Bệnh viện dã chiến của Việt Nam sẽ tiếp tục nhiệm vụ tại Nam Sudan

04/10/2019 11:18 GMT+7

Sau 1 năm hoạt động tại Nam Sudan, Bệnh viện dã chiến 2.1 của Việt Nam đã điều trị gần 1.800 bệnh nhân, trong đó có nhiều ca bệnh nặng như hoại tử ruột, sốt rét ác tính... được điều trị thành công.

Sáng 4.10, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác chuẩn bị đón Bệnh viện dã chiến cấp 2.1 hoàn thành nhiệm vụ tại Nam Sudan về nước.

Đã điều trị gần 1.800 bệnh nhân

Tại buổi làm việc, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị chu đáo công tác đón Bệnh viện dã chiến cấp 2.1 từ Nam Sudan về, đồng thời đưa Bệnh viện dã chiến cấp 2.2 sang tiếp quản và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
“Chúng ta sẽ còn tiếp tục gửi quân đi theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ về xây dựng các bệnh viện dã chiến của Bệnh viện Quân y 175 và Học viện Quân y, cũng như toàn quân làm nhiệm vụ quốc tế lâu dài", thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói, và cho hay nhiệm vụ quan trọng này chỉ tạm dừng khi không còn nhu cầu.
Theo Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng), lễ đón Bệnh viện dã chiến cấp 2.1 diễn ra trong trong 2 ngày (21.11 và 28.11) tại sân bay Tân Sơn Nhất, lễ tuyên dương vào ngày 2.12 do thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chủ trì.
Trong khi đó, Bệnh viện dã chiến cấp 2.2 sẽ lên đường sang Nam Sudan tiếp quản Bệnh viện dã chiến cấp 2.1 tại Nam Sudan, sẽ diễn ra trong 2 ngày (19.11 và 26.11) tại sân bay Nội Bài.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết, Bệnh viện dã chiến cấp 2.1 chuẩn bị về nước, cán bộ nhân viên thuộc đơn vị nào sẽ về đơn vị đó. Tuy nhiên, có 15 người tình nguyện tiếp tục phục vụ trong Bệnh viện dã chiến cấp 2.3, Bệnh viện Quân y 175 đề nghị lãnh đạo Bộ Quốc phòng xem xét, điều động ở lại Bệnh viện Quân y 175 tham gia đội hình dã chiến 2.3.
Bệnh viện Quân y 175 cũng đề nghị duy trì và sử dụng bộ khung Bệnh viện dã chiến cấp 2.1 làm lực lượng nòng cốt tham gia các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, diễn tập trong khu vực cũng như quốc tế. Ngoài ra, đề xuất cho cán bộ nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2.1 được học tập nâng cao về chuyên môn, luân chuyển, bố trí công tác theo nguyện vọng, cũng như thăng quân hàm, nâng lương trước niên hạn, chuyển ngạch.
Theo báo cáo, sau 1 năm hoạt động, Bệnh viện dã chiến cấp 2.1 của Việt Nam tại Nam Sudan đã điều trị gần 1.800 bệnh nhân, trong đó có nhiều ca bệnh nặng được điều trị thành công như hoại tử ruột, sốt rét ác tính; vận chuyển thành công bằng đường hàng không nhiều trường hợp nặng lên tuyến y tế cao hơn.
Bệnh viện dã chiến cấp 2.1 của Việt Nam tại Nam Sudan đã đảm bảo an toàn tuyệt đối trong điều trị bệnh nhân được cơ quan chức năng nước sở tại và các đơn vị bạn đánh giá cao. Tư lệnh các lực lượng quân sự tại Phái bộ Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan - Trung tướng Shailesh Tinaikar đã trao tặng bằng khen cho Bệnh viện dã chiến 2.1 của Việt Nam.

Đoàn Bệnh viện dã chiến cấp 2.1 của Việt Nam cạnh lá cờ tổ quốc và cờ Liên Hiệp Quốc

Chính phủ Anh

Trang bị nhiều kỹ năng

Trước buổi làm việc, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã đến thăm lớp học ngoại ngữ của Bệnh viện dã chiến cấp 2.3 (sẽ đi sau khi Bệnh viện dã chiến cấp 2.2 hoàn thành nhiệm vụ trở về). thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh động viên, nhắn nhủ các học viên học tập, trau dồi ngoại ngữ để có thể vượt qua kỳ thi của Liên Hiệp Quốc.
Theo thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, cán bộ nhân viên đang được đào tạo tại Bệnh viện dã chiến cấp 2.3 gồm tiếng Anh, chuyên môn quân y, chính trị, hậu cần kỹ thuật, kiến thức về gìn giữ hòa bình…
Trước đó, đoàn Bệnh viện dã chiến cấp 2.1 với 63 cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ cùng hàng hóa, trang thiết bị vào ngày 1.10.2018 đã lên đường sang Nam Sudan để thay thế bệnh viện dã chiến của Vương quốc Anh, thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Đây là lần đầu tiên, Việt Nam điều động nhân sự ở cấp độ đơn vị tham gia làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc. Cán bộ, chiến sĩ quân y tham gia bệnh viện dã chiến được đào tạo bồi dưỡng, triển khai các trang thiết bị theo tiêu chuẩn và yêu cầu của Liệp Hiệp Quốc.
Đoàn cũng đã được huấn luyện các kỹ năng sinh tồn trong điều kiện môi trường châu Phi, sử dụng hệ thống thông tin liên lạc, nhận diện bom, mìn, vật liệu nổ; huấn luyện về luật giao tranh của Liên Hiệp Quốc, luật nhân đạo theo công ước quốc tế, các chuẩn mực hành xử trong chống lạm dụng tình dục và các khoa mục quân sự khác phục vụ cho hoạt động ở môi trường độc lập.
Cùng với sự ủng hộ tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan, bệnh viện dã chiến của Việt Nam triển khai tại Nam Sudan cũng nhận được sự ủng hộ rất lớn về vật chất và tinh thần từ nhiều quốc gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.