Băng nhóm Đường 'Nhuệ' lộng hành ở Thái Bình: Cần làm rõ nhóm lợi ích, bao che, chống lưng

16/04/2020 14:33 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, để băng nhóm Đường “Nhuệ” lộng hành với những hoạt động phạm pháp từ cho vạy nặng lãi, bảo kê, thâu tóm đất vàng trong hàng chục năm qua, trước hết là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Trách nhiệm trước hết của chính quyền Thái Bình

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an), cho rằng việc có thế lực nào “chống lưng”, “bảo kê” cho băng nhóm của vợ chồng Đường “Nhuệ” hay không, phải đợi cơ quan chức năng điều tra, song dư luận về vấn đề này đặt ra yêu cầu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình phải vào cuộc để làm rõ.
“Trước hết, bộ máy của tỉnh, từ Kiểm tra, Thanh tra cho tới Công an, phải phối hợp, vào cuộc để xem có ai chống lưng cho băng nhóm này không, công khai kết quả cho gần 2 triệu người dân Thái Bình và 100 triệu dân Việt Nam được biết”, ông Cương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, ngay cả khi thế lực nào chống lưng cho vợ chồng Đường "Nhuệ" còn phải đợi làm rõ, thì việc giữa thanh thiên bạch nhật mà 2 vợ chồng khuynh đảo cả một thành phố khiến người dân bức xúc trong suốt chục năm là trách nhiệm của Bí thư và Chủ tịch UNDN TP.Thái Bình.
“Ông Bí thư và Chủ tịch UBND TP.Thái Bình có đáng bị xử lý kỷ luật không, khi trong phạm vi đơn vị hành chính mình quản lý lại để cho băng nhóm xã hội đen lộng hành như vậy?”, ông Cương đặt vấn đề, và cho rằng, nếu không làm rõ trách nhiệm của đảng bộ, chính quyền của địa phương trong việc quản lý địa bàn thì người dân sẽ mất lòng tin.

Trụ sở Công ty Dương Đường của vợ chồng Đường "Nhuệ", nơi xảy ra các hành vi trái pháp luật, rất gần trụ sở cơ quan Công an Tỉnh Thái Bình, trụ sở UBND phường Kỳ Bá.

Ảnh Sơn Tân

Cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, phân tích trách nhiệm ở đây trước hết thuộc về UBND, cơ quan chuyên môn trong việc để doanh nghiệp của vợ chồng Đường "Nhuệ" hoạt động theo kiểu xã hội đen, thâu tóm những lô đất vàng với giá thấp rồi bán lại với giá rất cao.
“Phải chăng có lợi ích nhóm, có sự bao che, chống lưng để băng nhóm này thâu tóm đất vàng trên địa phương?”, ông Hòa nêu vấn đề.
Bên cạnh đó, theo Ủy viên Ủy ban Pháp luật, để cho băng nhóm này có các hoạt động cho vay nặng lãi, bảo kê, thậm chí đánh người ngay tại trụ sở công an, thuộc về trách nhiệm của cơ quan công an trong công tác phòng, chống tội phạm. Đáng nói, ông Hòa cho rằng, theo phản ánh của nhiều người dân và báo chí thì rất nhiều người đã tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của băng nhóm vợ chồng Đường “Nhuệ”, nhưng cơ quan chức năng lại “ngó lơ”, “bỏ qua”, vì cho rằng không đủ chứng cứ để xử lý.
“Băng nhóm của vợ chồng Đường Nhuệ thực hiện hành vi sai phạm kéo dài như thế mà tại sao cơ quan chức năng lại bỏ qua, tới giờ này vẫn còn tồn tại? Cơ quan chức năng của Thái Bình phải vào cuộc quyết liệt, không bỏ qua bất cứ lĩnh vực nào”, ông Hòa kiến nghị.

Bộ Công an nên vào cuộc, làm tới cùng

Đánh giá vụ việc có thể có nhiều liên hệ lợi ích phức tạp cần được làm rõ, thiếu tướng Lê Văn Cương đề nghị các cơ quan T.Ư như Ủy ban Kiểm tra, Ban Nội chính, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an cần tổ chức kiểm tra, đánh giá vụ việc tại Thái Bình, đồng thời yêu cầu Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình phải chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của địa phương.

Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, vụ việc nên được cơ quan chức năng làm tới cùng

Ảnh Gia Hân

“Đề nghị các cơ quan chức năng phải vào cuộc và làm tới cùng”, tướng Cương nói, và cho rằng Bộ Công an có thể vào cuộc hoặc cho lực lượng nghiệp vụ phối hợp để đảm bảo tính khách quan trong việc điều tra, làm rõ vụ việc.
Cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, băng nhóm Đường “Nhuệ” là xã hội đen hoạt động có tổ chức, có thể có quan hệ chằng chịt, nếu đi tới tận cùng có thể dính dáng tới những người có trách nhiệm, nên sẽ khó cho cơ quan điều tra làm rõ vấn đề.
“Tôi mong rằng Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Bình làm chưa rõ thì Bộ Công an nên vào cuộc cùng giúp cho Công an tỉnh Thái Bình để làm rõ những nội dung mà báo chí và người dân phản ánh để trả lời với công luận”, ông Hoà nói.
Nhấn mạnh trách nhiệm của lực lượng chức năng làm công tác phòng, chống tội phạm, nhất là lực lượng công an trên địa bàn trong vụ việc, Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, phải xem xét và làm rõ, đầy đủ vụ việc Đường "Nhuệ" theo những phản ánh của người dân từ trước tới nay, chứ không chỉ dừng lại vụ việc đánh người gây thương tích.
“Phải kiểm điểm lại xem từ trước tới nay có phải đã có thông tin tố giác tội phạm mà cơ quan công an không làm, thì phải xem xét trách nhiệm của những người lãnh đạo tại thời điểm đó”, ông Nhưỡng đề nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.