Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện 349 ca ECMO, dấu ấn cứu phi công người Anh

09/10/2020 16:12 GMT+7

Kỹ thuật ECMO đã cứu nhiều bệnh nhân rất nặng, trong đó có phi công người Anh - bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 91.

PGS-TS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ rẫy, TP.HCM cho biết như trên tại Hội nghị khoa học thường niên của bệnh viện này tổ chức ngày 9.10. Theo PGS-TS Ngọc Thảo, kỹ thuật ECMO (ô xy hóa máu màng ngoài cơ thể) ra đời từ năm 1953. Tuy nhiên, thời điểm đó các loại bơm, màng lọc và các thành phần khác dùng trong kỹ thuật ECMO chưa tiên tiến nên tỷ lệ thành công hạn chế và bị quên lãng một thời gian.
Từ năm 1971 kỹ thuật ECMO với các loại máy bơm, màng lọc… hiện đại được triển khai lại. Không chỉ triển khai trong bệnh viện, các nước còn triển khai kỹ thuật ECMO ngoài bệnh viện như bến xe, bến tàu, nơi công cộng… (thiết lập ECMO rất nhanh sau đó đưa bệnh nhân về trung tâm cấp cứu). Thời gian đầu, tỷ lệ cứu sống thành công bệnh nhân của kỹ thuật ECMO là 1/3. Hiện nay, ECMI cứu sống thành công 1/2 thậm chí là 2/3 lượng bệnh nhân nặng.
Tại Việt Nam hiện có nhiều trung tâm làm kỹ thuật ECMO, nhưng có một số trung tâm thu nhận bệnh nhân nhiều, nhiều nhất là Bệnh viện Chợ Rẫy (70-100 ca/năm), Bạch Mai (60 ca/năm), Nhi T.Ư (30 ca/năm), Đà Nẵng (25 ca/năm)… Tổng kết từ khi thực hiện đến năm 2019 về kỹ thuật ECMO, cả nước đã làm được 691 ca ECMO, 60% được cứu sống. Trong đó, 10 năm (từ 2009-2019) Bệnh viện Chợ Rẫy chiếm 50% (349 ca), tỷ lệ lệ cứu sống trung bình từ 70 - 90%, đặc biệt là đối với bệnh lý tim mạch thì tỷ lệ cứu sống khá cao.
“Các bệnh lý ban đầu được chỉ định kỹ thuật ECMO gồm viêm cơ tim, sốc tim, nhồi máu cơ tim… Sau này còn mở rộng chỉ định ECMO cho bệnh nhân bị sốc phản vệ, nhiễm khuẩn, chấn thương, đứt khí quản cần phẫu thuật…”, PGS-TS Ngọc Thảo nói.
Theo PGS-TS Ngọc Thảo, muốn thành công trong kỹ thuật ECMO, các bệnh viện cần 1 đội ngũ đa chuyên ngành có rất nhiều vai trò, sẵn sàng và xuyên suốt. Trung tâm ECMO phải được xem là một phần của mạng lưới rộng lớn các dịch vụ hỗ trợ và nó ở những bệnh viện trung tâm, bệnh viện lớn. Hằng năm phải có từ 20 bệnh nhân để đảm bảo trung tâm ECMO chất lượng và tránh gây lãng phí.
“Bệnh viện Chợ rẫy đã đào tạo nhân lực, xây dựng phác đồ. Từ năm 2016, Bệnh viên Chợ Rẫy trở thành trung tâm ECMO và mỗi năm dành khóa học 3 ngày đào tạo về lý thuyết và sau đó là thực hành cho các bệnh viện trong nước”, PGS-TS Ngọc Thảo nói.

Thành quả ECMO cứu sống phi công người Anh

Theo PGS-TS Ngọc Thảo, dấu ấn ECMO của Bệnh viện Chợ rẫy phải kể đến việc cứu phi công người Anhbệnh nhân 91 nhiễm Covid-19. The PGS-TS Thảo, bệnh nhân 91 có 113 ngày nằm viện nhưng ECMO là 58 ngày. Bệnh nhân 91 đã sử dụng nhiều quả lọc. Hiện nay bệnh nhân 91 về Anh (từ ngày 11.7), tập vật lý trị liệu và đã đi được 1 đoạn đường, tự sinh hoạt được. Đây là nỗ lực 10 năm thực hành ECMO để ra thành quả như vậy.
Bác sĩ Trần Thanh Linh (Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy; là bác sĩ điều trị cho phi công người Anh), cho biết thêm, bệnh nhân 91 – người đã được ECMO 58 ngày, khi chuyển viện về Anh đã gọi và nhắn tin cho ông. Bệnh nhân cũng đã xuất viện đầu tháng 8. Bệnh nhân trở lại sinh hoạt bình thường. Bệnh nhân 91 còn động viên bác sĩ Linh và đồng nghiệp trong việc xông pha ra Đà Nẵng chống dịch.

6 phi công, 16 tiếp viên đưa BN91 phi công người Anh về nước

 
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.