Sáng 4.7, bão số 2 đã đổ bộ vào đất liền gây ra gió cấp 5 - 6, gió giật cấp 7 - 8, từ Quảng Ninh đến Nam Định; riêng khu vực Hòn Dấu - Hải Phòng gió cấp 8 - 9, giật cấp 11, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Cầu sập, 5 người gặp nạn
Mưa lớn do bão số 2 gây ra đã làm sập cầu Yên Hòa tại xã Hải Hòa, H.Tĩnh Gia, Thanh Hóa, khiến 5 người gặp nạn khi đi qua cầu. Trong đó, 2 người chết là ông Nguyễn Như Thăng (46 tuổi) và bà Nguyễn Thị Tân (46 tuổi), cùng ngụ thôn Cao Bắc, xã Hải Thượng, H.Tĩnh Gia (Thanh Hóa), do rơi vào hố sụt đường dẫn cầu Yên Hòa. 3 người bị thương là ông Đặng Bá Hậu (53 tuổi, ngụ xã Hải Hà), ông Nguyễn Bá Khải (53 tuổi) và bà Nguyễn Thị Bảy (49 tuổi, cùng ngụ xã Nghi Sơn, H.Tĩnh Gia).
Cầu Yên Hòa dài 83 m, rộng 24 m, nằm trên tuyến đường huyết mạch của khu kinh tế Nghi Sơn nên sự cố đã khiến việc giao thông của khu kinh tế bị tê liệt. UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các đơn vị chức năng tổ chức khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất.
Do ảnh hưởng của bão số 2, trong ngày hôm qua các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình đã có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm, một số nơi như Tĩnh Gia (Thanh Hóa) lượng mưa 366 mm, Quỳnh Lưu (Nghệ An) 282 mm, Tây Hiếu (Nghệ An) 284 mm... Các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, khu vực đồng bằng Bắc bộ và đông Bắc bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 50 - 150 mm/24 giờ, có nơi trên 150 mm/24 giờ); vùng núi Bắc bộ có mưa to (lượng mưa phổ biến 50 - 100 mm/24 giờ, có nơi trên 150 mm/24 giờ).
Theo Trung tâm dự báo khí tượng và thủy văn T.Ư, sáng 5.7, các tỉnh Việt Bắc và Tây Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có giông (lượng mưa phổ biến 50 - 120 mm/24 giờ, có nơi trên 150 mm/24 giờ). Từ chiều 5.7 mưa giảm dần. Các sông suối ở Bắc bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ cao từ 2 - 3 m, trên thượng nguồn sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An) lũ lên từ 2 - 5 m. Đỉnh lũ trên các sông còn dưới báo động 1.
Nguy cơ còn lũ quét, sạt lở ở vùng núi
Dự báo, sau mưa bão vẫn còn nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng núi phía bắc, nhất là các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An. Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các địa phương sẵn sàng ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu vực dân cư có nguy cơ cao và các cung đường thường xuyên bị ngập sâu, sạt lở; tổ chức cắm biển cảnh báo, tuần tra, canh gác tại các ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập lụt, bị chia cắt.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Hải Phòng, địa phương này không có sự cố đáng tiếc nào về người và tài sản. Tuy nhiên, mưa bão đã làm một số cây to ở ven đường bị bật gốc, gãy cành. Do gió to, cầu - đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện (nối TP.Hải Phòng với H.Cát Hải) phải cấm xe qua lại đến 12 giờ ngày 4.7. Đến 15 giờ ngày 4.7, Hải Phòng đã ngớt mưa, các bến phà, đò vượt sông, biển ở Hải Phòng đã được hoạt động trở lại. Riêng các tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa và các hoạt động du lịch, vui chơi giải trí tại các khu vực biển đảo, ven sông phải dừng hoạt động đến 7 giờ ngày 5.7. Các tỉnh Nam Định và Thái Bình cũng không ghi nhận thiệt hại lớn sau bão số 2.
Tại Quảng Ninh, bão số 2 gây một số thiệt hại tại TX.Quảng Yên, làm 37 cây xanh bị gãy đổ, trong đó có 1 ô tô bị cây đổ làm hư hỏng nhẹ. Gió to cũng làm tốc mái 3 ngôi nhà tại xã Tiền Phong, TX.Quảng Yên... Chiều 4.7, Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh đã cấp lệnh xuất bến các tàu cao tốc ra đảo Cô Tô, Vân Đồn đưa 1.000 du khách mắc kẹt trở về đất liền. Các tàu du lịch tham quan vịnh Hạ Long được cấp phép hoạt động từ sáng nay, 5.7.
Bão số 2 cũng đã khiến 112 căn nhà ở Nghệ An bị ngập; 17 nhà ở Hòa Bình và 37 nhà ở Yên Bái bị tốc mái; 150 ha lúa và 210 ha hoa màu (Nghệ An) bị ngập; một số tuyến đường bị ngập, gây cản trở giao thông ở Hòa Bình.
Bình luận (0)