>> Quang Viên
Vừa xuống sân bay Phú Quốc, tôi phóng ngay về trang trại ngọc trai Ngọc Hiền nằm ở xã Dương Tơ. Tôi bảo mình muốn tìm hiểu về trang trại ngọc trai, thì cô nhân viên hướng dẫn nói: “Em sẽ đưa anh tham quan nhanh một vòng”. Nếu chỉ tham quan một vòng “đúng quy trình” mà trang trại này dành cho du khách thì chẳng khác nào cưỡi ngựa xem hoa. Nhưng có lẽ thấy tôi rất thích thú và tha thiết quá, cô hướng dẫn viên “phá lệ” cho tôi được tự tìm hiểu kỹ hơn.
Tại phòng tuyển chọn con trai để cấy nhân, một nhân viên ở đây cho biết, những con trai này nuôi đã được một năm tuổi đang được đem đi kiểm tra sức khỏe, sau đó vệ sinh rong rêu bám trên thân để chuẩn bị cấy nhân. Việc cấy nhân chỉ được thực hiện khi trai đạt tiêu chuẩn về kích thước, thời gian và đặc biệt là tình trạng của tuyến sinh dục. Kinh nghiệm nuôi trai tại trang trại ngọc trai là chọn trai mẹ có tuyến sinh dục không thành thục để cấy nhân. “Nếu khi cấy nhân mà tuyến sinh dục của trai đang ở giai đoạn thành thục thì trai dễ bị chết, hoặc trai sẽ tự đẩy nhân rơi ra ngoài. Hoặc ngọc được tạo thành không đạt chất lượng”, nhân viên cấy nhân giải thích.
Trai dùng để cấy ngọc được chia thành hai loại là trai kỹ thuật và trai nguyên liệu. Hỏi ra thì mới vỡ lẽ, trai kỹ thuật là trai dùng để cấy nhân vào, còn trai nguyên liệu là trai dùng lấy tế bào để tạo nhân cấy vào con trai tạo ngọc. “Trai nguyên liệu là loại khoảng 1 - 2 tuổi. Việc chọn trai nguyên liệu có ảnh hưởng rất lớn đến thời gian tạo ngọc và chất lượng sản phẩm sau này”, một nhân viên tuyển chọn trai cho biết.
Người ta thường nói con trai phải chịu đau đớn để cho ra những viên ngọc lấp lánh. Nhưng để hiểu thấu nỗi đau của con trai thì cần chứng kiến thực tế ngay ở trang trại nuôi cấy mới ngộ cảnh làm thân con trai “đau” thật. Ở công đoạn cắt tế bào, nhân viên kỹ thuật lật vỏ trai ra cắt lấy phần màng áo, tẩy sạch chất nhầy rồi đặt lên giá tế bào. Sau đó trải qua nhiều thao tác khác rồi mới dùng kéo cắt màng áo con trai thành từng miếng được gọi là tế bào. Khi cắt tế bào xong tiến hành cấy nhân ngay.
Quy trình cấy tế bào vào trai kỹ thuật khiến tôi “xót thương” con trai lần nữa. Trai được đưa lên giá cấy, bụng ngửa lên để các kỹ thuật viên tiến hành những “tuyệt kỹ công phu” như mở miệng trai, cắt một đường ở bộ phận sinh dục của con trai, dùng dụng cụ đưa tế bào có nhân cấy vào. “Nhân được cấy vào buồng trứng của trai, tùy thuộc buồng trứng to hay nhỏ. Mỗi con trai chỉ được cấy một nhân để tạo ngọc. Nhân viên nuôi cấy phải nằm lòng 3 yếu tố quan trọng và thực hiện một cách chuyên nghiệp là lựa chọn được những con trai khỏe mạnh, xử lý hết trứng và đưa tế bào vào trong con trai. Trong đó, yếu tố thứ 2 là màu sắc, hình dạng con trai, yếu tố thứ 3 là vị trí cấy để quyết định cho một viên ngọc đẹp, tròn nhất...”, nhân viên cấy nhân tiết lộ. Trong mắt tôi, họ như những chuyên gia phẫu thuật, cấy ghép siêu đẳng. Tất cả động tác của các kỹ thuật viên cấy trai nhanh và chính xác không chỉ để đảm bảo tạo ra những viên ngọc trai chất lượng tốt, mà theo tôi nó cũng bớt “kéo dài sự đau khổ” của con trai.
Để tìm hiểu việc nuôi trai, tôi men theo chiếc cầu gỗ chạy dài ra gần vùng nuôi trai. Ở đây, một nhóm thợ nuôi trai cho biết sau khi trai được cấy nhân xong sẽ đem đi nuôi ở tầng nước sâu với điều kiện nhiệt độ thấp. Các chuyên gia nuôi trai sẽ ức chế sự phát triển của tuyến sinh dục bằng cách nhốt trai vào một lồng kín. Thời gian này họ sẽ “bỏ đói” con trai để trai yếu đi không có khả năng bài thải nhân ra ngoài cơ thể.
Việc nuôi trai thành ngọc còn phải trải qua những công đoạn kỳ công. Theo đó, do bị ức chế cấy nhân nên con trai bị tổn thương cần phải nuôi vỗ để nó phục hồi sức khỏe. Nơi nuôi vỗ phải yên tĩnh và điều kiện môi trường ít dao động. Sau một tuần nuôi vỗ, vết thương sẽ lành và lớp biểu bì mặt ngoài tế bào sẽ phát triển bao lấy nhân cấy. Biểu bì mặt trong sẽ bị mô liên kết hấp thụ trong hai ngày. Sau khi các chuyên gia kiểm tra trai đã phục hồi sức khỏe thì chuyển chúng đến bãi chính để nuôi thành ngọc. Bãi nuôi thành ngọc có nồng độ muối 25 - 30%, nhiệt độ từ 20 - 30 độ C. Nuôi trai bằng lồng tre hay lưới, thời gian nuôi thường từ 2 đến trên 10 năm tùy theo giống trai, yêu cầu ngọc to hay nhỏ. Theo chị Bùi Thanh Huyền, quản lý chung ở showroom và trại nuôi ngọc trai ở đây thì Công ty Ngọc Hiền có 4 vùng nuôi trai. Đó là Rạch Vẹm, hòn Đụng, hòn Rỏi ở Phú Quốc và vịnh Côn Sơn - Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Mặc dù các vùng biển trên điều kiện tự nhiên rất lý tưởng để trai sinh sống và tạo ngọc, tuy nhiên khi bỏ trai xuống các vùng biển này không thể “phú cho trời” mà phải nhọc công chăm sóc. Việc chăm sóc chủ yếu là giữ cho lồng trai sạch và tránh những bất lợi cho trai. Vì lồng nuôi trai thường bị các sinh vật sống bám làm ảnh hưởng đến sinh trưởng. “Theo định kỳ phải vệ sinh vỏ trai có nhiều sinh vật bám, nhất là sinh vật bám trên bản lề của trai, nếu không trai sẽ không mở vỏ được. Trong điều kiện môi trường bất lợi phải di dời đi nơi khác”, nhóm công nhân nuôi trai cho biết. Mùa thu hoạch ngọc trai tiến hành vào mùa có nhiệt độ thấp, thường vào tháng 8 - 10 hằng năm. (còn tiếp)
Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Quang Viên