Bệnh viện dã chiến xuất quân: Những người lính trẻ háo hức 'mang 5K sang Nam Sudan''

24/03/2021 10:06 GMT+7

Cán bộ, chiến sĩ bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 lên đường trong tâm thế háo hức hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn hòa bình tại Phái bộ Nam Sudan.

17 giờ hôm nay, 24.3, máy bay vận tải quân sự C17 của Bộ Quốc phòng Úc sẽ đưa 30 chiến sĩ, cán bộ cùng trang thiết bị của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Việt Nam lên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp quốc tại Phái bộ Nam Sudan. 33 cán bộ, chiến sĩ tiếp theo sẽ đi vào ngày 21.4. Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 sẽ thay thế cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 tại Nam Sudan theo Quyết định của Chủ tịch nước.
Trong lễ xuất quân tại sân bay Tân Sơn Nhất do Bộ Quốc phòng tổ chức, cán bộ chiến sĩ đều trong tâm thế háo hức lên đường hoàn thành nhiệm vụ.

Bệnh viện dã chiến Nam Sudan: Vững tin tiếp nối sứ mệnh hòa bình

Mang 5K qua Nam Sudan

Trung tá Trịnh Mỹ Hòa, Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3, chia sẻ với PV Thanh Niên là đến thời điểm hiện tại 100% cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan. Cán bộ chiến sĩ đã chuẩn bị mọi mặt, đặc biệt là tinh thần.

Trung tá Trịnh Mỹ Hòa, Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3.

ẢNH: ĐỘC LẬP

Theo trung tá Hòa, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 xác định là những thành công, kết quả của 2 bệnh viện trước là điều khích lệ động viên, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 xem đó là động lực để làm tốt hơn nữa.
Trong kế hoạch năm, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 đưa ra những tiêu chí mà 2 bệnh viện trước chưa làm được.
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 quyết tâm mỗi khoa, ban sẽ viết 1 bài báo đăng lên tạp chí quốc tế. Đẩy mạnh công tác đối ngoại; phối hợp quân dân y; mang văn hóa Việt Nam đi đi giao lưu bạn bè quốc tế.
Trung tá Hòa cho biết bệnh viện dã chiến sẽ "đầu tư tiết mục văn nghệ “Hello Việt Nam”; mang cà phê Việt Nam giới thiệu cho bạn bè quốc tế".
Về chuyên môn, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 quyết đạt mục tiêu kép: Vừa phòng chống Covid-19, vừa đạt chỉ tiêu chăm sóc, điều trị cho người dân ở Nam Sudan. Để đạt được điều này, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 đã được huấn luyện từ cơ bản đến nâng cao về phòng chống Covid-19 về phòng chống nhiễm khuẩn, hướng dẫn 5K của Bộ Y tế sẽ mang qua Nam Sudan để áp dụng.
Trung tá Hòa là bác sĩ Nội Thần kinh Bệnh viện quân y 175 được giao nhiệm vụ Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3. Bản thân anh Hòa cũng từng công tác tại Trường Sa năm 2015, cũng như đi nhiều nước trên thế giới. Anh nói, hậu phương anh vững chắc, vợ con cũng xác định việc anh đi làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3, cũng là trách nhiệm của người quân nhân.

Chiến sĩ trẻ tự tin, háo hức

Anh Đặng Long Triêu là bác sĩ điều trị Khoa Nội cán bộ cao cấp, cũng là người lần đầu tham gia hoạt động triển khai bệnh viện dã chiến đến Nam Sudan, nên có đôi phần lo lắng xen lẫn niềm háo hức.
Háo hức là vì sang Nam Sudan có cơ hội, điều kiện làm việc khác ở Việt Nam. Đặc biệt, có nhiều bạn bè quốc tế để có thể giao lưu và cũng có thể thăm khám cho không những cán bộ, nhân viên Liên Hiệp quốc mà còn cho cả người dân Nam Sudan.
“Lo lắng là vì lần đầu tiên đi, chưa có kinh nghiệm như đàn anh đi trước. Nhưng đã được truyền đạt kinh nghiệm từ các anh nên cũng khá là tự tin”, anh Triêu nói.

Xuất quân hoàn thành nhiệm vụ gìn giữ hòa bình mới trở về.

ẢNH: DUY TÍNH

Trước khi tham gia Bệnh viện dã chiến số 2 cấp 3, anh Triêu cùng vợ bàn bạc và thống nhất anh sẽ đi làm nhiệm vụ, ở nhà vợ vừa dạy học vừa lo cho con, chờ anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về.

Cán bộ chiến sĩ trẻ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 hào hứng lên đường làm nhiệm vụ.

ẢNH: ĐỘC LẬP

Chị Nguyễn Thị Loan, là kỹ thuật viên y học cổ truyền ở Bệnh viện quân y 175, cho biết khi chị nhận nhiệm vụ, bố mẹ chị cũng lo lắng vì "con gái trẻ, lại chưa lập gia đình". Nhưng chị Loan khẳng định: "Tôi tự tin là mình hoàn thành nhiệm vụ và trở về an toàn".

Chiến sĩ đi lần 2 cũng háo hức như lần đầu

Anh Trần Văn Tuấn là điều dưỡng Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện quân y 175 chia sẻ: Đây là lần thứ 2 mình tham gia bệnh viện dã chiến thứ 2, lần đầu tiên tôi tham gia là Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam đi năm 2019, thời gian 14 tháng.
"Lần thứ 2 này dù không bỡ ngỡ. nhưng cảm giác háo hức vẫn như lần đầu", anh Tuấn nói.

Cán bộ chiến sĩ nữ luôn nhận được sự động viên tinh thần từ cơ quan chức năng các cấp.

ẢNH: ĐỘC LẬP

“Lúc tham gia Bệnh viện dã chiến 2.1, tôi có học lớp điều phối viên về HIV 2 tuần, nhưng không may học xong 1 tuần bị sốt nên dừng giữa chừng. Tôi mong muốn quay lại để học tiếp và để đóng góp kinh nghiệm của mình để cùng đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ”, anh Tuấn nói.
Cũng giống như đồng đội, anh Tuấn được vợ động viên đi tham gia bệnh viện dã chiến lần 2. Vợ anh cũng là nhân viên y tế nhưng làm ở bệnh viện khác và được chế độ đặc thù trong thời gian chồng đi công tác là không phải trực, dành thời gian chăm sóc con cho chồng yên tâm hoàn thành nhiệm vụ để trở về.

Đoàn kết là sức mạnh giúp cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn.

ẢNH: ĐỘC LẬP

Còn chị Bùi Thị Xoa, cũng là đi tham gia bệnh viện dã chiến lần thứ 2 sau khi tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1. Lần đi này chị nói mình cũng háo hức, nhưng tự tin hơn. Dù đi lần thứ 2 nhưng chị được chồng động viên, hỗ trợ tinh thần nhiều vì chồng cũng đang làm nhiệm vụ trong quân ngũ. 2 người con cũng đã lớn nên chị cũng yên tâm công tác.

Hành trang cán bộ, chiến sĩ mang theo là trách nhiệm với đất nước và quốc tế.

ẢNH: ĐỘC LẬP

 “Tôi đi với hành trang đã trải tra 14 tháng kinh nghiệm ở Nam Sudan. Không chỉ truyền đạt kinh nghiệm cho các em về chuyên môn, tôi cũng sẽ truyền đạt kinh nghiệm lại cho các bạn nữ về kinh nghiệm sống, về mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, chia sẻ tinh thần, thực hiện đoàn kết nội bộ; thời tiết, dịch bệnh… để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ”, chị Xoa nói.
Theo chị Xoa, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 có 13 nữ, trong đó có 2 người đi lần thứ 2. Nhưng lần này dự báo khó khăn hơn do dịch Covid-19, nên quy trình làm việc phải chặt chẽ hơn.

Đã được huấn luyện kỹ càng

Theo thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 được thành lập vào tháng 3.2020 với biên chế 70 người (63 chính thức, 7 dự bị).
Trong suốt thời gian huấn luyện, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng với quyết tâm cao, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tốt các khóa huấn luyện về chuyên môn quân y và nghiệp vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp quốc cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3. Huấn luyện cấp cứu chấn thương nâng cao; huấn luyện cho đội cứu trợ đường không; tiếng Anh; huấn luyện tiền triển khai; huấn luyện luật Nhân đạo quốc tế và ngoại dã chiến; huấn luyện bổ túc lái xe rơ moóc, xe bọc thép BRT 152 cho lực lượng liên quan của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3.

Các tổ chức quốc tế đánh giá cao sự tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc tại Nam Sudan cùa Việt Nam.

ẢNH: ĐỘC LẬP

Ngoài ra, còn tổ chức huấn luyện vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ một số trang bị hậu cần, kỹ thuật cho lực lương liên quan của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3; diễn tập sa bàn và diễn tập tổng hợp thực địa…
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 triển khai thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, địa bàn triển khai đang là tâm dịch, vùng trũng về y tế, do vậy 100% cán bộ, y bác sĩ, nhân viên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ đã được tiêm vắc xin Covid-19 và tập huấn các biện pháp phòng, chống Covid-19 sát với điều kiện thực tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.