Đó là ý kiến lo ngại chung của lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư khi thảo luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai (PCTT) diễn ra chiều 15.8 tại Hà Nội, có sự chủ trì của Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.
Bão ảnh hưởng từ Hải Phòng đến Nghệ An
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), cho biết diễn biến cơn bão đang có chiều hướng phức tạp và cấp bão đang mạnh lên. Cho đến chiều 15.8, cơn bão được xác định có hướng di chuyển đi thẳng vào ven biển và đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Khi ở vị trí cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 370 km, gió bão đã mạnh cấp 9, giật cấp 11 và tiếp tục có xu hướng di chuyển với tốc độ nhanh hơn.
Theo ông Hoàng Đức Cường, bão có hướng đi phức tạp và vòng vèo nhất từ đầu mùa mưa bão năm nay. Khi vào vịnh Bắc bộ, gió bão duy trì ở cấp 8 càng gần bờ thì càng mạnh hơn. Trong sáng 17.8, bão đổ bộ vào đất liền sẽ ảnh hưởng từ Hải Phòng cho đến Nghệ An, trong đó vùng trọng tâm bão dự báo là khu vực Nam Định đến Thanh Hóa.
Cũng theo ông Cường, nguy hiểm và đáng lo ngại nhất hiện nay là mưa lớn sau bão ở các tỉnh Bắc bộ và bắc Trung bộ. Trong đó, trọng điểm mưa là khu vực đông bắc và đồng bằng Bắc bộ với tổng lượng mưa từ 15 - 17.8 phổ biến trong khoảng 250 - 300 mm. Còn tại Hà Nội, mưa lớn trong những ngày tới sẽ khiến khu vực nhiều xã tại H.Chương Mỹ (Hà Nội) nguy cơ tái ngập lụt.
Ông Lê Thanh Hải, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), lưu ý dù đã có cảnh báo tổng lượng mưa trong những ngày tới nhưng đây chỉ là lượng mưa phổ biến trung bình cả đợt, nhiều khu vực, địa hình xuất hiện mưa lớn hơn. “Đặc biệt khu vực vùng núi, trung du và đồng bằng Bắc bộ tổng lượng mưa có thể lên đến 300 - 400 mm, cá biệt có nơi có thể lên đến 500 - 600 mm”, ông Hải nói.
Chủ động cấm biển, kiểm soát phương tiện ra khơi
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT (Bộ NN-PTNT), thông tin qua các đợt mưa lũ vừa qua đã khiến hệ thống đê điều tại các tỉnh Bắc bộ và bắc Trung bộ xuất hiện 106 điểm xung yếu. Các địa phương phải cử người giám sát, theo dõi chặt chẽ và sẵn sàng vật tư để ứng phó khi có tình huống xảy ra. Theo ông Hoài, những vùng dự báo có mưa lớn trước đó đã trải qua nhiều đợt mưa, lũ lụt. Trong đó, trận mưa hoàn lưu bão số 4 tiếp tục làm gia tăng nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất, đặc biệt ở vùng núi. Còn tại vùng đô thị và đồng bằng sẽ có ngập úng. Với vùng núi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, chính quyền địa phương vận động di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn.
Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, nhấn mạnh bão số 4 diễn biến phức tạp, càng vào bờ càng mạnh hơn trong khi chỉ còn 2 ngày chuẩn bị ứng phó. Khu vực đổ bộ của bão đang vào mùa cao điểm du lịch, lượng tàu thuyền và khách du lịch rất lớn nếu không chủ động ứng phó thì khi bão vào không kịp trở tay. Ông chỉ đạo, đối với ven biển dứt khoát phải yêu cầu các tỉnh trong vùng trọng điểm bão phải ra lệnh cấm biển, kiểm soát chặt chẽ phương tiện ra khơi, lên phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch trong thời gian mưa bão.
“Mưa sau bão là rất lớn, cần đề phòng sạt lở đất, lũ quét nguy hiểm ở các tỉnh miền núi phía bắc và đồng bằng Bắc bộ, bắc Trung bộ, đây là những điểm nguy hiểm chết người, những nơi có nguy cơ phải sơ tán dân cưỡng bức”, ông Nguyễn Xuân Cường nói.
Quảng Ninh cấm hoạt động tàu du lịch
Trong ngày 15.8, Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh đã dừng cấp lệnh xuất bến cho tất cả các tàu du lịch nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long; yêu cầu hơn 400 tàu du lịch phải về nơi neo đậu an toàn trước 19 giờ cùng ngày. Địa phương này cũng phát loa kêu gọi khoảng 5.000 tàu thuyền đánh bắt hải sản trên vùng biển vào bờ tìm nơi tránh bão. Sáng cùng ngày, tại vùng biển H.Vân Đồn, Quảng Ninh, 3 ngư dân của một tàu đánh cá đang trên đường vào bờ tránh bão số 4 bị mắc cạn và hư hỏng đã được Bộ đội biên phòng Quảng Ninh cứu hộ.
Tại Hải Phòng, UBND TP cho biết hơn 42.000 người thuộc tất cả các lực lượng cùng hơn 1.000 chiếc xe các loại, trong đó có cả xe thiết giáp của quân đội đã sẵn sàng chống bão. Hải Phòng cũng chuẩn bị 264 tàu xuồng, gần 200 máy phát điện, 1.300 tấn lương thực...
Ghi nhận lúc 20 giờ ngày 15.8, trên địa bàn Quảng Ninh, Hải Phòng có mưa nhỏ, thời tiết xấu, tại các huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ, thời tiết bắt đầu chuyển xấu.
Đông Bắc
|
Bình luận (0)