Chiều 16.3, ông Lê Thọ Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), cho biết đến 17 giờ 30 cùng ngày, tổng cộng đã có gần 7 tấn cá nuôi lồng bè của người dân huyện Thọ Xuân nuôi dọc theo sông Chu chết bất thường. Trong đó, tại xã Xuân Thiên là 4 tấn, xã Thọ Lâm hơn 2 tấn.
Theo ông Cường, bắt đầu từ khoảng 2 giờ sáng 16.3, những hộ nuôi cá lồng bè dọc theo sông Chu, thuộc địa phận xã Xuân Thiên và Thọ Lâm (huyện Thọ Xuân) phát hiện cá trắm nuôi trong các lồng bè có biểu hiện bất thường. Có liên tục vùng vẫy trong lồng, sau đó, ngửa bụng chết hàng loạt.
|
Những người nuôi cá nhanh chóng tìm cách vớt cá ra ngoài lồng bè, đắp bờ thành các ô nhỏ ven bờ sông để cho cá dễ thở, nhưng cũng không cứu vãn được tình hình. Cá cứ tiếp tục lăn ra chết. Loại cá chủ yếu người dân nuôi ở đây là cá trắm, có cân nặng từ 1,5 - 2,5 kg/con.
Không chỉ cá nuôi lồng, các loại cá, tôm… tự nhiên trên sông Chu, đoạn chảy qua các xã Xuân Thiên và Thọ Lâm cũng chết nổi trên sông khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (hộ nuôi cá lồng ở thôn Quảng Ích, xã Xuân Thiên), cho biết chưa bao giờ có hiện tượng cá lồng chết hàng loạt và diễn ra nhanh chóng như lần này.
“Chúng tôi ở đây đã nhiều năm, sống bằng nghề nuôi cá lồng. Mùa này, nước sông Chu rất trong, sạch, nhưng không hiểu vì sao từ rạng sáng 16.3 cho đến trưa cùng ngày, màu nước không thay đổi mấy, nhưng có mùi lạ thường, nhiều đoạn bọt nổi trắng xóa. Tôi nghĩ vì nguồn nước bị ô nhiễm hóa chất gì đó mới khiến cá chết nhanh đến vậy”, anh Tuấn nói.
|
Hiện tượng cá nuôi và cá tự nhiên trên sông Chu chết bất thường không chỉ diễn ra trên địa bàn xã Xuân Thiên và Thọ Lâm, các xã phía thượng lưu sông Chu như Xuân Bái, thị trấn Lam Sơn (huyện Thọ Xuân) cũng đã có hiện tượng cá chết.
Ngày 16.3, Công an huyện Thọ Xuân, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Thanh Hóa và các ngành chức năng đã lấy mẫu nước, mẫu cá đưa đi xét nghiệm; đồng thời, điều tra nguồn xả thải đã gây ô nhiễm nguồn nước khiến cá chết.
Bình luận (0)