Bao nhiêu địa phương 'cấm' công dân ghi âm, ghi hình?

11/01/2019 06:42 GMT+7

Phóng viên Thanh Niên cùng một chuyên gia pháp luật đã thống kê có bao nhiêu bộ, ngành, địa phương “cấm” công dân ghi âm, ghi hình khi chưa được phép và kết quả nhận được khá bất ngờ.

Cụ thể, việc thống kê thực hiện trên quyết định ban hành nội quy tiếp dân của 33 tỉnh, thành và 7 bộ, ngành (các cơ quan và địa phương khác tạm thời chúng tôi chưa tìm được văn bản). Trong các tỉnh có quy định không được ghi âm, ghi hình khi chưa xin phép có hầu hết các TP lớn; còn các bộ, ngành chỉ có Bộ Tư pháp không có quy định trên.
Riêng trường hợp TP.HCM, ngày 9.1, ông Lê Văn Lộc, Phó trưởng ban Tiếp công dân TP, trao đổi với PV Thanh Niên: “Tiếp dân là hoạt động đối thoại công khai, minh bạch, giải quyết thấu tình, đạt lý, do đó không có gì phải cấm ghi âm, ghi hình cả. Ở TP.HCM, không nơi nào cấm chuyện đó”.
PV Thanh Niên cũng ghi nhận trực tiếp tại nhiều buổi tiếp công dân của các cơ quan, đơn vị TP.HCM và thấy rằng việc ghi âm, ghi hình của người dân được tiến hành bình thường, không bị cản trở; kể cả trong cả 3 buổi tiếp công dân Thủ Thiêm (Q.2) của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vào tháng 10 - 11.2018. Tuy nhiên, tại Quyết định 5022 ngày 26.9.2016 về nội quy tiếp công dân do Chủ tịch UBND TP ban hành có quy định “không được tự ý sử dụng phương tiện ghi hình, ghi âm, chụp ảnh, treo băng rôn, biểu ngữ khi chưa được sự cho phép của người có thẩm quyền”. Quy định này thậm chí còn “ngặt” hơn quy định của Hà Nội, khi người dân phải đi tìm hiểu xem “người có thẩm quyền” là ai.

Nếu muốn hạn chế phải đưa ra Quốc hội

Liên quan đến Quyết định số 12/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành về Nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố, trong đó có quy định “cấm” công dân ghi âm, ghi hình tại trụ sở tiếp dân đã gây ra nhiều tranh luận, sau đó ông Chung đã lên tiếng cho biết người dân có thể yêu cầu ghi âm, ghi hình hoặc trích xuất camera gắn sẵn tại trụ sở tiếp dân, TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp, cho rằng “giải pháp này cũng chỉ được thực hiện nếu người dân đồng thuận”.
“Đưa ra quy định đó cũng là một cách, với điều kiện người dân tin việc ghi âm, ghi hình của cơ quan tiếp dân là phản ánh khách quan, trung thực thông tin và người dân chấp thuận. Nếu người dân không đồng thuận, họ vẫn có quyền ghi âm, ghi hình, vì họ là một bên của quan hệ hành chính này”, ông Sơn trao đổi với Thanh Niên vào tối 10.1.
Về việc có thể dựa vào “các hành vi bị nghiêm cấm” được quy định tại điều 6 luật Tiếp công dân 2013 để đưa ra quy định không được ghi âm, ghi hình không, ông Sơn cho rằng nội quy, quy chế có thể đưa ra các quy định buộc người dân phải tuân thủ, không được phép làm. Nhưng quy định “chỉ được quay phim, chụp ảnh khi được đồng ý” là không được phép vì đó là quyền công dân. “Chỉ được ghi âm, ghi hình khi được phép” là một loại quy phạm pháp luật xác định quyền của người dân có điều kiện. Việc hạn chế quyền của người dân, theo Hiến pháp, chỉ có thể được quy định bởi luật, nghĩa là chỉ có Quốc hội được ban hành.
“Một số người cứ nói quy định đó là cần thiết, rồi dẫn ra một số trường hợp quá khích gí camera vào mặt cán bộ tiếp dân, hay cắt xén vào những mục đích không đúng... đó cũng chỉ là ý kiến cá nhân. Nếu thấy quy định đó là cần thiết, hãy đưa ra Quốc hội. Phải trên 50% đại biểu Quốc hội đồng ý thì mới có thể thành luật. Hạn chế quyền của người dân không thể đưa vào văn bản của cơ quan hành chính, cơ quan thi hành”, ông Sơn nhấn mạnh.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 10.1, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết đang tiến hành kiểm tra lại quy định này.

Phải ghi âm, ghi hình khi tiếp dân

Chiều 8.1, tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tiếp dân phải ghi âm, ghi hình. Hỏi cung cũng phải ghi âm, ghi hình. Quy định như vậy để đảm bảo quyền công dân. Đây là những cải cách rất quan trọng trong hệ thống, ý nói đến sự đồng bộ giữa kinh tế, xã hội và hệ thống pháp luật là nhiệm vụ rất quan trọng”.
Tại hội nghị này, Thủ tướng cũng giao Bộ Tư pháp, với vai trò “gác cửa” về tính hợp pháp, hợp hiến của các văn bản pháp luật, cần kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng để xem xét xử lý việc ban hành các văn bản trái luật, trái thẩm quyền
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.