Bến Tre: Phát hiện dụng cụ chuyên hút cát trong rừng phòng hộ và đặc dụng

25/01/2020 11:27 GMT+7

Tết Canh Tý 2020, Đoàn tuần tra bảo vệ Rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh Bến Tre hết sức bất ngờ khi phát hiện một dàn dụng cụ chuyên bơm hút cát trong rừng ở phân khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt.

Sáng mùng 1 Tết Canh Tý 2020 (tức ngày 25.1), tin từ lãnh đạo Phân khu rừng được bảo vệ nghiệm ngặt thuộc Rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh Bến Tre cho biết đơn vị vừa phối hợp Quân sự xã và Công an xã Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú) tuần tra, phát hiện và tạm giữ một dàn máy chuyên bơm hút trộm cát rừng. Đây là dụng cụ tự chế gồm dàn sắt có gắn mũi khoan, máy dầu D24 và đường ống nhựa cỡ lớn để dẫn cát khỏi rừng.

Hơn 200 m2 rừng được bảo vệ nghiêm ngặt bị "cát tặc" hút thành hố sâu chết chóc như thế này

ẢNH: BẮC BÌNH

Dàn máy này được phát hiện tại Khoảnh 6, Tiểu khu 19, Phân khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt thuộc Ban bản lý rừng Phòng hộ và đặc dụng tỉnh Bến Tre. Dàn máy trộm cát này được phủ kín bởi vô số cây rừng đã bị chặt đứt gốc. Xung quanh dàn máy là một hố rất sâu, diện tích khoảng hơn 200 m2, đây vốn là nơi cây rừng mọc chằng chịt và vừa bị chặt phá để hút trộm cát.
Theo quy định, phân khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt là nơi cấm tác động vào đất đai, cây cối dưới mọi hình thức. Mọi sự tác động phải có sự đồng ý của cơ quan có đủ thẩm quyền là UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp, Phát triển Nông thôn.

Một khu vực rừng được bảo vệ nghiêm ngặt đã bị chặt sạch cây và chuẩn bị đưa dàn máy bom hút cát vào

ẢNH: BẮC BÌNH

Trước đó, ngày 14.12.2019, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bến Tre bắt quả tang một nhóm người đang dùng kobe, dao mác để “hủy hoại rừng” đặc dụng trên địa bàn xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú (thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh Bến Tre).

Cát rừng được bơm hút lên, tạm chứa như thế này tại khu vực bìa rừng, sau đó mới vận chuyển đi bán

ẢNH: BẮC BÌNH

Nhóm người này khai nhận là người làm thuê cho ông Phan Đức Quỳ (50 tuổi, ngụ xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú). Ông Quỳ thuê nhóm người này phá rừng để đào ao nuôi tôm biển. Kết quả đo đạc tại thời điểm lập biên bản, diện tích rừng đặc dụng bị phá là 4.200 m2, trong đó khoảng 3000 m2 là rừng đặc dụng bị phá đã dày đặc cây bần, mắm, sú đã trưởng thành và diện tích còn lại là rừng mới trồng. 

Cánh rừng đặc dụng bị nhóm người do ông Phan Đức Qùy thuê hủy hoại tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú

ẢNH: BẮC BÌNH

Cơ quan chức năng thực nghiệm hiện trường tại khu rừng đặc dụng do ông Phan Đức Quỳ thuê người hủy hoại

ẢNH: BẮC BÌNH

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp, Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre, tính đến đầu năm 2020, toàn tỉnh có diện tích rừng ngập mặn là 3.900 ha, trong đó rừng tự nhiên 1.000 ha, rừng trồng 2.900 ha gồm các loại cây chủ yếu như đước, đưng, bần, mắm, phi lao… được phân bổ ở 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.
Bến Tre là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hằng năm, diện tích rừng bị sạt lở mất vĩnh viễn hơn 100 ha, tập trung chủ yếu tại 2 huyện Thạnh Phú và Ba Tri.
UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Quyết định ban bố về tình huống khẩn cấp sạt lở tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Theo đó, tỉnh Bến Tre có 4 khu vực bờ sông, bờ biển với chiều dài gần 7.000 m bị sạt lở cần xử lý khẩn cấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.