Bão lũ, sạt lở gây thiệt hại 2.500 tỉ đồng

26/07/2018 19:02 GMT+7

Năm 2018, tính đến nay, thiên tai đã làm chết và mất tích 109 người, gần 20.000 căn nhà bị sập, hư hỏng, phải di dời, gần 91.000 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại.

Đây là những con số đưa ra tại hội nghị phòng chống thiên tai tại khu vực miền Nam và giải pháp kỹ thuật phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức tổ chức tại Cần Thơ ngày 26.7.
Theo hội nghị, trong 20 năm vừa qua, các khu vực trên cả nước đã phải hứng chịu hầu hết các loại hình thiên tai (trừ sóng thần), gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, tác động xấu đến môi trường sống, sản xuất kinh doanh của người dân.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai lo ngại: Trong những năm gần đây, thiên tai diễn biến rất khốc liệt, dị thường cả về cường độ lẫn tần suất gây thiệt hại lớn về người và tài sản, đặc biệt là hạn hán tại ĐBSCL cuối năm 2015 và đầu năm 2016. Nếu như năm 2017, là năm có số lượng bão kỷ lục (16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới) cùng với sạt lở, lũ quét… đã cướp đi mạng sống của 386 người, gây tổng thiệt hại về tài sản đến 60.000 tỉ đồng thì năm 2018, tính đến nay, thiên tai cũng diễn biến rất khó lường. Đã có 3 cơn bão đổ bộ, 4 áp thấp nhiệt đới, hàng trăm trận dông lốc, lũ quét, sạt lở đã làm chết và mất tích 109 người, gần 20.000 căn nhà bị sập, hư hỏng, phải di dời, gần 90.819 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại. Tổng thiệt hại là 2.500 tỉ đồng.
Vỡ đê bao gây ngập úng nghiêm trọng tại cồn Khương, TP.Cần Thơ, năm 2017 Ảnh: Đình Tuyển
Thiên tai, ngập lụt đẩy người dân vào cuộc sống vô cùng khó khăn Ảnh: Đình Tuyển
Đặc biệt, tại các khu vực ven sông, ven biển, ĐBSCL đang phải đối diện với nạn sạt lở ngày càng tràn lan. Ông Sơn cho rằng, ĐBSCL có vị trí rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nhưng cũng là vùng đất nhạy cảm, dễ bị tổn thương do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng như sự phát triển kinh tế xã hội của toàn lưu vực, và có đặc biệt đến việc khai thác tài nguyên nước của sông Mê Kông...
 
Rừng dương 15 năm tuổi ở ven biển TX.Duyên Hải, Trà Vinh bị sóng biển đánh bật gốc Ảnh: Đình Tuyển

Tính trên cả nước hiện có 2.055 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 2.710 km, trong đó có 91 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm (sạt lở gây nguy hiểm trực tiếp đến an toàn đê điều, khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng) với tổng chiều dài 218 km; 735 điểm sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài 911 km; 1.229 điểm sạt lở còn lại với tổng chiều dài 1.581 km.
Dự báo từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó có 4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp lên đất liền. Khoảng thời gian nguy hiểm nhất là các tháng cuối năm tại khu vực Nam bộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.