Bệnh nhân Covid-19 là phi công người Anh sức khỏe đang cải thiện

18/05/2020 08:16 GMT+7

Sáng nay, 18.5, cả nước không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới. Hiện 260 bệnh nhân đã được điều trị khỏi. Bệnh nhân 91 , là phi công người Anh , đang được chuẩn bị ghép phổi .

60 ngày nhập viện điều trị
Tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, cho biết trong các ngày gần đây, sức khỏe của bệnh nhân 19 (là nam phi công người Anh, 43 tuổi) có diễn tiến cải thiện hơn.
Bệnh nhân hiện không sốt, không chảy máu, tiểu tốt, không tràn khí màng phổi, diện đông đặc phổi không tăng lên. Kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đã âm tính 10 ngày liên tiếp.
Tuy nhiên, bệnh nhân phổi đã đông đặc (diện đông đặc 2 phổi ước đến 90%), bạch cầu máu còn tăng (tình trạng có viêm, bội nhiễm), còn phải dùng kháng sinh, kháng nấm, tăng men gan GGT (tổn thương gan do thuốc), còn phải lọc máu ECMO.
Bệnh nhân này đã tiếp tục được cấy máu để phân lập virus, nếu kết quả âm tính đề xuất chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) điều trị giai đoạn chuẩn bị và chờ ghép phổi.

Sức khỏe của BN91 nhiễm virus corona khá hơn, ngừng dẫn lưu màng phổi

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đang nghiên cứu xem xét các văn bản quy định pháp lý, xác định chi phí điều trị, chi phí ghép để tìm kiếm nguồn tài trợ cho ca ghép.
Theo cơ quan y tế, khi điều tra dịch tễ các ca bệnh liên quan ổ dịch tại quán bar Buddha (TP.HCM), bệnh nhân 91 có trong danh sách là phi công của Vietnam Airlines. Trước khi đến Việt Nam, phi công này có hợp đồng làm việc với Vietnam Airlines thông qua một công ty khác.
Tháng 3 vừa qua, phi công này có chuyến bay đầu tiên từ Anh đến Việt Nam, nhưng là hành khách, để chuẩn bị cho công việc mới của mình.
Tuy nhiên, bệnh nhân đã được xác định dương tính với SARS-CoV-2 trước thời điểm chuẩn bị tiếp nhận công việc mới tại Việt Nam.
Đến hôm nay, 18.3, bệnh nhân 91 đã có 2 tháng được điều trị (bệnh nhân vào viện ngày 18.3), đang tiếp tục sử dụng máy ECMO ngày thứ 43. Đây là bệnh nhân nặng nhất đến thời điểm này.

Lãnh đạo Bộ Y tế, các chuyên gia giỏi của Việt Nam cùng hội chẩn điều trị, thống nhất ghép phổi cho ca mắc Covid-19 là bệnh nhân 91, phi công người Anh.

ẢNH LÊ HẢO

''Bệnh nhân hiện vẫn đang rất nặng. Ghép phổi là phương án điều trị cuối cùng cho bệnh nhân này. Chúng ta luôn trên tinh thần còn nước còn tát, làm hết sức để cứu bệnh nhân'', PGS - TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), chia sẻ.

Tổng hợp tin dịch bệnh virus corona tối 17.5: Việt Nam lại có thêm bệnh nhân Covid-19

Liên tục diễn biến nặng

Ngay từ khi nhập viện, nam phi công người Anh liên tục tiến triển nặng, nhiều lần có kết quả xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính trở lại.
Các chuyên gia đánh giá về một số nguyên nhân diễn biến nặng, trong đó, có yếu tố béo phì (bệnh nhân chiều cao 1,83 m, nặng 100 kg). Thêm đó, cơ thể bệnh nhân phản ứng quá mức với virus SARS-CoV-2, tấn công cả tế bào lành.
Đáng lưu ý, quá trình điều trị, bệnh nhân này cũng kháng các loại thuốc rối loạn đông máu đang được dùng trong nước, Bộ Y tế đã phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị.
Bệnh nhân 91 được hội đồng chuyên môn cùng các chuyên gia hội chẩn nhiều lần và thống nhất chỉ định ghép phổi.
Bệnh nhân 91 cần được ghép toàn bộ lá phổi. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) và Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia đang tìm nguồn hiến tạng (phổi) từ người hiến chết não đủ điều kiện, ghép cho bệnh nhân này.
Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, từ 6 giờ sáng 16.4 đến sáng nay, 18.5, đã 32 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Trong số 320 ca mắc Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam đến thời điểm hiện tại có tổng cộng 180 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. 260 bệnh nhân đã được điều trị khỏi.
Trong số 60 bệnh nhân đang được điều trị, 2 ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 và 12 ca âm tính lần 2 trở lên.
10.962 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly y tế), trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 293 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 8.631 người và cách ly tại nhà, nơi lưu trú 2.038 người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.