Nhiều tỉnh ra lệnh cấm biển
Bão số 2 có hoàn lưu gây mưa lớn diện rộng ở các tỉnh nam đồng bằng Bắc bộ, Hòa Bình, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng cục bộ ở đồng bằng, đô thị.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, chiều 12.6, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 2 (tên quốc tế là bão KOGUMA) và đi vào vùng biển vịnh Bắc bộ, với sức gió mạnh cấp 8, tức là từ 60 - 75 km/giờ, giật cấp 10. Tối cùng ngày, bão số 2 gây gió mạnh cấp 7 - 8, sóng biển cao 3 - 4 m trên vịnh Bắc bộ. Dự báo, sáng sớm 13.6, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh đông Bắc bộ và bắc Trung bộ, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Trong đó, vùng ảnh hưởng trực tiếp, với gió mạnh cấp 6 và gây mưa lớn nhất bao gồm các tỉnh đồng bằng nam Bắc bộ và Thanh Hóa.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết diễn biến đáng lưu ý là cơn bão số 2 gây mưa lớn trên phạm vi rất rộng ở Bắc bộ, bắc và trung Trung bộ. Trong đó, vùng mưa lớn nhất là nam đồng bằng Bắc bộ, Hòa Bình và từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Trong đó, tổng lượng mưa cả đợt từ 12 - 14.6 có thể đạt từ 150 - 250 mm, một số nơi có mưa trên 350 mm. Theo đó, các tỉnh Bắc bộ và từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi; ngập úng cục bộ ở đồng bằng và đô thị.
Chiều 12.6, Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai có công điện gửi các bộ, ngành và các tỉnh Bắc bộ, Trung bộ yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa bão số 2. Trong đó, chính quyền địa phương khu vực vùng núi rà soát đánh giá khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; trong trường hợp cần thiết phải chủ động sơ tán người dân để đảm bảo an toàn và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch Covid-19. Các địa phương kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Trong đó, các địa phương khu vực miền núi Thanh Hóa đã xây dựng phương án sẵn sàng sơ tán hơn 4.300 hộ gia đình, với khoảng 17.000 nhân khẩu đang sống ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công điện khẩn yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các địa phương, đặc biệt là khu vực ven biển và miền núi sẵn sàng phương án sơ tán người ở các khu cách ly, nơi được sơ tán đến phải chuẩn bị đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm, hóa chất khử trùng, khẩu trang y tế. Đối với lực lượng huy động để sơ tán các khu cách ly tập trung dịch Covid-19 phải lập danh sách chi tiết từng người..
Bình luận (0)