Hôm qua 1.8, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an đã tiến hành bắt giữ và khám xét nơi ở của ông Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch HĐQT Sacombank) và ông Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) để điều tra hành vi cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
tin liên quan
Bắt giữ ông Trầm Bê vì gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồngCục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank.
Cùng bị khởi tố với ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang còn 23 bị can khác, trong đó 16 người bị bắt tạm giam (bao gồm Trầm Bê, Phan Huy Khang), do liên quan vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) và Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB.
|
Khoảng 15 giờ cùng ngày, C46 đã đến nhà ông Trầm Bê tại đường Hồng Bàng (P.6, Q.6) và đường An Dương Vương (P.An Lạc A, Q.Bình Tân, TP.HCM) để tiến hành khám xét.
Tại căn nhà của ông Trầm Bê trên đường An Dương Vương, cánh cổng sắt chỉ được kéo ra vừa đủ để xe của cơ quan công an chạy vào trong sân là lập tức được đóng lại.
|
|
Khoảng 15 giờ 30, một mũi khác của C46 có mặt tại nhà ông Phan Huy Khang ở xã Phước Kiển, H.Nhà Bè (TP.HCM) để khám xét. Việc khám xét nhà hai bị can này kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ. Các cán bộ điều tra đã lập biên bản, thu giữ một số tài liệu phục vụ công tác điều tra.
Cho vay chớp nhoáng
Theo hồ sơ, ngày 19.4.2013, ông Trầm Bê đã gặp Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) và Phạm Thành Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn (đều là cấp dưới của ông Danh) tại số 266 - 268 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.8, Q.3 (TP.HCM) để bàn việc vay tiền. Ông Trầm Bê biết với tư cách Chủ tịch HĐQT Danh không thể vay tiền tại VNCB nên đồng ý cho Danh vay 1.800 tỉ đồng với tài sản bảo đảm là tiền gửi của VNCB tại Sacombank.
Sau cuộc gặp, ông Bê dẫn ông Danh sang phòng ông Phan Huy Khang và chỉ đạo ông Khang cho ông Danh vay tiền. Ông Danh đưa Mai, Khương, Viễn vào gặp ông Khang để giới thiệu sẽ thay ông Danh làm thủ tục vay tiền ở Sacombank.
Sau cuộc “đàm phán” thành công, ông Danh quay về họp và phân công cấp dưới làm hồ sơ vay khống, báo cáo tài chính năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 khống của 6 công ty để nộp cho Sacombank nhằm vay tiền. 6 công ty đứng tên vay tiền đều là công ty sân sau của ông Danh.
Hợp thức hóa hồ sơ khống
Để hợp thức hóa hồ sơ vay, có bảo lãnh của VNCB, ngày 24.4.2013, Khương lập biên bản họp HĐQT VNCB, với nội dung HĐQT VNCB phê duyệt việc dùng tài sản là số dư tiền gửi thanh toán của VNCB tại Sacombank, chi nhánh Q.8 là 1.236 tỉ đồng và Hưng Đạo là 618 tỉ đồng để đảm bảo 6 khoản vay cho công ty sân sau của ông Danh. Sau đó, biên bản họp đưa ông Danh ký nộp cho Sacombank.
|
Ngày 25.4.2013, ông Danh ký mở tài khoản của VNCB tại Sacombank chi nhánh Hưng Đạo và một số tài khoản đứng tên cấp dưới của ông Danh. Trong ngày này, ông Trầm Bê cũng ký phê duyệt 2 tờ trình chấp thuận chủ trương cấp tín dụng cho các công ty ông Danh vay tiền. Điều đáng nói, ông Trầm Bê đồng ý cho giải ngân trước, khách hàng bổ sung chứng từ sử dụng vốn đầy đủ sau khi giải ngân (!). Sau đó, 2 tờ trình này của Sacombank được hợp thức hóa bằng 2 tờ trình ngày 24.4.2013 để đối phó với cơ quan công an.
Ảnh: Đào Ngọc Thạch - Đồ Họa: Văn Năm
|
Theo Cơ quan điều tra, việc Sacombank quyết định cho vay và VNCB chưa thực hiện bảo đảm tiền vay đúng quy định về bảo lãnh là thực hiện chưa đầy đủ điều kiện cho vay theo quy định. Việc Sacombank chi nhánh Q.8 và chi nhánh Hưng Đạo lập các báo cáo kiểm tra, giám sát vốn vay với nội dung khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, hoạt động kinh doanh bình thường khi chưa có đủ căn cứ cũng là thực hiện chưa đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của các tổ chức tín dụng theo luật của các tổ chức tín dụng.
tin liên quan
Trầm Bê: Cú ngã ngựa của đại gia 'tay ngang'Sinh ra trong gia đình nghèo, khởi nghiệp từ buôn gỗ, phất lên nhờ bất động sản, nhưng cuối đời, ông Trầm Bê lại ngã ngựa khi cố dấn thân vào giới tài phiệt ngân hàng - lĩnh vực ông chỉ được xem như kẻ tay ngang.
Hiện C46 đang tiến hành điều tra hành vi của những người liên quan trong vụ án.
Hoạt động tại Sacombank vẫn diễn ra bình thường
Chiều 1.8, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, khẳng định sự việc ông Trầm Bê và ông Khang bị bắt không ảnh hưởng đến Sacombank.
Sacombank đã thu hồi vốn và lãi từ 6 công ty liên quan đến ông Phạm Công Danh từ tháng 4.2014. Đồng thời ông Trầm Bê không còn đảm nhiệm bất cứ chức vụ quản trị, điều hành nào tại Sacombank từ ngày 23.2.2017, còn ông Phan Huy Khang là từ ngày 3.7.2017.
Về các khoản vay của ông Trầm Bê và các công ty có liên quan tại Sacombank, ông Minh cho hay các khoản nợ của ông Trầm Bê liên quan đến bất động sản khoảng 33.000 tỉ đồng, còn chứng khoán khoảng 10.000 tỉ đồng. Những khoản nợ này đều có tài sản đảm bảo và có giá trị đảm bảo được các khoản nợ. Dự kiến ngân hàng thu hồi vốn, một phần lãi và mất khoảng 3 năm để xử lý; từ nay đến cuối năm, Sacombank sẽ xử lý khoảng 20.000 tỉ đồng.
Cùng ngày, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho hay hoạt động kinh doanh tại Sacombank vẫn diễn ra bình thường, số tiền gửi của khách hàng vẫn tăng lên. Mặc dù đang trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu nhưng Sacombank vẫn thực hiện hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, tiểu thương; có lợi nhuận và đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động.
Thanh Xuân
|
Bình luận (0)