Bất ngờ trong vụ tai nạn giao thông chết người

04/08/2020 07:31 GMT+7

TAND Q.5 (TP.HCM) trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án 'vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ' đối với bị cáo Nguyễn Văn Đạt trong vụ tai nạn giao thông chết người có nhiều tình tiết gây tranh luận.

Tháng 7 vừa qua, TAND Q.5 (TP.HCM) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” đối với bị cáo Nguyễn Văn Đạt (65 tuổi). Vụ án này có nhiều tình tiết gây tranh luận.
Theo HĐXX, vụ án còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo, người bị hại; vụ án xét xử khách quan, toàn diện, cần trả hồ sơ, yêu cầu Viện KSND (VKS) Q.5 tiếp tục điều tra bổ sung, làm rõ.

Tranh cãi về người gây ra lỗi

Theo cáo trạng, khoảng 6 giờ 5 phút ngày 5.3.2018, bị cáo Nguyễn Văn Đạt lái ô tô khách 29 chỗ lưu thông trên đường Võ Văn Kiệt, hướng từ Cao Văn Lầu (Q.6) về đường Nguyễn Tri Phương (Q.5).
Khi Đạt lái xe đến giao lộ Võ Văn Kiệt - Hải Thượng Lãn Ông thì xe máy của Cao Trường Sơn đang lưu thông cùng chiều bên phải xe của Đạt chuyển hướng rẽ trái vào đường Hải Thượng Lãn Ông, ngay trước đầu xe do Đạt điều khiển.
Cáo trạng nêu, do Đạt lái xe với tốc độ quá nhanh, nên đã bẻ tay lái sang bên trái hướng về đường Hải Thượng Lãn Ông, khiến xe va chạm vào xe của Cao Trường Sơn và tiếp tục va chạm vào xe máy do Nguyễn Đức Trịnh đang điều khiển chở phía sau 2 người, đang đi từ đường Hải Thượng Lãn Ông chuyển hướng rẽ trái ra đường Võ Văn Kiệt. Vụ tai nạn làm một nạn nhân ngồi trên xe máy của ông Trịnh chở tử vong là bà Lê Thị Bông.
Tuy nhiên, xuyên suốt quá trình điều tra, ông Đạt kêu oan, cho rằng lỗi trực tiếp gây ra tai nạn dẫn đến chết người là do Cao Trường Sơn. Bởi camera ghi nhận tại hiện trường thể hiện thời điểm xảy ra tai nạn, đèn tín hiệu giao thông trên đường Võ Văn Kiệt giao với Hải Thượng Lãn Ông, báo hiệu đèn đỏ, cấm rẽ trái về hướng Hải Thượng Lãn Ông, nhưng báo hiệu đèn xanh cho phép các phương tiện giao thông được chạy thẳng. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, camera giao thông đã ghi nhận khi xe ông Đạt đang chạy thẳng thì xe máy của ông Cao Trường Sơn đột ngột rẽ trái (dù đang đèn đỏ, cấm rẽ).
Theo ông Đạt, hành vi Sơn bất ngờ rẽ trái dẫn đến việc ông phải đánh tay lái sang trái nhằm tránh gây tai nạn theo phản xạ tự nhiên. Tuy nhiên, việc đánh lái bất ngờ cũng dẫn đến hậu quả mà ông không thể lường trước được và đụng vào xe máy của Nguyễn Đức Trịnh đang chở 2 người khác (trong đó có nạn nhân tử vong - PV).
Ngoài ra, ông Đạt cũng trình bày, thời điểm xảy ra tai nạn, ông Trịnh có lỗi gián tiếp khi đi xe máy chở 3, vượt quá số người theo quy định; có hành vi không chấp hành tín hiệu giao thông, vượt đèn đỏ, rẽ trái. Vì vậy, ông Đạt và luật sư bào chữa cho rằng lỗi gây tai nạn là lỗi trực tiếp của ông Sơn, lỗi gián tiếp của người đang chở nạn nhân; đồng thời, hành vi rẽ trái, vượt đèn đỏ của ông Sơn và ông Trịnh là hành vi vi phạm pháp luật và là “sự kiện bất ngờ” đối với ông Đạt, vì vậy không thể truy cứu trách nhiệm hình sự ông Đạt.

Thay đổi bị can khi điều tra

Khi vụ án xảy ra, Cơ quan CSĐT Công an Q.5 đã khởi tố bị can đối với Cao Trường Sơn. Tuy nhiên, VKS Q.5 từ chối phê chuẩn quyết định khởi tố bị can. Theo VKS Q.5, sau 4 lần họp liên ngành giữa CQĐT - VKS - TAND Q.5, đã đi đến thống nhất: Nguyễn Văn Đạt lái xe đúng phần đường và tốc độ cho phép, theo giám định là khoảng 55,21 - 58,46 km/giờ, trong khi tốc độ cho phép là 60 km/giờ.
Tuy nhiên, qua camera và biên bản khám nghiệm hiện trường cho thấy, khi đèn tín hiệu giao thông bật xanh thuộc làn xe do Đạt điều khiển, thì xe của Cao Trường Sơn đã đậu nơi dành cho xe mô tô rẽ trái và Sơn đã cho xe xi nhan rẽ trái. Vì vậy, khi đang lái xe ô tô - là nguồn nguy hiểm cao độ - Đạt phải quan sát và cho xe giảm tốc độ để xử lý như có xe rẽ trái trước mặt xe Đạt và giữ khoảng cách an toàn cho các xe đi xung quanh. Việc Đạt cho xe va chạm vào xe của Cao Trường Sơn không thuộc trường hợp sự kiện bất ngờ.
Mặt khác, theo VKS Q.5, điểm đụng xe của Đạt và xe của Nguyễn Đức Trịnh là tại làn được dành cho xe hướng đi ngược lại của xe Đạt điều khiển. Trường hợp này Đạt điều khiển xe đi không đúng làn đường dẫn đến gây tai nạn, vi phạm khoản 1 điều 9 luật Giao thông đường bộ; đủ căn cứ xử lý về tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Còn đối với Cao Trường Sơn, VKS Q.5 cho rằng Sơn lái xe rẽ trái không chấp hành đèn báo hiệu, làm cho xe ô tô của Đạt đang điều khiển không phản xạ kịp, bẻ tay lái về phía bên trái va chạm vào xe Sơn và tiếp tục va chạm vào xe của ông Trịnh. Hành vi của Sơn vi phạm vào điều 11 của luật Giao thông đường bộ, nhưng hành vi của Sơn không phải là nguyên nhân gây tai nạn làm bà Bông tử vong nên chưa đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cần làm rõ nhiều tình tiết

Theo luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM), muốn biết tình huống Cao Trường Sơn rẽ trái có phải là sự kiện bất ngờ đối với ông Đạt hay không, thì cần làm rõ vị trí nơi xe Cao Trường Sơn đang đứng và làm rõ khoảng thời gian mà xe của Cao Trường Sơn dừng và tạt đầu xe, va chạm với xe của ông Đạt là bao lâu.
“Nếu việc dừng xe và rẽ trái ngay tức thì, đây là lỗi hoàn toàn do Cao Trường Sơn; đồng thời sẽ là sự kiện bất ngờ đối với bị cáo Đạt; còn trường hợp từ thời điểm ông Sơn dừng xe, có xi nhan rẽ trái (dù rẽ trái sai) có một khoảng thời gian nhất định thì ông Đạt cũng có một phần lỗi khi quá tự tin, và thiếu quan sát dẫn đến hậu quả có người chết. Khi xác định ông Đạt có lỗi thì HĐXX có thể dựa vào lỗi nhiều bên, việc ông Đạt lớn tuổi... để có mức án phù hợp”, luật sư Hoan phân tích. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.