Ngày 28.7, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất khóa XV. Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị quyết chung cả kỳ họp lần này là Quốc hội bổ sung nội dung về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong đó trao thêm quyền cho Chính phủ để tăng cường chống dịch.
Chính phủ được áp dụng biện pháp khẩn cấp chống dịch
Quốc hội (QH) quyết nghị giao Chính phủ, Thủ tướng quyết định áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định tại một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; áp dụng biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.
QH đồng ý cho Chính phủ, Thủ tướng quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành, để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19 về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế, để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh; và có giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong hoạt động này.
QH cũng chấp thuận đề xuất của Chính phủ cho phép thực hiện chuyển nguồn 1.237 tỉ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vắc xin phòng dịch Covid-19 và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021. Bên cạnh đó, Chính phủ được ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch; quyết định chuyển nguồn kinh phí chi thường xuyên trong dự toán đã được duyệt cho công tác phòng, chống dịch; thay đổi, điều chỉnh nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đối với các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết để chi cho công tác phòng, chống dịch. Trong trường hợp cấp thiết, ngân sách T.Ư hỗ trợ cho ngân sách địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của QH, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH thì Chính phủ báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định trước khi thực hiện.
Ngoài các nội dung nêu trên, trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật thì trong thời gian QH không họp, Chính phủ báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện. Các biện pháp nêu trên được QH đồng ý cho Chính phủ, Thủ tướng thực hiện cho đến hết 31.12.2022.
Tránh đầu tư dàn trải
Cùng ngày, QH đã bỏ phiếu thông qua các nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025; nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2019.
Đánh giá việc thực hiện vay, trả nợ công 5 năm qua là tích cực, song trong báo cáo giải trình, UBTVQH cho rằng việc sử dụng vốn vay còn nhiều hạn chế, tiến độ giải ngân chậm, hiệu quả chưa cao. Vấn đề này cần kiên quyết khắc phục để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn vay, đặc biệt là nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, gắn với hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Mục tiêu trước hết, trên hết là bảo vệ sức khỏe nhân dânPhát biểu bế mạc kỳ họp thứ nhất, QH khóa XV chiều 28.7, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết, đây là kỳ họp có nhiều nội dung rất quan trọng, diễn ra trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh tại TP.HCM cùng một số tỉnh phía nam và có nguy cơ lan rộng.
Trước tình hình đó, QH đã rút ngắn thời gian kỳ họp 8 ngày so với dự kiến và chủ động đề xuất, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trình QH bổ sung vào Nghị quyết chung của kỳ họp những biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, nhằm tạo cơ sở pháp lý, tăng tính chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng và các địa phương trong phòng, chống dịch, kể cả khi tình huống dịch bệnh phức tạp hơn có thể phát sinh trong thời gian tới.
“Điều đó cho thấy QH, các vị đại biểu QH đã lắng nghe hơi thở của cuộc sống, bám sát yêu cầu thực tiễn, hành động nhanh nhạy, kịp thời, chia sẻ, sát cánh, đồng hành cùng cả hệ thống chính trị, Chính phủ và các cơ quan hữu quan vì mục tiêu trước hết và trên hết là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân”, ông Huệ nhấn mạnh và khẳng định kỳ họp thứ nhất QH khóa XV đã kết thúc rất tốt đẹp, là khởi đầu tốt đẹp cho nhiệm kỳ mới.
Chiều 28.7, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, về danh sách Phó chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Theo đó, ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ, là Phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Các ủy viên gồm: Ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội; ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; ông Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Lê Hiệp
|
UBTVQH đồng tình với ý kiến việc trần nợ công giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn nhiều so với giai đoạn trước, và chưa tiến đến mục tiêu dài hạn theo tinh thần Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, theo giải trình thêm của UBTVQH, trần nợ công hằng năm không quá 60% GDP, ngưỡng cảnh báo là 55% GDP, do VN là quốc gia đang phát triển, nhu cầu vay nợ để tăng đầu tư là cần thiết cho giai đoạn tới, cũng như dự phòng các tác động phức tạp của đại dịch Covid-19. Ngoài ra, Chính phủ đã đề xuất thêm “ngưỡng cảnh báo” để đặt ra các mục tiêu thực hiện an toàn hơn. Trong trường hợp các chỉ tiêu nợ công chạm ngưỡng cảnh báo, Chính phủ phải báo cáo QH tình hình, giải pháp kiểm soát đặc biệt quản lý nợ công.
Quốc hội phê chuẩn các thành viên Chính phủChiều 28.7, với 100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, QH đã biểu quyết thông qua các nghị quyết về việc phê chuẩn bổ nhiệm 4 Phó thủ tướng, 22 bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Theo đó, QH phê chuẩn 4 Phó thủ tướng Chính phủ, gồm các ông: Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Lê Minh Khái và Lê Văn Thành.
22 Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026, gồm: Ông Phan Văn Giang (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng), ông Tô Lâm (Bộ trưởng Bộ Công an), ông Nguyễn Hồng Diên (Bộ trưởng Bộ Công thương), ông Đào Ngọc Dung (Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH), ông Nguyễn Chí Dũng (Bộ trưởng Bộ KH-ĐT), ông Huỳnh Thành Đạt (Bộ trưởng Bộ KH-CN), ông Trần Hồng Hà (Bộ trưởng Bộ TN-MT), ông Lê Minh Hoan (Bộ trưởng Bộ NN-PTNT), bà Nguyễn Thị Hồng (Thống đốc Ngân hàng Nhà nước).
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (Bộ trưởng Bộ TT-TT), ông Nguyễn Văn Hùng (Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL), ông Hầu A Lềnh (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc), ông Lê Thành Long (Bộ trưởng Bộ Tư pháp), ông Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Bộ Y tế), ông Nguyễn Thanh Nghị (Bộ trưởng Bộ Xây dựng), ông Hồ Đức Phớc (Bộ trưởng Bộ Tài chính), ông Đoàn Hồng Phong (Tổng thanh tra Chính phủ), Ông Bùi Thanh Sơn (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), ông Nguyễn Kim Sơn (Bộ trưởng Bộ GD-ĐT), ông Trần Văn Sơn (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ), ông Nguyễn Văn Thể (Bộ trưởng Bộ GTVT), và bà Phạm Thị Thanh Trà (Bộ trưởng Bộ Nội vụ).
Như vậy, Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 có 27 thành viên, gồm Thủ tướng, 4 Phó thủ tướng, 18 Bộ trưởng và 4 thủ trưởng cơ quan ngang bộ; ít hơn Chính phủ nhiệm kỳ trước 1 Phó thủ tướng.
|
Một số đại biểu đề xuất cần cân nhắc thận trọng tổng vốn đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, tránh xây dựng cao, thực hiện khó. Đồng thuận quan điểm trên, UBTVQH cho rằng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nguồn thu ngân sách sẽ gặp nhiều khó khăn, song phương án Chính phủ trình và dự thảo Nghị quyết đã tính đến phòng ngừa rủi ro do tác động đại dịch. Chính phủ sẽ dành khoảng 10% tổng vốn ngân sách chưa phân bổ để xử lý những rủi ro phát sinh. Vì thế, UBTVQH trình QH chấp thuận phương án tổng mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 2,87 triệu tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách T.Ư là 1,5 triệu tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương 1,37 triệu tỉ đồng.
Bình luận (0)