Một số lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao chưa có biện pháp hữu hiệu để phát hiện
Sáng 14.4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã làm việc với Ban Nội chính Thành ủy và các cơ quan khối nội chính thành phố, nhằm “giúp Thường trực Thành ủy nắm rõ tình hình công tác nội chính trên địa bàn thành phố, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới”.
Theo Phó trưởng ban Nội chính Hà Nội Nguyễn Thế Toàn, thời gian qua, Ban Nội chính Thành ủy đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nội chính thành phố, chủ động tham mưu cho Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác nội chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy về “Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020”, Ban Nội chính Thành ủy đã phối hợp, đề xuất đưa 15 vụ việc, vụ án vào diện Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy tập trung chỉ đạo giải quyết.
Ban cũng đã theo dõi, đôn đốc tiến độ giải quyết 36 vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng và các vụ án, vụ việc khác nghiêm trọng, phức tạp được dư luận quan tâm.
Trong năm 2019 và quý 1.2020, có 13 vụ việc, vụ án đã được giải quyết xong. Ban đang tiếp tục theo dõi, đôn đốc giải quyết 23 vụ việc, vụ án còn lại.
Tuy nhiên, công tác nội chính trên địa bàn Hà Nội còn một số hạn chế, như: các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; tính chủ động trong tự kiểm tra, phát hiện sai phạm còn hạn chế; một số lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao chưa có biện pháp hữu hiệu để phát hiện và xử lý triệt để; nạn sách nhiễu, “tham nhũng vặt” còn diễn ra;... kết quả thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp, tỷ lệ thi hành án chưa đạt yêu cầu.
Tiếp tục ngăn chặn “tham nhũng vặt”, vì nó làm xói mòn niềm tin
Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá công tác nội chính đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đối với việc giải quyết các vụ việc, vụ án nghiêm trọng; các vụ án lớn được Trung ương giao; không để tội phạm có tổ chức tồn tại ở Hà Nội.
Đặc biệt, Ban Nội chính Thành ủy đã tham mưu để Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp của Thành phố ban hành Đề án số 56-ĐA/BCĐ ngày 25.11.2019 về “Đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý tình trạng tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc trên địa bàn thành phố”. Đây là nội dung, theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội, rất có ý nghĩa, bởi “tham nhũng vặt” làm xói mòn lòng tin, rất nguy hiểm… nên phải có biện pháp ngăn chặn.
Nhấn mạnh công tác nội chính còn nhiều hạn chế, tồn tại cần khắc phục, ông Huệ giao nhiệm vụ cho Ban Nội chính Thành ủy, các cơ quan khối nội chính thành phố bảo đảm tuyệt đối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không để hình thành tổ chức chính trị đối lập, tụ tập đông người gây rối trật tự xã hội; không để Hà Nội trở thành địa bàn trung chuyển ma túy...
Đây là “quyết tâm chiến lược của Thành ủy”, đòi hỏi Ban Nội chính Thành ủy và các cơ quan nội chính thành phố phải chủ động dự báo, công tác tham mưu phải đi trước một bước.
Ông Huệ cũng yêu cầu Ban Nội chính Thành ủy phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND thành phố giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài trên tinh thần thượng tôn pháp luật; tăng cường công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo gắn với sàng lọc cán bộ cho nhiệm kỳ mới; nắm chắc tình hình liên quan đến chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, kịp thời tham mưu, đề xuất phòng ngừa, giải quyết các vấn đề phức tạp mới, không để phát sinh “điểm nóng”.
Bình luận (0)