Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ (ĐB Bắc Kạn) bày tỏ quan điểm trên khi phát biểu thảo luận về dự luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) tại nghị trường sáng nay, 31.5.
Trước đó, nội dung báo cáo giải trình tiếp thu dự Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, có ý kiến đề nghị, đối với thiệt hại về tinh thần quy định tại Điều 27 thì Nhà nước bồi thường, đồng thời tiến hành cải chính, xin lỗi công khai người bị oan mà không cần có yêu cầu của họ.
Tuy nhiên, UBTVQH viện dẫn khoản 5 Điều 34 bộ luật Dân sự (Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó, còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại) và cho rằng, việc xin lỗi, cải chính công khai luôn gắn với quyền yêu cầu của người bị thiệt hại. Do đó, theo UBTVQH, nếu quy định cơ quan nhà nước chủ động xin lỗi, cải chính công khai mà không cần yêu cầu từ phía người bị oan sẽ làm ảnh hưởng đến quyền tự định đoạt về quyền nhân thân của người bị oan.
ĐB Nguyễn Thị Thuỷ lại cho rằng, việc viện dẫn Điều 34 kể trên của bộ luật Dân sự là chưa phù hợp. “Ở đây không phải là cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự mà cá nhân đã bị cơ quan tố tụng làm oan trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, phục hồi danh dự cho người bị oan phải là trách nhiệm công vụ, chứ không phải quan hệ dân sự”, ĐB này phân tích.
tin liên quan
Bố đi tù oan, con có được bồi thường tinh thần?Đây là vấn đề được tranh luận tại phiên họp UBTVQH cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) vào sáng 21.4.
Cũng theo ĐB Thuỷ, biện pháp tố tụng hình sự rất nghiêm khắc, nếu áp dụng sai thì hậu quả để lại cho người bị oan là rất nghiêm trọng. Dẫn quy định của luật hiện hành về việc bắt người phải có sự chứng kiến của chính quyền địa phương, hàng xóm hoặc cơ quan nơi công tác, đi kèm các hành động khám người, còng tay, áp giải trước sự chứng kiến của đông đảo xóm giềng, gia đình, vợ con, đồng nghiệp, bà Thủy đề nghị phải "hết sức cân nhắc" quy định người bị oan buộc phải có đơn yêu cầu thì Nhà nước mới công khai xin lỗi.
"Hơn ai hết, trước khi được Nhà nước bồi thường về vật chất, người bị oan mong Nhà nước tổ chức xin lỗi công khai và phục hồi danh dự cho họ, để họ trở thành người bình thường trong xã hội và đã không phải chịu ánh mắt canh chừng của xã hội”, ĐB Thuỷ nhấn mạnh.
Ủng hộ quan điểm trên, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, khi có án oan, người bị oan, thì việc xin lỗi công khai với người bị oan thể hiện sự “văn minh, lịch sự”. “Việc xin lỗi công khai để phục hồi danh dự cho họ cần được chủ động thực hiện, thay vì phải có đơn yêu cầu của họ”, ĐB Nhưỡng bày tỏ.
Bình luận (0)