Bảo vệ chủ quyền trên biển - Kỳ 2: Giữ Trường Sa

11/07/2020 18:00 GMT+7

'Chúng tôi xác định, nếu bị tấn công sẽ đánh trả bằng mọi vũ khí được trang bị trên tàu, để bảo vệ chủ quyền trên biển'

Đại tá Cao Ánh Đăng, nguyên lữ đoàn trưởng 146, Vùng 4 Hải quân cười: “Những năm 1970-1980, tàu nước ngoài nói chung, tàu Trung Quốc nói riêng xuất hiện liên tục quanh các đảo, bãi đá của ta ngoài Trường Sa. Đẩy đuổi miết nhưng không xuể!”.

Cảnh giác cao độ

Lịch sử lữ đoàn 146, vùng 4 hải quân ghi lại: Từ tháng 3.1978, trên khu vực quần đảo Trường Sa thường xuyên xuất hiện máy bay và tàu thuyền của một số nước xâm phạm và tiến hành trinh sát các đảo của ta. Tình hình ngày càng có nhiều phức tạp, khi Philippines đóng giữ đảo Panata và bổ sung lực lượng trên các đảo đã chiếm đóng, tăng cường hoạt động trinh sát trên các đảo của ta. Ngoài ra, còn có tàu thuyền giả dạng đánh cá của Malaysia, Hồng Kông, Trung Quốc, xuất hiện ở vùng Đá Đông, Phan Vinh, Thuyền Chài. Có cả sự xuất hiện của các máy bay trinh sát nước ngoài.
Trước tình hình phức tạp trên biển, năm 1987, BTL BĐBP đã xây dựng phương hướng hải quân biên phòng. Đề án đã đề xuất: Trang bị tàu xuồng công suất từ 30CV trở nên cho các đồn bờ biển, trạm kiểm soát cửa sông; BĐBP các tỉnh biển, đồn hải đảo có tàu thuyền từ 60 - 300CV; trang bị cho các lữ đoàn BP các loại tàu tuần tiễu cao tốc và các tàu dầu, vận tải, lai kéo có công suất máy từ 150 - 2.000CV...
Tình hình này kéo dài đến năm 1985 và đại tá Phạm Công Phán, nguyên Lữ đoàn trưởng 146 (thời kỳ 1982 - 1987), hiện đang nghỉ hưu tại H.Đông Hưng (Thái Bình) thuật lại: Trước tình hình đó, quân chủng hải quân đã yêu cầu tập trung mọi nỗ lực cao nhất của toàn quân chủng vào việc chuẩn bị chiến đấu, bảo vệ vững chắc vùng biển, hải đảo của Tổ quốc. Cùng với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, ta cũng khẩn trương tổ chức lực lượng ra đóng giữ các đảo mới theo kế hoạch.
Tàu vận tải quân sự của hải quân Việt Nam vừa chở vật liệu xây dựng củng cố đảo, vừa trực bảo vệ chủ quyền vùng biển Trường Sa, tháng 5.1988; hình: Nguyễn Viết Thái

Tàu quân sự của hải quân Việt Nam trực bảo vệ chủ quyền vùng biển Trường Sa, tháng 5.1988

ẢNH: NGUYỄN VIẾT THÁI

Đại tá Phán nhớ lại: “Chủ trương của ta là tăng cường tổ chức lực lượng, cụm lực lượng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo Trường Sa, hết sức tránh khiêu khích mắc mưu, không để địch lấy cớ gây xung đột trên biển và trên các đảo, nhưng nếu địch tấn công thì ta kiên quyết tiêu diệt”.

Tàu vận tải đối đầu tàu chiến

Ngay từ đầu năm 1987, phía Trung Quốc đã tập trận ở Trường Sa. Giữa tháng 10 và 11, Trung Quốc cho tàu Hải Dương 4 và nhiều tàu chiến liên tục đi qua đảo An Bang, Thuyền Chài, Trường Sa Đông, Trường Sa, Song Tử Tây… có lúc đi sát đảo ta chỉ khoảng 1 hải lý.
Đại tá Cao Ánh Đăng (phải), nguyên lữ đoàn trưởng 146, nguyên phó tư lệnh vùng 4 hải quân ôn lại lại những ngày bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Trường Sa cùng đồng đội cũ; hình: Mai Thanh Hải

Đại tá Cao Ánh Đăng (phải), nguyên lữ đoàn trưởng 146, nguyên phó tư lệnh vùng 4 hải quân ôn lại lại những ngày bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Trường Sa cùng đồng đội cũ

MAI THANH HẢI

Kể lại chuyện đối phó với tàu Trung Quốc thời kỳ này, đại tá Cao Ánh Đăng (khi đó đã giữ chức vụ Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) trầm ngâm: “Tàu của ta ngoài ấy toàn loại nhỏ, cũ nát. Tuy nhiên, khi có tình huống chủ quyền bị xâm phạm, tàu ta sẵn sàng áp mạn ngăn cản và thường là họ vòng tránh ngay ra xa, chỉ quay pháo và lên loa líu lo đe dọa!”.
...”6 tháng đầu năm 1989, tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm vùng biển nước ta từ Quảng Ninh đến Quảng Nam – Đà Nẵng, trung bình từ 50 – 70 lượt/ngày, trong đó có 3163 lượt/chiếc xâm phạm sâu vào vùng nội thủy của ta, cách bờ từ 2 – 10km. Tập trung tại các khu vực núi Ngọc, Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ, Long Châu (TP. Hải Phòng), Hòn Mê (Thanh Hóa), Cồn Cỏ (Bình Trị Thiên) và cao điểm vào tháng 2 đến tháng 4. So với đầu năm 1988, số lượng tàu Trung Quốc xâm phạm nội thủy ta tăng 267 lượt/chiếc”...
(Thông báo số 31/TB, ngày 31.7.1989, BTLBĐBP)
Cựu chiến binh Phạm Quốc Toàn (sinh năm 1964, nguyên chiến sĩ đảo Trường Sa thời điểm 1982 - 1985, hiện đang công tác tại TP. Đông Hà, Quảng Trị) rành rọt: “Có khi họ ở ngoài xa, thả khinh khí cầu bay vào đảo ta để quay phim, chụp hình" và thẳng thắn: “Chúng tôi được lệnh: Máy bay, vật thể bay lạ lượn vòng thứ 2, tàu xuồng nước ngoài cách đảo 5 hải lý là bắn cảnh cáo xua đuổi và có phương án chiến đấu cụ thể”…

Bè tre cũng phải kéo đi

Ông Đinh Xuân Bình (73 tuổi, trú ở P.Hàng Kênh, Q.Lê Chân, TP.Hải Phòng) nguyên là thiếu tá, trợ lý tuyên truyền đặc biệt thuộc cục Tuyên truyền đặc biệt (nay là cục Dân vận, Tổng cục Chính trị QĐNDVN) đã có gần 3 tháng giữ đảo Trường Sa năm 1988.
Đại tá Cao Ánh Đăng (trái) và đại tá Phạm Công Phán (phải) trong dịp hội ngộ những cán bộ chiến sĩ đoàn Trường Sa, 2018 tại Cam Ranh, Khánh Hòa; hình: Mai Thanh Hải

Đại tá Cao Ánh Đăng (trái) và đại tá Phạm Công Phán (phải) trong dịp hội ngộ những cán bộ chiến sĩ đoàn Trường Sa, 2018 tại Cam Ranh, Khánh Hòa

ẢNH: MAI THANH HẢI

Sau sự kiện 14.3.1988 ở Trường Sa, ông Bình cùng 2 đồng đội ở cục được cử vào Cam Ranh (Khánh Hòa), lên tàu HQ-513 ra Trường Sa. Nhiệm vụ của tổ công tác là nghe dịch tiếng Trung Quốc và dùng tiếng Trung để đấu tranh trực tiếp, khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Trường Sa, nên các ông phải di chuyển liên tục giữa các đảo và có mặt trên các tàu tuần tra, nắm tình hình các bãi cạn, vùng biển.
 Ông Đinh Xuân Bình và tấm hình chụp trên đảo Len Đao, cuối năm 1988; Mai Thanh Hải.

Ông Đinh Xuân Bình và tấm hình chụp trên đảo Len Đao, cuối năm 1988

ẢNH: MAI THANH HẢI

Nhật ký của cựu chiến binh Đinh Xuân Bình ghi chi tiết những lần đối mặt với tàu chiến tuần Trung Quốc khi đi tuần tra. Có lẽ, đó là những ngày sinh tử cận kề của người lính Trường Sa khi chỉ có thuyền bé, vũ khí đơn sơ phải đối diện với súng đạn quân thù giữa sóng to gió lớn.
Ngày 13.5.1988, tàu HQ-613 chở đoàn Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN và văn công đến đảo Len Đao, đã bị tàu 699 Trung Quốc đến gần phát loa xua đuổi vì cho rằng “vi phạm chủ quyền”; ngày 20.5.1988, tàu ông Bình đi trinh sát ở bãi cạn Ba Đầu, phát hiện phía Trung Quốc đang đặt phao nổi (là những đoạn tre buộc một tấm tôn nổi trên mặt nước) nhằm khẳng định chủ quyền trái phép.
Phao nổi do Trung Quốc thả trên bãi cạn Ba Đầu, đang được tàu hải quân Việt Nam kéo ra khỏi bãi cạn, ngày 20.5.1988; hình: Đinh Xuân Bình.

Phao nổi do Trung Quốc thả trên bãi cạn Ba Đầu, đang được tàu hải quân Việt Nam kéo ra khỏi bãi cạn, ngày 20.5.1988

ẢNH: ĐINH XUÂN BÌNH

“Chúng tôi dự đoán họ gài mìn ở phao, kéo ra có thể phát nổ, rất nguy hiểm. Thế nhưng dù là bãi cạn không người, đó cũng là chủ quyền của mình nên anh em quyết tâm bơi vào, móc dây và và chạy tàu ra xa kéo phao khỏi bãi cạn. Vừa ra khỏi mép xanh Ba Đầu thì 2 tàu Trung Quốc chạy đến ép sát ngăn cản, quay nòng pháo chĩa thẳng vào tàu đe dọa. 2 bên nhìn rõ mặt nhau. Tôi chạy lên đài chỉ huy, phát loa nói trực tiếp bằng tiếng Trung khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Đôi co 1 lúc, tàu họ giãn ra, bỏ đi”, ông Bình kể lại.
Tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam (phải) ngăn cản tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, năm 2014; Mai Thanh Hải.

Tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam (phải) ngăn cản tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, năm 2014

MAI THANH HẢI

Ngày 30.5.1988, tàu ông Bình đi trinh sát đảo Huy Gơ, phát hiện phía Trung Quốc xây nhà cao chân. Thấy tàu Việt Nam đến gần, tàu Đông Tiêu 283 Trung Quốc trực cạnh Huy Gơ điên cuồng xua đuổi và phát loa đe dọa nổ súng. Toàn tàu nhận lệnh sẵn sàng chiến đấu. Thấy bộ đội ta cương quyết, tàu Đông Tiêu 283 Trung Quốc đã bỏ đi.
“Đối đầu với tàu Trung Quốc, chúng ta phải hết sức giữ bình tĩnh, tránh để xảy ra hành động gây hấn và không được nổ súng trước”, ông Bình đúc rút lại vậy và lý giải: “Tàu chúng ta chủ yếu là tàu vận tải, vừa cũ kỹ vừa không có hỏa lực mạnh. Trong khi tàu Trung Quốc toàn là tàu chiến đấu, trang bị pháo hạm và cơ động rất nhanh. Thế nhưng chúng tôi xác định, nếu bị tấn công sẽ đánh trả bằng mọi vũ khí được trang bị trên tàu, để bảo vệ chủ quyền trên biển”. (còn nữa)
...“Năm 1993, Trung Quốc thường xuyên duy trì 3 – 4 tàu quân sự hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa, ráo riết xây dựng các công trình, bến cảng, sân bay, dịch vụ ở khu vực này. Phía Trung Quốc cũng tiến hành các hoạt động thăm dò địa chất ở đảo Cồn Cỏ, bãi cạn Tư Chính, đặt các giàn khoan khảo sát kinh tuyến 108 độ E. Tàu đánh cá của Trung Quốc thường xuyên xâm phạm chủ quyền Việt Nam để đánh bắt hải sản. Khu vực xâm phạm chủ yếu trong vịnh Bắc Bộ, dọc ven biển miền Trung và khu vực thềm lục địa, bãi cạn Tư Chính, Huyền Trân, Quế Đường... Phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, trắng trợn và liều lĩnh. Các tàu cá Trung Quốc có trọng tải, công suất lớn từ 50 - 200 tấn, 135 - 450CV. Cao điểm, có ngày phát hiện lên tới hàng trăm lượt/chiếc xâm phạm.
Năm 1993, riêng BĐBP phát hiện 5.000 lượt/chiếc tàu cá Trung Quốc xâm phạm và bắt 28 vụ (trong đó có 71 tàu và 740 người Trung Quốc)”...
(Báo cáo ngày 20.10.1993, BTLBĐBP)
...”Từ tháng 3.1994, nước ngoài tăng cường lực lượng tàu xuống hoạt động trinh sát tất cả các nhà giàn của ta ở DK1 và cho tàu nghiên cứu hoạt động thăm dò trái phép ở lô 06 và khu vực mỏ Thanh Long. Ngày 18.4.1994, công ty Creston (Mỹ) tuyên bố sẽ thực hiện hợp đồng với Trung Quốc về nghiên cứu, thăm dò khu vực biển mà họ gọi là “Vạn An Bắc - 21” (bãi ngầm Tư Chính của Việt Nam). Quân chủng hải quân khẩn trương thực hiện kế hoạch đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Chấp hành lệnh trên, lữ đoàn đã điều các tàu vận tải đang hoạt động ở Trường Sa và trực DK1 nhanh chóng đến khu vực làm nhiệm vụ được phân công và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được trên khen thưởng”...
(Lịch sử lữ đoàn 125 hải quân)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.