Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 29.7: Người dân TP.HCM được ra đường sau 18 giờ đi tiêm vắc xin

29/07/2021 19:34 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 29.7.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 29.7 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau: 

Ngày 29.7: Ghi nhận tổng cộng 7.594 bệnh nhân Covid-19

Bản tin tối 29.7 của Bộ Y tế cho biết từ 6 giờ đến 18 giờ 30 ngày 29.7, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận thêm 4.773 ca mắc Covid-19 mới; nâng tổng số ca Covid-19 trong ngày lên 7.594 bệnh nhân. Trong ngày cũng có 4.323 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Ngày 29.7: Cả nước 7.594 ca Covid-19, 4.323 ca khỏi; riêng TP.HCM 4.592 bệnh nhân mới

Thông tin cụ thể về 7.594 bệnh nhân được công bố trong ngày 29.7 như sau:
- 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 7.593 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 1.536 ca trong cộng đồng. Gồm: (4.592), Bình Dương (1.144), Long An (499), Đồng Nai (325), Bà Rịa-Vũng Tàu (185), Đồng Tháp (157), Tây Ninh (139), Bình Thuận (63), Hà Nội (59), Đà Nẵng (54), Phú Yên (52), Đắk Lắk (44), Cần Thơ (39), Bình Phước (35), Vĩnh Long (31), Kiên Giang (21), Khánh Hòa (18), Trà Vinh (18), Hậu Giang (13), Bình Định (11), An Giang (10), Hải Dương (10), Thừa Thiên-Huế (10), Quảng Nam (10), Nghệ An (7), Lạng Sơn (6), Vĩnh Phúc (6), Thanh Hóa (6), Bạc Liêu (4), Đắk Nông (4), Phú Thọ (4), Cà Mau (4), Hà Tĩnh (4), Ninh Thuận (3), Lâm Đồng (2), Hà Giang (2), Ninh Bình (1), Quảng Ngãi (1).
- Tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 128.413 ca mắc trong đó có 2.208 ca nhập cảnh và 126.205 ca mắc trong nước.
- Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27.4 đến nay là 124.635 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 346 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 19 ca.

Tối 29.7: Thông báo thêm 233 ca Covid-19 tử vong trong 8 ngày

- Trong tối 29.7, Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng thông báo có 233 ca Covid-19 tử vong (là các ca tử vong từ 631 đến 863) từ ngày 19-26.7.2021 tại 7 tỉnh, thành phố, gồm:
+ Tại TP.HCM từ ngày 24-26.7: 189 ca
+ Tại Khánh Hòa từ ngày 19-26.7: 14 ca
+ Tại Long An từ ngày 25-26.7:10 ca
+ Tại Đồng Nai từ ngày 23-26.7: 8 ca
+ Tại Bến Tre từ ngày 20-25.7: 6 ca
+ Tại Vĩnh Long từ ngày 20-26.7: 4 ca
+ Tại Bình Dương từ ngày 20-22.7: 2 ca

TP.HCM cho shipper được chạy liên quận, người đi tiêm vắc xin được ra đường sau 18 giờ

UBND TP.HCM vừa có văn bản hướng dẫn việc di chuyển trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/2020 của Thủ tướng.
Điểm mới của văn bản này là TP.HCM cho phép người dân đi tiêm vắc xin được ra đường sau 18 giờ. Giấy tờ gồm giấy mời tiêm hoặc tin nhắn điện thoại, và thẻ/phiếu nhận diện (màu sắc thay đổi hằng ngày) để người đi tiêm vắc xin đeo trên ngực, phục vụ kiểm tra của lực lượng chức năng. UBND TP.HCM cũng cho phép một số địa phương triển khai tiêm vắc xin sau 18 giờ để đẩy nhanh tiến độ tiêm.

TP.HCM cho shipper được chạy quận, người đi tiêm vắc xin được ra đường sau 18 giờ

Về hoạt động giao hàng, đội ngũ người giao hàng (shipper) đảm bảo các đặc điểm nhận diện khi lưu thông trên đường như: đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, giấy thông hành của doanh nghiệp cấp cho shipper, ứng dụng quản lý đơn hàng...; đồng thời bổ sung bảng tên thẻ cứng có hình, xác nhận của doanh nghiệp cho từng shipper và ứng dụng công nghệ nhận diện shipper thông qua mã QR code; thực hiện băng đeo tay nền xanh đậm, kích thước ống đeo cao 20 cm, in chữ “Shipper” màu trắng. Shipper được hoạt động từ 6 giờ - 18 giờ mỗi ngày.
Đáng chú ý, TP.HCM cho shipper di chuyển liên quận huyện và TP.Thủ Đức khi vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho người dân trong các khu phong tỏa, khu cách ly, cơ sở y tế, cơ sở thu dung, cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19.
Đối với trường hợp người dân đi chợ, siêu thị, chính quyền các xã, phường, thị trấn phát phiếu đi chợ, siêu thị; trong đó ghi rõ thời gian đi và các địa điểm chợ, siêu thị, cửa hàng gần nhất.
Các phương tiện vận chuyển khác như: hàng hóa thiết yếu, đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch, đưa đón công nhân, vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu, phục vụ cung cấp suất ăn cho các khu phong tỏa, khu cách ly, cơ sở y tế, cơ sở thu dung, cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, ô tô và taxi chở người trong trường hợp cấp thiết được nhận diện theo quy định hoặc đăng ký với Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế và cung cấp cho Công an TP.HCM và các quận, huyện, TP.Thủ Đức để phục vụ kiểm tra của lực lượng chức năng.
Riêng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan, đơn vị ra đường phải đeo thẻ công chức, thẻ ngành hoặc mặc đồng phục ngành, kết hợp với văn bản xác nhận hoặc phân công công tác.
Nếu đi làm bằng ô tô cá nhân thì phải có thêm giấy xác nhận công tác (màu xanh dương đối với người làm nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị và màu đỏ đối với lực lượng làm công tác hoặc hỗ trợ công tác phòng, chống dịch). 

Xử lý vụ việc người phụ nữ náo loạn chốt kiểm soát Covid-19

Ngày 29.7, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip dài hơn 2 phút ghi lại cảnh một người phụ chở theo cháu nhỏ đòi “thông chốt” kiểm soát trên địa bàn Q.Bình Tân (TP.HCM).

Theo tìm hiểu, khoảng 12 giờ 40 phút ngày 25.7, người phụ nữ này đi đến chốt kiểm soát. Khi được lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe để kiểm tra thì bà này chửi đòi “thông chốt”. Đáng chú ý, bà còn tháo cả khẩu trang ra để chửi.

Gần 24 giờ sau, lúc 11 giờ 30 phút ngày 26.7, bà này lại xuất hiện tại chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19. Lần này, bà tiếp tục chửi các lực lượng chức năng khi được yêu cầu kiểm tra giấy tờ.

Xử lý vụ việc người phụ nữ náo loạn chốt kiểm soát Covid-19

Một lúc sau, lực lượng công an địa phương tăng cường đến phối hợp giải quyết, một cán bộ tiếp tục giải thích: “Chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ trực chốt kiểm soát Covid-19 khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Đề nghị chị chấp hành lực lượng chức năng. Nếu mà chị xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ là chị vi phạm pháp luật, tôi mời chị về phường, chị không về sẽ khống chế”.
Mặc dù đã liên tục giải thích, tuy nhiên người phụ nữ nãy vẫn cố cãi và xưng hô “mày - tao” với tổ công tác và khẳng định: “Tao không đi đâu hết, tao không phải tội phạm. Mày nghĩ mày mạnh hơn tao thì cứ làm!”.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, sự việc xảy ra vào khoảng 11 giờ 30 ngày 26.7 tại chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 cầu Tân Thới Nhất 8. Người “náo loạn” tại chốt kiểm soát tên D. (khoảng 41 tuổi, trú Q.12).
Thời điểm trên, Công an P.Bình Hưng Hòa nhận được tin báo về vụ việc trên nên đến xử lý. Tại đây, bà D. không chấp hành còn chửi bới lăng mạ tổ công tác nên Công an P.Bình Hưng Hòa đã đưa người này về phường làm việc nhưng bà D. không hợp tác. Tổ công tác buộc khống chế, đưa bà D. về phường xử lý, người phụ nữ vẫn tiếp tục chửi bới và không hợp tác. Theo nguồn tin của Báo Thanh Niên, vụ việc đã được chuyển lên Đội Điều tra tổng hợp Công an quận Bình Tân để tiếp tục xử lý.

120 công an tuần tra khắp Biên Hòa, xử phạt người ra đường sau 18 giờ

Công an TP.Biên Hòa đã thành lập 20 tổ với tổng cộng 120 cán bô, chiến sĩ tuần tra, xử lý người vi phạm trong thời gian toàn tỉnh Đồng Nai thực hiện Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng chính phủ nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Tối 28.7.2021, các tổ kiểm soát này tiếp tục ra quân kiểm tra, xử lý. Tối 28.7 cũng là ngày đầu tiên Đồng Nai áp dụng khuyến cáo người dân không ra đường sau 18 giờ. Những con đường trước đây vốn sầm suất, đông đúc, náo nhiệt giờ không một bóng người.

120 công an tuần tra khắp Biên Hòa, xử phạt người ra đường sau 18 giờ

Ngoài đường không có tiếng xe, tiếng người, chỉ có tiếng từ loa phát thanh của thành phố yêu cầu người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Đến nay, tổng số ca dương tính với Covid-19 trong đợt dịch thứ tư tại Đồng Nai là hơn 3.200 ca, trong đó Biên Hòa nhiều nhất với gần 1.800 ca, kế đến là các huyện Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và Thống Nhất.

Một phụ nữ ở Quảng Trị mắc Covid-19 sau gần 1 tháng cách ly

Sau hơn 70 ngày không có ca Covid-19, từ ngày 28.7.2021, tỉnh Quảng Trị đã ghi nhận ca dương tính đầu tiên tại thành phố Đông Hà. Bệnh nhân là một phụ nữ 43 tuổi đi từ Đức về Việt Nam; nhập cảnh tại sân bay Cam Ranh vào ngày 28.6 và được đi cách ly tập trung tại tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 24.7, chị lên toa 8 tàu SE8 rời Khánh Hòa và về ga Đông Hà lúc 6 giờ 10 phút ngày 25.7. Ngày 26.7, người phụ nữ này được em trai chở vào Bệnh viện đa khoa tỉnh qua cổng số 3 để lấy mẫu xét nghiệm do trước đó, chị được bạn cùng phòng ở khu cách ly tại Khánh Hòa thông báo là đã dương tính với Covid-19.
Chiều 27.7, người phụ nữ này đi khám tại Trung tâm y tế huyện Gio Linh vì đau đầu và gãy xương gây chèn ép dây thần kinh đã lâu. Tối cùng ngày, chị nhận kết quả dương tính với Covid-19 sau khi xét nghiệm với phương pháp Realtime-PCR.

Một phụ nữ ở Quảng Trị mắc Covid-19 sau gần 1 tháng cách ly

 
Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Trị cho biết đã có văn bản gửi Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Đông Hà yêu cầu khẩn trương điều tra, xác minh lịch trình của người phụ nữ này để khoanh vùng, dập dịch. Đặc biệt, ngành chức năng phải kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan đã buông lỏng quản lý trong quá trình bệnh nhân cách ly y tế tại địa phương. Đồng thời, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Trị yêu cầu kiên quyết áp dụng chế tài xử lý nghiêm và xem xét truy cứu trách nhiệm đối tượng có hành vi không chấp hành quy đinh phòng chống Covid-19, nguy cơ lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch đối với 2 khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19 trên đường Trương Định và Nguyễn Huệ thuộc TP.Đông Hà.

Bên chuyến tàu từ Ga Sài Gòn đưa người Quảng Trị hồi hương

Trong chiều 28.7.2021, những người dân Quảng Trị đã có mặt từ sớm ở Ga Sài Gòn để nhận vé lên tàu và trang phục bảo hộ, chuẩn bị cho chặng hành trình về quê tránh dịch. Toàn bộ đều được hỗ trợ nên họ không phải thanh toán thêm bất kỳ chi phí nào.
Chuyến tàu mang số hiệu SE74, số hiệu đặc biệt và thân thuộc với nhiều người Quảng Trị. Đây là đợt đầu tiên của đợt hỗ trợ đưa những người Quảng Trị về quê. Nhiều người về quê lần này vẫn hy vọng dịch nhanh qua đi để họ có thể trở lại TP.HCM để sinh sống và làm việc.
Những người được về quê lần này nằm trong kế hoạch đón công dân Quảng Trị từ TP.HCM và các tỉnh lân cận về Quảng Trị bằng hình thức vận tải đường sắt của UBND tỉnh Quảng Trị. Kế hoạch này nhằm góp phần giảm áp lực đối với việc phòng chống dịch Covid-19 của TP.HCM.

Bên chuyến tàu từ Ga Sài Gòn đưa người Quảng Trị hồi hương từ tâm dịch Covid-19

Trong đợt 1 sẽ ưu tiên 400 người, họ thuộc những trường hợp được ưu tiên của UBND tỉnh Quảng Trị gồm công dân là người lao động đang mang thai; người lớn tuổi (từ 60 tuổi trở lên); trẻ em dưới 16 tuổi và người đi cùng trẻ em (đối với trẻ em dưới 9 tuổi); học sinh, sinh viên; người thăm thân và du lịch.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã thành lập tổ công tác của tỉnh gồm những cán bộ công chức của các Sở ban ngành liên quan, do Giám đốc Sở LĐ-TB-XH làm trưởng đoàn đến TP.HCM bằng xe ô tô tiếp nhận, tổ chức cho bà con lên tàu.
Những người này sau đó cũng lên tàu trở về quê cùng bà con để có thể xử lý các tình huống có thể phát sinh trong quá trình di chuyển.

Phạt cô gái đi lấy thuốc, chàng trai thăm người yêu vì ra đường sau 18 giờ

18 giờ ngày 28.7.2021, tỉnh Bình Phước bắt đầu thực hiện quy định yêu cầu mọi người dân không ra đường kể từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau để tăng cường biện pháp phòng, chống Covid-19.
Tại thành phố Đồng Xoài, từ 18 giờ, hầu hết các tuyến đường lớn như ĐT.741, Quốc lộ 14, Hùng Vương, Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo… đều có CSGT, Cảnh sát trật tự, UBND các xã, phường thành lập các chốt kiểm tra, tuần tra lưu động, dừng các phương tiện giao thông trên đường kiểm tra, xử lý các trường hợp ra đường không thuộc trường hợp được cho phép.
Hầu hết các tuyến đường lượng phương tiện cá nhân qua lại đều rất ít, chỉ có các xe vận chuyển hàng hóa, các lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của các địa phương qua lại.

Phạt cô gái đi lấy thuốc, chàng trai thăm người yêu vì ra đường sau 18 giờ

Qua kiểm tra, lực lượng CSGT Công an thành phố Đồng Xoài đã lập biên bản 2 trường hợp người đàn ông và một cô gái đi mua thuốc, lấy thuốc giúp người thân.
Được biết trong tối 28.7 còn có trường hợp nam thanh niên 19 tuổi bị lực lượng chức năng phường Tân Phú kiểm tra, lập biên bản xử phạt hành chính với lý do đi thăm người yêu vì mấy ngày nay chưa gặp.
Các trường hợp đều bị lập biên bản vi phạm hành chính về việc không thực hiện bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng nhắc nhở và đề nghị những người vi phạm cần chấp hành nghiêm Chỉ thị 16 để cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Cha con đi bộ hơn 100 km về miền Tây, nghẹn khóc bên chốt kiểm soát Covid-19

 Tại chốt kiểm soát Covid-19 tỉnh Long An, cha con ông Nguyễn Văn Nghĩa (57 tuổi) và anh Nguyễn Văn Thọ (28 tuổi) tâm sự rằng họ dự định đi bộ hơn 100 km để về quê nhà Trà Vinh. Nơi đó vợ ông Nghĩa là bà Nguyễn Thị Thúy (56 tuổi, ở số nhà 248 ấp Xuân Thạnh, xã Hòa Thuận, H.Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) bệnh nặng gần 2 năm nay, đang chờ mang tiền về chạy chữa. Ông Nghĩa khóc nghẹn nhưng nhưng đường về phía trước của ông còn rất gian nan.
Phải ngồi bên ven đường Quốc lộ sau 6 tiếng đồng hồ vừa đi bộ vừa “quá giang”, cha con ông Nguyễn Văn Nghĩa (57 tuổi) và anh Nguyễn Văn Thọ (28 tuổi) tâm sự rằng họ đã “hết cách rồi”.
Quê ở ấp Xuân Thạnh, xã Hòa Thuận (H.Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), vợ ông Nghĩa là bà Nguyễn Thị Thúy (56 tuổi) bị bệnh ung thư gần 2 năm nay, mỗi tháng đều phải vào thuốc xạ trị. Để có tiền lo cho vợ, cho mẹ gia đình ông Nghĩa và anh Thọ phải bán đất, ruộng vườn và hiện ở quê chỉ còn mỗi căn nhà.

Cha con đi bộ hơn 100 km về miền Tây, nghẹn khóc bên chốt kiểm soát Covid-19

Cuộc sống quá khó khăn, hai cha con rời quê lên TP.HCM thuê trọ, làm công việc vận chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Thủ Đức để kiếm tiền thuốc men cho người thân.
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài, chợ đóng cửa, hai cha con mất việc không có tiền chi tiêu, tiền đóng nhà trọ. Quá túng quẫn hai cha con ông Nghĩa quyết định về quê theo cái cách mà chắc khó ai tưởng tượng ra là đi bộ. Tính ra, quãng đường họ dự tính đi bộ khoảng hơn 140 km.
Từ 6 giờ sáng 28.7, cả hai đi bộ từ Thủ Đức ra Quốc lộ 1 để về Trà Vinh. Theo lời cha con ông Nghĩa thì trên đường đi học được Grab cho “quá giang”, được người dân giúp cho nước, mì tôm. Đồ đạc, vật dụng cha con chuẩn bị để về quê là một túi đồ, bên trong chứa một số quần áo cũ và hai tấm mền để đắp ngủ dọc đường khi đêm xuống, cùng số tiền 30 ngàn đồng trong túi còn lại. Họ dự định cứ về quê đã rồi đến đâu hay đến đó.
Sau nhiều tiếng di chuyển, đến 11 giờ trưa cùng ngày, cha con ông Nghĩa đến địa phận H.Bến Lức (tỉnh Long An. Tại đây, lực lượng tại chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 trên Quốc lộ 1 ở cửa ngõ Long An chặn lại yêu cầu dừng lại kiểm tra. Hai người này không xuất trình được giấy tờ nên bị chặn lại.
Nói về trường hợp của cha con ông Nghĩa, một cán bộ trực chốt kiểm soát ở của ngõ tỉnh Long An cho hay đã báo cáo vụ việc cho cấp trên để có hướng giải quyết, xử lý.
Thế nhưng, kể cả có qua được chốt kiểm soát này thì đường về của cha con ông Nghĩa vẫn còn lắm gian nan phía trước.

Băng tay xanh, bảng tên nhận diện: Shipper TP.HCM đã trang bị đến đâu?

Kể từ ngày 26.7.2021, TP.HCM có quy định về đặc điểm nhận diện đội ngũ shipper của đơn vị: Ngoài các giải pháp nhận diện như đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, Giấy thông hành của doanh nghiệp cấp cho shipper, ứng dụng quản lý đơn hàng mà shipper đang giao nhận..., các đơn vị chủ động triển khai ngay việc làm bảng tên thẻ cứng có hình, xác nhận của Công ty cho từng shipper và ứng dụng công nghệ nhận diện shipper thông qua QR Code.

Băng tay xanh, bảng tên nhận diện: Shipper TP.HCM đã trang bị đến đâu?

Bảng tên phải hiển thị đầy đủ các thông tin về shipper, phương tiện; địa chỉ: công ty, nơi cư trú của shipper, giao hàng; người đặt hàng; lộ trình vận chuyển hàng hóa thiết yếu; chi tiết hàng hóa thiết yếu được vận chuyển... Đồng thời thực hiện băng đeo tay nền xanh đậm, kích thước ống đeo cao 20cm, in chữ "Shipper" màu trắng.
Ghi nhận sáng 28.7, nhiều shipper đã mang theo bảng tên, ứng dụng công nghệ tích hợp QR Code cho từng người. Tuy nhiên, hầu hết các shipper từ các ứng dụng công nghệ đều không có băng đeo tay nền xanh đậm như quy định.

Shipper chỉ giao mặt hàng thiết yếu và hoạt động trong một quận

Lê Nam

TP.HCM chỉ cho phép shipper vận chuyển hàng hoá thiết yếu theo khu vực và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định hoạt động trên địa bàn thành phố trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo tỉnh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều shipper đang hoạt động cho biết, họ phải hủy nhiều đơn hàng của khách khi đặt giao – nhận các mặt hàng nằm ngoài danh mục thiết yếu. 

Shipper đang hoạt động trên đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7, TP.HCM

Lê Nam

TP.HCM cũng yêu cầu các đơn vị triển khai hoạt động cho dịch vụ shipper cần tổ chức hoạt động theo khu vực để thuận tiện cho công tác quản lý, cũng như ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh. Mỗi shipper chỉ được hoạt động trên địa bàn 1 quận, huyện hoặc TP.Thủ Đức. Các shipper cũng tự chủ động điều chỉnh thời gian làm việc để đảm bảo không vi phạm khung giờ cấm ra đường từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.

Cảnh báo việc làm giả thẻ có logo và con dấu của Grab

Ngày 29.7, trên mạng xã hội có thông tin về việc rao bán, trao đổi thẻ có logo và con dấu của công ty TNHH Grab. Sau khi làm việc với công ty TNHH Grab, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM xác định, đây là hành vi lợi dụng hình ảnh mẫu thẻ có logo và con dấu của Grab để được đi lại trong thời gian giãn cách xã hội phòng chống Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, việc mua bán thẻ, sử dụng các loại thẻ của các doanh nghiệp công nghệ cung ứng dịch vụ vận chuyển là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu làm giả con dấu, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Sở Thông tin và Truyền thành phố cảnh báo việc làm giả, cung cấp, sử dụng các loại giấy đi đường, giấy xác nhận làm việc,… để được ra đường trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19. Các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Cùng trong ngày 29.7, UBND TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn việc di chuyển trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/2020 của Thủ tướng.
Về hoạt động giao hàng, đội ngũ người giao hàng (shipper) đảm bảo các đặc điểm nhận diện khi lưu thông trên đường như: đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, giấy thông hành của doanh nghiệp cấp cho shipper, ứng dụng quản lý đơn hàng...; đồng thời bổ sung bảng tên thẻ cứng có hình, xác nhận của doanh nghiệp cho từng shipper và ứng dụng công nghệ nhận diện shipper thông qua mã QR code; thực hiện băng đeo tay nền xanh đậm, kích thước ống đeo cao 20 cm, in chữ “Shipper” màu trắng. Shipper được hoạt động từ 6 giờ - 18 giờ mỗi ngày.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 29.7 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.