Bệnh nhân ngoại khen bác sĩ Việt điều trị Covid-19

01/03/2020 06:41 GMT+7

Trong khi một số nước còn khá 'bối rối' trong điều trị bệnh Covid-19 thì Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM bất ngờ công bố điều trị thành công bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm bệnh này sau 5 ngày điều trị.

Sau đó, lần lượt các bệnh viện (BV) khác trong nước cũng điều trị thành công bệnh nhân (BN) mắc Covid-19. Đến nay, 16/16 ca mắc Covid-19 tại Việt Nam đã được điều trị khỏi bệnh. Nỗ lực điều trị Covid-19 của ngành y tế Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ghi nhận và đánh giá cao.

“Tôi tưởng y tế Việt Nam còn lạc hậu”

BN T.K.H (73 tuổi, Việt kiều Mỹ), vào điều trị Covid-19 tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM ngày 31.1, xuất viện ngày 21.2. Trao đổi với Thanh Niên, ông H. kể, ngày đầu vào BV, ông suy sụp hẳn. Ông gọi điện thoại về Mỹ, và vợ con ông đã khóc. Nhưng lúc ấy, bác sĩ (BS) Nguyễn Thanh Phong (Trưởng khoa Nhiễm D của BV trên) đã động viên tinh thần ông.
“Sau đó mấy hôm nằm nhà thương này tôi thấy như ở gia đình mình. Có cô nhân viên mặc đồ bảo hộ còn “ghẹo” tui: “Đố chú biết con là ai?”. Ai cũng xưng con với tôi. Bất kể đêm hôm, tôi muốn ăn bánh, ăn trái cây, uống sữa... thì nhờ là các cô mang vào ngay”, ông H. kể lại và cười: “Ngày tôi ra viện, thay cái áo màu hường, các cô bảo, ồ, hôm nay chú đẹp trai, phong độ quá”.
“Tôi nói chân thành, thật tình ban đầu tôi nghĩ y tế Việt Nam còn lạc hậu, nhưng khi tôi vào đây thì thấy BV có những phát triển. BS đã cứu sống tôi từ... cõi chết. Khi về Mỹ tôi sẽ nói với bạn bè, người thân về nền y tế Việt Nam, về các y BS Việt Nam rất tốt”, ông H. nói.
Hai cha con người Vũ Hán, Trung Quốc là Li Ding (66 tuổi), Li Zichao (28 tuổi) mắc Covid-19, vào BV Chợ Rẫy ngày 22.1, xuất viện ngày 12.2 cũng khen ngợi về sự tận tụy cứu chữa của y BS BV Chợ Rẫy. Trong bức thư gửi BV Chợ Rẫy, gia đình BN này thổ lộ: “Gia đình chúng tôi đã thống nhất sẽ trở lại đất nước Việt Nam xinh đẹp một lần nữa vào một thời điểm thích hợp. Chúng tôi sẽ quay lại BV Chợ Rẫy một lần nữa để bày tỏ lời cảm ơn chân thành nhất. Cảm ơn Việt Nam, cảm ơn Chính phủ Việt Nam!”.

Thật tình ban đầu tôi nghĩ y tế Việt Nam còn lạc hậu, nhưng khi tôi vào đây thì thấy bệnh viện có những phát triển. Bác sĩ đã cứu sống tôi từ... cõi chết

Ông T.K.H (Việt kiều Mỹ, được BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM chữa khỏi bệnh Covid-19)

Trước đó, khi trả lời PV Thanh Niên ngày xuất viện, anh Li Zichao cho biết khi trở về Trung Quốc, anh sẽ kể cho mọi người biết về sự tốt đẹp khi cha con anh được cứu chữa ở Việt Nam.

Động viên người bệnh mắc Covid-19

BS Nguyễn Thanh Phong chia sẻ, ông H. là người lớn tuổi nhất trong các BN mắc Covid-19 ở Việt Nam vừa qua. Khi mới vào viện, BN này không có người thân, bị cách ly nên tinh thần suy sụp, nguy cơ không hợp tác điều trị. Do đó, ngoài chú trọng thuốc men, dinh dưỡng thì cần động viên tinh thần BN.
Cứ cách 1 - 2 ngày, BS Phong vào thăm BN H., còn nói chuyện qua bộ đàm thì ngày nào cũng nói (phòng cách ly trao đổi qua bộ đàm). Tập thể của khoa, từ BS vào khám bệnh, điều dưỡng vào làm thuốc, hộ lý lau dọn mỗi ngày đều hỏi thăm, động viên BN H. Chỉ sau 4 ngày thì tâm lý BN H. đã tốt hẳn lên. “Điều hạnh phúc nhất của người thầy thuốc là lúc này đây đã cứu sống, mang lại niềm vui cho BN”, BS Phong nói.
Bệnh nhân ngoại khen bác sĩ Việt điều trị Covid-19

Bệnh nhân T.K.H (Việt kiều Mỹ, phải) tặng hoa tri ân TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM trong ngày xuất viện

Ảnh: Duy Tính

BS Nguyễn Ngọc Sang, Khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy (nơi điều trị cho hai cha con BN người Trung Quốc nói trên), kể lần đầu tiếp xúc với BN mắc Covid-19 cũng hơi lo lắng, lo nhất là họ lây cho cộng đồng nên phải trao đổi lấy được thông tin dịch tễ để kiểm soát những người tiếp xúc.
Điểm đáng lưu ý là các BS đã động viên ông Li Ding yên tâm điều trị. Ông Li Ding cũng được Chính phủ và Bộ Y tế rất quan tâm. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vào BV Chợ Rẫy thăm BN này, từ đó tinh thần ông Li Ding tốt lên.
Một điểm đặc biệt của BN Li Ding rất thích ăn thanh long ruột đỏ, ông ăn rất nhiều. Nhưng khi ăn nhiều thì đường huyết ông tăng và BS phải điều chỉnh. BS phải giải thích cho ông là ăn ít lại, chỉ ăn 1/4 trái mỗi lần. Ông Li Ding đã hợp tác rất tốt.

Đánh giá, tiên lượng bệnh từ đầu

Theo BS Sang, điểm quan trọng nhất trong điều trị 2 BN người Trung Quốc là tiên lượng diễn tiến ngay thời điểm thăm khám trong những ngày đầu. Với người con, cơ địa khỏe mạnh thì quan trọng nhất là hỗ trợ điều trị triệu chứng, giúp nâng cao tổng trạng và sức đề kháng. Chỉ sau 5 ngày điều trị, người con đã âm tính với vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Còn người cha được đánh giá diễn tiến là nặng, nên việc phối hợp kháng sinh từ đầu trong điều trị là rất cần thiết. Hơn nữa, BN có nhiều bệnh nền (có sẵn) nên việc kiểm soát bệnh nền là điều kiện tiên quyết được đặt ra. Một điều khá quan trọng khác là BN mắc Covid-19 lớn tuổi thì dinh dưỡng và vật lý trị liệu cần được thiết lập ngay từ đầu.
“24 giờ đầu vào viện, BN Li Ding không ngồi được, chỉ nằm, rất mệt mỏi và sốt liên tục, hô hấp rất yếu. Trong 3 ngày đầu, BN diễn tiến nặng lên, sốt cao liên tục...”, BS Sang nói. Theo BS Sang, BN có nhiều bệnh nền, suy giảm miễn dịch thì nguy cơ bội nhiễm vi trùng đa kháng thuốc độc lực cao có thể xảy ra. Lúc này BV hội chẩn liên khoa và trưởng khoa bệnh nhiệt đới quyết định “đánh” kháng sinh mạnh hơn, kiểm soát bệnh nền chặt hơn nữa và theo dõi sát diễn tiến chức năng hô hấp... Sau đó BN ổn định và các triệu chứng nặng đã giảm. Bên cạnh việc dùng thuốc, còn hướng dẫn BN tập thở để khai thông phế nang phổi tổn thương. Với BN mắc Covid-19 này, bất cứ thông số nào thay đổi thì phải tìm và lý giải ngay chứ không để diễn tiến nặng lên.
“Kinh nghiệm của chúng tôi rút ra là đánh giá bệnh và tiên lượng được trên những BN và có lộ trình điều trị phù hợp sẽ giúp ích trong quá trình theo dõi, điều trị rất nhiều. Ngoài ra, kinh nghiệm điều trị các loại bệnh cúm trước đây hiện vẫn còn hiệu quả, đó là: phòng ốc thông thoáng, có ánh sáng, vệ sinh phòng, vệ sinh thân thể BN tốt... thì diễn tiến BN theo hướng thuận lợi”, BS Sang chia sẻ.
Y, bác sĩ có sợ Covid-19 ?
Các BS cũng chia sẻ về việc cứu người trong bối cảnh khá căng thẳng và nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, đối mặt những BN mang mầm bệnh mới.
“Nghe nhân viên y tế, BS đầu ngành ở Trung Quốc chết vì nhiễm bệnh Covid-19 thì ai cũng sợ. Qua ca đầu tiên này (ca điều trị ở BV Bệnh nhiệt đới - PV), chúng tôi có rất nhiều kinh nghiệm, đó là sự chỉ đạo thống nhất của Ban giám đốc BV, quy trình cách ly, bảo hộ, nhận bệnh… để phòng chống lây nhiễm”, BS Nguyễn Thanh Phong cho biết.
Điều dưỡng Nguyễn Xuân Trường, Khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy - người tiếp xúc, vô phòng cách ly hai BN người Trung Quốc, nói: “Anh em đã được huấn luyện rất kỹ, bảo hộ rất kỹ nên trong gần 1 giờ “ở” với BN nghi nhiễm bệnh Covid-19 (lúc đầu là còn nghi), tâm trạng tôi cũng không lo sợ lắm. Mặc dù vậy, sau ca trực, về nhà tôi tự cách ly, hạn chế tiếp xúc với những người thân trong gia đình để phòng ngừa lây lan cho người thân, cộng đồng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.