong nội thành TP.HCM.

Bác tài GrabCar khóc cười cùng F0 xuất viện trên những chuyến xe miễn phí

Các bác tài tham gia đội xe là những người đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19 và sẽ được Sở Y tế ưu tiên sớm tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Grab cũng lắp màn chắn trên xe, tặng trang thiết bị bảo hộ y tế và gói bảo hiểm PTI - Vững Tâm miễn phí cho các tài xế.
Toàn bộ tài xế sẽ được lưu trú và ăn uống tại khách sạn suốt quá trình hoạt động để tuân thủ đúng nguyên tắc “3 tại chỗ” của cơ quan chức năng.
Những ngày tới, Grab sẽ xem xét khả năng mở rộng thời gian và năng lực phục vụ của GrabCar Y tế, trên cơ sở tuân thủ theo các yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay ngày 26.8 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.